Thứ Hai, 30/9/2024
Kinh tế
Thứ Bảy, 12/5/2012 18:14'(GMT+7)

5 khuyến nghị giúp doanh nghiệp vượt khó

Theo chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan, Doanh nghiệp nên "tự cứu mình, trước khi trời cứu".

Theo chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan, Doanh nghiệp nên "tự cứu mình, trước khi trời cứu".

Tăng trưởng GDP của Việt Nam quý I/2012 chỉ đạt 4% là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2004 (trừ quí I/2009) đến nay; chỉ số sản xuất công nghiệp 4 tháng 2012 cũng chỉ tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2011. Trong khi đó, tồn kho tại thời điểm 1/4/2012 của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 32,1% (tương đối cao so với cùng kỳ các năm trước). Kim ngạch nhập khẩu giảm mạnh ở các mặt hàng như linh kiện phụ tùng ô tô, xăng dầu, linh kiện xe máy, nguyên phụ liệu cho sản xuất, xuất khẩu (vải, bông, sợi dệt…).

Những khó khăn về kinh tế vĩ mô đã ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thể hiện qua số lượng doanh nghiệp đăng ký mới giảm, số tạm ngưng hoạt động, giải thể và phá sản tăng; doanh thu sản xuất, kinh doanh giảm; chi phí lãi vay tăng; thu thuế nội địa và xuất nhập khẩu giảm; nợ thuế tăng. Trong quý I/2012, số doanh nghiệp thành lập mới giảm 10,2% so với cùng kỳ 2011; nhưng số doanh nghiệp tạm nghỉ kinh doanh có thời hạn lại bằng con số thành lập mới khoảng 18.700 doanh nghiệp; số doanh nghiệp giải thể, phá sản và ngừng hoạt động là 10.350 doanh nghiệp (tăng 14,8% so với cùng kỳ).

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, một số thách thức về thị trường còn có thể lớn hơn và khó hơn so với các dự báo mà các tổ chức quốc tế đã đưa ra dự báo cho năm 2012 vốn đã không được mấy khả quan. Trong đó, giá lương thực, thực phẩm, dầu thô và nguyên liệu trên thị trường thế giới có thể tăng; thị trường chứng khoán thế gới tiếp tục sụt giảm và trì trệ; tăng trưởng kinh tế chậm lại, lạm phát cao tiếp tục diễn ra ở nhiều quốc gia (kể cả phát triển và đang phát triển); xu hướng bảo hộ kỹ kỹ thuật tại các thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam có thể tiếp tục gia tăng; giá vàng vẫn có thể biến động mạnh, nhiều đồng tiền chủ chốt trên thế giới tiếp tục xu hướng yếu. Những diễn biến này sẽ còn tác động tới nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu hàng hóa ra thị trường thế giới trong những tháng còn lại của năm 2012. Vì vậy, các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu cần chủ động nắm bắt thông tin và đưa ra những “kịch bản” phù hợp thích ứng với bối cảnh:

Thứ nhất, cần đa dạng hóa sản phẩm, thị trường, đối tác và các kênh tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ kinh doanh tại các thị trường có triển vọng tốt như Mỹ, EU, Nga, Trung Đông…; hạn chế tác động tiêu cực và phát huy lợi thế gần thị trường Trung Quốc; quan tâm hơn đến phát triển thị trường trong nước; tăng cường đầu tư sản xuất hàng hóa theo phương thức FOB, tiến tới sản xuất theo phương thức ODM nhẳm tăng sức cạnh tranh; coi trọng công tác xây dựng và quảng bá thương hiệu.

Thứ hai, chủ động các công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá; tăng cường liên kết, hợp tác trong sản xuất, kinh doanh để tạo sức mạnh đối phó với các tranh chấp thương mại quốc tế, chống phân biệt đối xử thương mại, chủ động đề xuất và phản biện chính sách; khai thác tốt các nguồn lực về tài chính, quan hệ, kinh nghiệm thị trường của Việt kiều cho hoạt động xuất khẩu; phát triển các trung tâm thương mại Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là ở các nước có đông kiều bào Việt Nam sinh sống và hòa nhập tốt với nước sở tại.

Thứ ba, tuân thủ tốt luật pháp trong nước và quốc tế cũng như các yêu cầu, các tiêu chuẩn về thông lệ hải quan, thông lệ thương mại và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; tranh thủ sự hỗ trợ của đại sứ quán và các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài; phát triển các hiệp hội, doanh nhân và ngành hàng cả ở trong nước và nước ngoài.

Thứ tư, chủ động tự tái cấu trúc toàn diện và tham gia vào các quá trình tái cấu trúc quốc gia và quốc tế; tham gia vào các quá trình tái cấu trúc chuỗi sản xuất của nhiều tập đoàn nước ngoài, nhất là xu hướng mua - bán - sáp nhập doanh nghiệp do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế và biến đổi khí hậu các nhà đầu tư quốc tế có xu hướng di chuyển địa điểm sản xuất từ các nước khu vực sang Việt Nam. Mạnh dạn đột phá phát triển các bộ phận kinh doanh về thiết kế và công nghệ để tham gia sâu, hiệu quả hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu; đầu tư ra nước ngoài, tập trung để đạt được những hợp đồng xuất khẩu lớn để dịnh hướng lại hoạt động của doanh nghiệp của mình, góp phần vào quá trình tái cấu trúc kinh tế quốc gia.

Thứ năm, nâng cấp khả năng quản trị theo hướng thông minh hơn, đặc biệt là quản trị nhận sự. Trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, quản trị nhân sự cần tập trung vào các giá trị kinh doanh cốt lõi và điều tiết các chi phí một cách hợp lý; tạo điều kiện cho nhân viên tham gia thảo luận, qua đó chỉ ra những yếu kém để đầu tư vào phát triển nhân sự, hậu đãi nhân tài; không nên mạo hiểm với những dự án có nhiều rủi ro.../.

Việt Anh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất