Thứ Sáu, 29/11/2024
Khoa học, công nghệ
Thứ Sáu, 25/4/2014 21:40'(GMT+7)

1.000 người yêu khoa học giao lưu về thế giới ngoài vũ trụ

Giáo sư Michel Mayor trao đổi với các nhà khoa học bên lề hội thảo “Khoa học hành tinh ngoài hệ Mặt Trời”. (Ảnh: TTXVN)

Giáo sư Michel Mayor trao đổi với các nhà khoa học bên lề hội thảo “Khoa học hành tinh ngoài hệ Mặt Trời”. (Ảnh: TTXVN)

Ngày 24/4, giáo sư vật lý thiên văn người Thụy Sỹ Michel Mayor đã có buổi thuyết trình, giao lưu với đông đảo người yêu khoa học Vật lý Thiên văn tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) với chủ đề “Những thế giới khác trong vũ trụ".

Nằm trong chuỗi hội thảo khoa học quốc tế “Khoa học hành tinh ngoài hệ Mặt Trời” đang diễn ra tại Trung tâm quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành - ICISE (thành phố Quy Nhơn), buổi giao lưu đã thu hút hơn 1.000 nhà khoa học, sinh viên, học sinh và người yêu khoa học.

Đông đảo thính giả đã bị cuốn hút bởi những vấn đề giáo sư Michel Mayor trình bày. Ông cho rằng, loài người đang nỗ lực tìm kiếm một sự sống, một nền văn minh nào đó có thể đang tồn tại ngoài Trái Đất. Trong hàng tỷ dải Thiên Hà đang tồn tại và hoạt động, mỗi dải Thiên Hà có đến 10 tỷ ngôi sao và mỗi ngôi sao có nhiều hành tinh hoạt động vây quanh, có thể có sự sống nào đó ngoài Trái Đất của hệ Mặt Trời.

Bên cạnh đó, giáo sư Michel Mayor cũng nói về quá trình tìm kiếm các ngoại hành tinh (hành tinh ngoài hệ Mặt Trời) của ông cùng các cộng sự.

Buổi giao lưu sôi nổi khi đông đảo người yêu khoa học đã hỏi giáo sư Mayor về những vấn đề đang rất được chú ý trong khoa học vật lý thiên văn, như khái niệm vùng tồn tại sự sống; liệu có khả năng Trái Đất sẽ va chạm với một hành tinh nào đó; vấn đề về “ngày tận thế”...

Giáo sư Michel Mayor đã giải đáp những thắc mắc của người yêu khoa học. Ông cũng nêu lên những phương pháp và thiết bị tìm kiếm ngoại hành tinh hiện nay; phương pháp xác định hành tinh khí hay hành tinh chất rắn; những ứng dụng các phương pháp quét, nhận tín hiệu ngoài vũ trụ được áp dụng trong lĩnh vực y học như kỹ thuật quét, chụp phim và tia X...

Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật tỉnh Bình Định, cho biết khoa học vật lý thiên văn tưởng khô khan và khó thu hút mọi người nhưng đã rất sống động và lôi cuốn qua buổi giao lưu này. Qua đó, người yêu khoa học muốn gắn bó và muốn tìm hiểu hơn về vật lý thiên văn. Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật tỉnh Bình Định sẽ phối hợp cùng ICISE để tổ chức thêm nhiều buổi thuyết trình, giao lưu khoa học trong tương lai.

Giáo sư Michel Mayor hiện đã về hưu và là giáo sư danh dự của Đại học Geneva (Thụy Sỹ), nơi ông làm công tác giảng dạy hơn 20 năm; là Viện sỹ Viện hàn lâm khoa học Pháp và Mỹ.

Năm 1995, giáo sư Michel Mayor cùng sinh viên của mình là Didier Queloz đã tìm ra hành tinh đầu tiên ngoài hệ Mặt Trời. Ngoại hành tinh đầu tiên được phát hiện đã có tác động to lớn đến lý thuyết các hệ hành tinh và mở ra một chương mới trong khoa học vật lý thiên văn hiện đại. Giáo sư vẫn đang trên hành trình nghiên cứu tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất./.

(TTXVN)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất