Chủ Nhật, 19/5/2024
Vĩnh Phúc
Thứ Sáu, 8/12/2023 10:59'(GMT+7)

Vĩnh Phúc: Phát triển đông y trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân

Thầy thuốc Nhân dân, PGS.TS Đậu Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam tặng Bằng khen cho các tập thể ở Vĩnh Phúc có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW của Ban Bí thư.

Thầy thuốc Nhân dân, PGS.TS Đậu Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam tặng Bằng khen cho các tập thể ở Vĩnh Phúc có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW của Ban Bí thư.

NÂNG CAO NHẬN THỨC VỀ VỊ TRÍ, VAI TRÒ CỦA ĐÔNG Y

Sau 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW, 8 năm thực hiện Thông báo Kết luận số 154-TB/KL của Ban Bí thư về phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc về vị trí, vai trò của nền đông y và Hội Đông y Việt Nam đối với công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đã có nhiều chuyến biến tích cực. Từ đó, khẳng định rõ tầm quan trọng của nền YDCT, thông qua phương pháp đông y giúp con người nâng cao sức đề kháng bệnh tật, duy trì sức khoẻ, thân thiện với môi trường thiên nhiên, phát huy tối đa nguồn dược liệu sẵn có của địa phương, góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao chất lượng sức khỏe cho nhân dân.

Hằng năm, Hội Đông y các cấp thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn hội viên thực hiện đúng Pháp lệnh hành nghề y dược tư nhân, Điều lệ Hội Đông y Việt Nam, 12 điều y đức, 9 điều di huấn cách ngôn của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”... Từ đó, các hội viên đã nâng cao nhận thức, tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh.

PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG KHÁM CHỮA BỆNH VÀ NGUỒN NHÂN LỰC ĐÔNG Y

Hệ thống khám, chữa bệnh bằng phương pháp YHCT được các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở quan tâm đầu tư và ngày càng hoàn thiện, góp phần thực hiện hiệu quả việc kết họp giữa YHCT và Y học hiện đại (YHHĐ). Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có Bệnh viện Y Dược cổ truyền tỉnh là Bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh thực hiện khám, chữa bệnh YHCT; 6 Bệnh viện có khoa YHCT gồm 1 bệnh viện tuyến Trung ương (Bệnh viện 74 TW), 2 Bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh (Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện đa khoa khu vực Phúc Yên), 1 bệnh viện Quân đội (Bệnh viện 109), Bệnh viện Giao thông vận tải Vĩnh Phúc và 1 Bệnh viện tư nhân; Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh thực hiện khám chữa bệnh kết hợp PHCN và YHCT; 9 Trung tâm Y tế huyện, thành phố có khoa YHCT riêng hoặc khoa YHCT-PHCN. Các phòng khám đa khoa và các Trạm Y tế xã, phường, thị trấn (8 phòng khám Đa khoa khu vực, 136 Trạm y tế) có tổ hoặc bộ phận YDCT theo quy định của Bộ Y tế. 136/136 trạm Y tế xã có xây dựng vườn thuốc nam mẫu để hướng dẫn người dân biết cách sử dụng cây thuốc có sẵn tại địa phương điều trị một số bệnh thông thường.

Ngoài các cơ sở khám chữa bệnh công lập, trên địa bàn tỉnh hiện có 1 Bệnh viện đa khoa tư nhân (Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt) có khoa YHCT - PHCN và có 39 phòng chẩn trị Y học cổ truyền đang hành nghề, tạo mạng lưới đều khắp trong tỉnh.

Trong năm 2022, tổng số bệnh nhân khám YHCT đạt 57,981 lượt bệnh nhân, số bệnh nhân được điều trị bằng YHCT kết hợp YHHĐ đạt 19,872 lượt. Tỷ lệ khám và điều trị bằng YDCT và YDCT kết hợp với YHHĐ, trung bình toàn ngành (tuyến tỉnh, tuyến huyện) đạt 16% đối với khám ngoại trú (tăng 3% so với cùng kỳ) và đạt 28% đối với điều trị nội trú (tăng 1% so với cùng kỳ).

Bệnh viện Y Dược cổ truyền tỉnh là tuyến cao nhất trong hệ thống khám, chữa bệnh bằng YHCT của tỉnh, quy mô 170 giường bệnh kế hoạch, với 14 khoa, phòng. Bệnh viện có nhiều trang thiết bị hiện đại được đầu tư như: Máy sinh hóa tự động; máy xét nghiệm miễn dịch; máy Siêu âm màu; máy XQ kỹ thuật số; máy nội soi dạ dày - đại tràng ống mềm; máy nội soi tai - mũi - họng; máy tán sỏi ngoài cơ thể; hệ thống sắc thuốc bằng lò hơi; máy đóng bao viên hoàn cứng. Bệnh viện đã bào chế, sản xuất được 30 mặt hàng thuốc phục vụ công tác điều trị cho người bệnh như: thuốc sắc đóng túi, viên hoàn cứng, viên hoàn mềm, viên nén, thuốc cốm, trà túi lọc, thuốc cao, thuốc bột, thuôc mỡ, rượu thuốc... các chế phẩm được điều chế hoàn toàn bằng thảo dược, hiệu quả điều trị cao.

Thực tế cho thấy, việc kết hợp YHHĐ với YHCT vừa đạt hiệu quả cao trong việc điều trị bệnh, vừa không xảy ra tác dụng phụ đối với người bệnh. Nhiều bệnh được điều trị thành công nhờ kết hợp giữa YHCT và YHHĐ như: Điều trị di chứng tai biến mạch máu não bằng châm cứu phục hồi di chứng liệt; bệnh tăng huyết áp; phẫu thuật trĩ; phục hồi di chứng liệt sau chấn thương;... Bên cạnh đó, trong điều trị bệnh, một số dược phẩm YDCT cũng được bác sỹ tây y kê toa chỉ định.

 Trong 15 năm (từ năm 2008 đến nay), đã khám, chữa bệnh bằng phương pháp YHCT và YHCT kết hợp với YHHĐ cho 13.876.408 lượt bệnh nhân. Hội Đông y tỉnh tổ chức khám chữa bệnh miễn phí cho 108.270 lượt bệnh nhân. Nhiều phương pháp chữa bệnh bằng YHCT ngày càng được các cơ sở y tế áp dụng và được người bệnh tin tưởng điều trị có hiệu quả trong việc khám chữa bệnh như dùng đèn chiếu, chữa bệnh bằng châm cứu, điện châm, thuỷ châm, xoa bóp, day ấn huyệt, chữa bệnh bằng ống hút giác hơi, cứu mồi ngải, dùng thuốc nam sắc uống... Nhìn chung, số lượng bệnh nhân điều trị bằng YDCT ngày càng tăng, việc sử dụng các phương pháp YHCT ngày càng hiệu quả hơn góp phần tích cực vào sự nghiệp chăm sóc sức khoẻ của nhân dân trên địa bàn tỉnh.

 

 Để tăng cường đội ngũ cán bộ cho Ngành Y tế, đặc biệt là các cán bộ, bác sĩ chuyên môn về YHCT, tỉnh Vĩnh Phúc đã phối hợp với các trường đại học Y, Dược, Học viện Quân y đào tạo trình độ Đại học cho đối tượng là những học sinh trúng tuyển vào các trường kể trên. Tỉnh hỗ trợ 100% học phí đào tạo theo quy định và mỗi tháng được hỗ trợ thêm bằng 50% mức lương tối thiểu (số tháng được hỗ trợ trong năm là 10 tháng) và có chính sách thu hút các trường hợp khi đến nhận công tác tại tỉnh như: Bác sỹ, dược sỹ đại học tốt nghiệp hệ chính quy các trường Đại học Y Hà Nội, Đại học Dược Hà Nội, Học viện Quân y và tốt nghiệp loại khá hệ chính quy ở các trường Đại học Y, Đại học Dược khác chưa thuộc biên chế nhà nước, có nguyện vọng về Vĩnh Phúc công tác lâu dài và chịu sự phân công của cơ quan có thẩm quyền được tỉnh hỗ trợ kinh phí... Với sự quan tâm đó, đã tạo điều kiện thuận lợi để Ngành Y tế Vĩnh Phúc thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao về công tác tại tỉnh.

XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN DƯỢC LIỆU PHONG PHÚ

Trong những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã quan tâm đẩy mạnh việc nghiên cứu, kế thừa, bảo tồn, phát triển nền đông y và phát triển nguồn dược liệu trồng các giống cây ở các vùng như: Tam Đảo, Tam Dương, Lập Thạch, Sông Lô, Bình Xuyên... để phát triến vườn thuốc nam, bảo tồn những cây thuốc quý, hiếm.

Công tác phát triển cây thuốc cũng rất được chú trọng, điển hình là: Dự án bảo tồn và phát triển cây Trà hoa vàng, cây Ba kích, Bạch chỉ, Đinh lăng, Mạch môn, Ngưu tất, Địa liền, Sâm bố chính, Huyền sâm và Kim ngân hoa, thử nghiệm di thực trồng Sâm Ngọc Linh. Bảo tồn nguồn gen cây thuốc quý (Hoa tiên - Asarum glabrum, Hoàng tinh hoa trắng) ở vườn quốc gia Tam Đảo; Đề án xây dựng mô hình điểm trồng một số cây dược liệu trên địa bàn huyện Tam Đảo Trên địa bàn tỉnh có Trung tâm cây giống cây nguyên liệu Tam Đảo do Công ty cổ phần Nông dược Tam Đảo làm chủ, địa điểm tại Thôn Quẵng, xã Tam Quan, huyện Tam Đảo chuyên cung cấp cây giống, cây nguyên liệu, cây dược liệu cho các vùng miền trên cả nước, đồng thời cung cấp một số dược liệu là vị thuốc nam cổ truyền.

Trên địa bàn huyện Tam Đảo, có một vài hợp tác xã chuyên trồng, thu hái và sơ chế thuốc nam. Một số xã khác trong các huyện cũng có những vùng nuôi trồng dược liệu và cây thuốc nam, tuy nhiên quy mô không lớn. Bên cạnh các vùng nuôi trồng dược liệu do người dân đứng ra sản xuất, Vĩnh Phúc còn có rừng Quốc gia Tam Đảo với hàng nghìn cây thuốc, con thuốc quý hiếm được dự trữ và bảo tồn.

Từ những mô hình phát triển nguồn dược liệu trên, Vĩnh Phúc sẽ cung cấp nguồn dược liệu ổn định, đảm bảo về chất lượng dược liệu phục vụ công tác điều trị cho nhân dân vừa tăng thêm thu nhập, nâng cao giá trị kinh tế trong trồng trọt của người dân địa phương. Hướng phát triển nuôi trồng và phát triển cây thuốc theo tiêu chuẩn GACP sẽ tạo ra dược liệu sạch, là cơ sở cho việc chủ động nguồn cung cấp dược liệu của tỉnh và cho cả nước trong tương lai.

Bệnh viện YHCT tỉnh có vườn cây thuốc nam mẫu, bao gồm khoảng 200 loại cây thuốc, nhằm bảo tồn những cây thuốc quý, đồng thời cũng là vườn cây thuốc mẫu cho sinh viên, các hội viên Hội Đông y, bệnh nhân, cán bộ bệnh viện tham quan học tập và biết cách nhận biết cây thuốc và công dụng điều trị.

Trong những năm qua, công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong Y Dược cổ truyền của tỉnh đã được đẩy mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ cao, nhiều công trình nghiên cứu đã được úng dụng vào trong công tác chẩn đoán và điều trị bệnh; sưu tầm, thừa kế, ứng dụng, lưu giữ cây thuốc hay bài thuốc quý trong nhiều năm qua đã thực sự trở thành nhu cầu ở bệnh viện YHCT tỉnh, các khoa YHCT của bệnh viện Đa khoa tỉnh và Trung tâm y tế các huyện, thành phố.

Từ năm 2008 đến nay, toàn tỉnh đã triển khai thực hiện được 32 đề tài, dự án khoa học cấp tỉnh và cấp Bộ liên quan đến lĩnh vực YHCT và 109 đề tài cấp cơ sở được thực hiện. Các đề tài nghiên cứu khoa học đã tạo ra những sản phẩm thực tiễn góp phần vào việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, nhiều đề tài được ứng dụng hiệu quả trong công tác điều trị cho người bệnh tại Bệnh viện YHCT, như: Đề tài “Hóa ứ thông mạch” điều trị cho bệnh nhân tai biến mạch máu não; “Tiêu đàm thang” trong điều trị rối loạn chuyển hóa Lipid; “Thăng áp thang” điều trị Cao huyết áp; “Tiêu gout thang” điều trị bệnh gout; “Khang thanh” điều trị bệnh nhân Hội chúng chuyển hoá; “Thư cân hoạt huyết thang” điều trị bệnh nhân đau vai gáy do thoái hóa cột sống cổ, cốm bổ tỳ trẻ em suy dinh dưỡng, Châm cứu chữa đau dây thần kinh, lá thuốc tắm từ thảo dược.

Hội Đông y tỉnh trong 15 năm qua đã tổ chức 8 cuộc Hội thảo chuyên môn và thu thập được 302 bài thuốc kinh nghiệm chữa bệnh hiệu quả từ các lương y trong tỉnh, từng bước phổ biến những bài thuốc quý nhàm bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu. Ngoài ra, một số đề tài nghiên cứu đã ứng dụng công nghệ sinh học trong y dược học cổ truyền tạo ra hướng đi mới cho nền y học truyền thống như đề tài: Nghiên cứu chiết xuất các hoạt chất sinh học từ Rắn hổ mang nuôi thương phẩm để sản xuất thực phẩm chức năng hồi phục sức khoẻ cho vận động viên và lực lượng vũ trang.

Công tác nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực đông y đã đóng góp quan trọng vào việc kết thừa, bảo tồn, nuôi trồng, khai thác, chế biến dược liệu đến các phương pháp khám, chữa bệnh bằng đông y.

Phòng khám Đông Y tại Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc được trang bị hiện đại từ các nước có nền y học tiên tiến.

Phòng khám Đông Y tại Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc được trang bị hiện đại từ các nước có nền y học tiên tiến.

ĐẨY MẠNH XÃ HỘI HÓA VÀ HỢP TÁC QUỐC TẾ VỀ Y HỌC CỔ TRUYỀN

Thời gian qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã quan tâm khuyến khích, vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh trong việc thành lập các cơ sở khám, chữa bệnh, đào tạo nhân lực, sản xuất kinh doanh thuốc đông y, phát triển các vùng dược liệu trên địa bàn được đẩy mạnh. Việc có nhiều tổ chức, cá nhân ủng hộ, tham gia sử dụng các sản phẩm và dịch vụ chữa bệnh bằng YDCT, góp phần khẳng định công tác xã hội hóa đông y trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc được triển khai thực hiện và bước đầu đạt được những hiệu quả nhất định.

Việc khuyến khích, vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh thành lập các cơ sở khám, chữa bệnh, sản xuất kinh doanh thuốc đông y, phát triển các vùng dược liệu trên địa bàn được đẩy mạnh. Từ các cơ chế chính sách ưu đãi của tỉnh, đã thu hút được các doanh nghiệp đầu tư các dự án phát triển dược liệu tại tỉnh. Một số cá nhân thuộc hội viên Hội Đông y ở các huyện, thành phố cũng tích cực tham gia nuôi trồng dược liệu, đến nay, số vườn thuốc của các hội viên có tổng diện tích là 18.720 m2, góp phần cung cấp dược liệu cho các cơ sở khám chữa bệnh và nâng cao thu nhập cho các hội viên; khuyến khích những mô hình phát triển nguồn dược liệu, cung cấp nguồn dược liệu ổn định, đảm bảo về chất lượng dược liệu phục vụ công tác điều trị cho nhân dân vừa tăng thêm thu nhập, nâng cao giá trị kinh tế trong trồng trọt của người dân địa phương. Hướng phát triển nuôi trồng và phát triển cây thuốc theo tiêu chuẩn GACP sẽ tạo ra dược liệu sạch, là cơ sở cho việc chủ động nguồn cung cấp dược liệu của tỉnh và cho cả nước trong tương lai.

GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN ĐÔNG Y TRONG THỜI GIAN TỚI

Trong thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng, thực hiện tốt Chỉ thị số 24-CT/TW và Thông tri số 29-TTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện hơn trong nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và nhân dân về vai trò của nền Đông y, Hội Đông y trong công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân. Tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình phát triển y dược cổ truyền, kết hợp YDCT với YDHĐ đến năm 2030; đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống bệnh viện y học cổ truyền toàn quốc giai đoạn 2014-2025; phát triển dược liệu đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Tiếp tục rà soát, xây dựng hệ thống cơ chế chính sách đồng bộ, nhằm thu hút được đội ngũ cán bộ YDCT có trình độ, năng lực, phẩm chất tốt về công tác tại tỉnh. Thường xuyên củng cố tổ chức hội, phát triển hội viên, tạo điều kiện thuận lợi cho Hội Đông y, các tổ chức nghề nghiệp thuộc lĩnh vực YDCT hoạt động và phát triển, trong đó, chú trọng phát huy phát triển cây dược liệu đặc hữu tại địa phương và các bài thuốc hay đang được ứng dụng trong nhân dân.

Thực hiện tốt chương trình phối hợp với các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. Hội Đông y huyện làm nòng cốt xây dựng kế hoạch hoạt động, củng cố tổ chức, phát triển hội viên; kết hợp với Ngành Y tế trong các hoạt động chuyên môn; đề xuất chính sách quy hoạch vùng dược liệu cần thiết, xây dựng vườn thuốc nam; hoàn thiện mạng lưới đông y cơ sở, xây dựng tổ chức Hội ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ Hội Đông y các cấp; chú trọng đào tạo đội ngũ y, bác sĩ chuyên ngành đông y; tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở Bệnh viện Y Dược cổ truyền tỉnh và các khoa y dược cổ truyền ở các Bệnh viện tuyến huyện.

Tăng cường nghiên cứu, sưu tầm các cây, con dược liệu, xây dựng kế hoạch, bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu của địa phương. Sưu tầm, thừa kế các bài thuốc gia truyền chữa bệnh có hiệu quả của các Lương y trên địa bàn tỉnh.

Quy hoạch các vùng trồng cây dược liệu chủ đạo, bảo tồn và phát triển các nguồn gen, dược liệu quý phù hợp với đặc điểm, điều kiện sinh thái của các địa phương có thế mạnh; phổ biến, định hướng, khuyến khích trồng, chăm sóc các cây dược liệu quý tại hộ gia đình, cộng đồng dân cư. Tăng cường huy động các nguồn lực từ xã hội hóa để đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hiện dịch vụ y dược cổ truyền, đặc biệt là ở tuyến y tế cơ sở. Chú trọng đến việc thu hút đầu tư nuôi trồng, sản xuất, chế biến dược liệu và triển khai các dịch vụ khám chữa bệnh bằng y dược cổ truyền của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh.

Tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hội viên Hội Đông y và các cơ sở bào chế thuốc và khám chữa bệnh đông y; thường xuyên thanh tra, kiểm tra về y dược cổ truyền đảm bảo thực hiện đúng quy định về sản xuất, lưu hành thuốc đông y, thuốc có nguồn gốc từ dược liệu.

Nam Hải

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất