Thứ Bảy, 28/9/2024
Tin hoạt động
Chủ Nhật, 22/1/2012 7:38'(GMT+7)

10 hoạt động ngoại giao văn hóa nổi bật năm 2011

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo Vụ Văn hóa đối ngoại và UNESCO (Bộ Ngoại giao), công tác ngoại giao văn hoá đang ngày càng được quan tâm và triển khai mạnh mẽ hơn theo tinh thần chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và mở rộng quan hệ trên các lĩnh vực đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, được thể hiện trên 10 hoạt động Ngoại giao Văn hoá nổi bật trong năm 2011.

1. Lần đầu tiên công tác ngoại giao văn hóa được đưa vào Văn kiện Đại hội Đảng. Điều đó nói lên tầm quan trọng của công tác ngoại giao văn hoá. Tại trang 139, mục 12 của Văn kiện Đại hội Đảng XI viết: “…Kết hợp chặt chẽ đối ngoại của Đảng với ngoại giao của Nhà nước và ngoại giao nhân dân, giữa ngoại giao chính trị với ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa, giữa đối ngoại với quốc phòng, an ninh…”.

2. Ngày 14/2/2011, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định ban hành Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2020, góp phần hoàn thiện chính sách về ngoại giao văn hóa, tạo cơ sở và các điều kiện thuận lợi cho quá trình triển khai các hoạt động văn hóa. Chiến lược xác định rõ những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để phát triển ngoại giao văn hoá thành một trụ cột của nền Ngoại giao toàn diện, hiện đại Việt Nam, đưa nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng vào hệ thống quốc tế.

3. Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà Văn hóa kiệt xuất, ở nước ngoài” nhằm tôn vinh hình ảnh Bác Hồ và qua đó quảng bá hình ảnh một nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, đấu tranh cho độc lập dân tộc và tích cực hội nhập quốc tế. Trong năm 2011, chúng ta đã tiến hành dựng tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Singapore và Philippines, đồng thời đã khảo sát một số địa bàn để triển khai dựng tượng, bia tưởng niệm và xây dựng Khu Di tích về Bác Hồ tại Argentina và tỉnh Nakhon Phanom, Thái Lan.

4. Ngày 27/6, tại Paris (Pháp), Ủy ban Di sản thế giới thuộc UNESCO đã công nhận di tích thành nhà Hồ ở Thanh Hóa là Di sản Văn hóa thế giới, đưa tổng số Di sản Văn hóa thế giới của Việt Nam lên thành 5 di sản.

5. Ngày 24/11, Ủy ban Liên Chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản phi vật thể đã thông qua quyết định ghi nhận Hát Xoan ở Phú Thọ là Di sản Văn hóa phi vật thể thế giới cần bảo vệ khẩn cấp, đưa tổng số Di sản Văn hóa phi vật thể của Việt Nam lên thành 6 di sản.

6. Tháng 5/2011, “82 Bia Tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám” trở thành Di sản Tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới cấp quốc tế đưa tổng số Di sản Tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới của Việt Nam lên thành 2 di sản.

7. Hỗ trợ các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tổ chức các hoạt động quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Ngoại giao văn hoá đã chủ trì và phối hợp tổ chức thành công nhiều hoạt động ở nước ngoài như: Lễ hội châu Á do Việt Nam chủ trì tại Bỉ vào tháng 2/2011, Tháng Việt Nam tại Pháp vào tháng 5/2011, Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản vào tháng 9/2011…

8. Tổ chức thành công các hoạt động kỷ niêm 100 năm Bác Hồ đến nước Pháp (1911 – 2011) và 65 năm ngày Bác Hồ thăm Pháp với tư cách Nguyên thủ quốc gia (1946 – 2011). Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ VHTT&DL, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Báo Nhân dân và các đơn vị liên quan khác hỗ trợ Hội người Việt Nam tại Pháp tổ chức các hoạt động kỷ niệm 100 năm Bác Hồ đến nước Pháp (1911 – 2011) và 65 năm Bác Hồ thăm Pháp với tư cách là Nguyên thủ quốc gia (1946 – 2011) bao gồm các hoạt động Triển lãm và Hội thảo về Bác tại Pháp vào tháng 9/2011.

9. Hỗ trợ các địa phương tổ chức các lễ hội văn hóa có yếu tố quốc tế, qua đó giúp địa phương quảng bá các lễ hội, di sản, danh lam thắng cảnh, thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại, phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Một số hoạt động tiêu biểu: Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột (tháng 1/2011); Lễ kỷ niệm 400 năm thành lập tỉnh Phú Yên và Lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia (tháng 4/2011); Liên hoan Trà quốc tế lần thứ nhất – Thái Nguyên (tháng 11/2011)…

10. Lần đầu tiên tổ chức lớp tập huấn về ngoại giao văn hóa cho lãnh đạo, cán bộ của ban Đảng, các sở, ban, ngành, các huyện, thị và doanh nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc (tháng 10/2011) và triển khai đồng loạt bồi dưỡng kiến thức ngoại giao văn hoá trong khuôn khổ các lớp bồi dưỡng về kiến thức đối ngoại cho các địa phương như Quảng Bình, An Giang, Hà Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bạc Liêu, Yên Bái, Nam Định…

(VGP News)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất