Chủ Nhật, 29/9/2024
Pháp luật
Thứ Ba, 18/11/2008 21:36'(GMT+7)

5 nhóm giải pháp chủ yếu trong Dự thảo Chiến lược Quốc gia phòng, chống tham nhũng

Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền trình bày Tờ trình Dự thảo Chiến lược Quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 - Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ

Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền trình bày Tờ trình Dự thảo Chiến lược Quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 - Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ

Trình bày Dự thảo Chiến lược Quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 (Dự thảo Chiến lược) tại phiên họp Chính phủ ngày 18/11, Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền nhấn mạnh việc xây dựng các mục tiêu cụ thể đó là, hạn chế tối đa điều kiện và cơ hội phát sinh tham nhũng trong việc hoạch định chính sách, xây dựng và thực hiện pháp luật, nhất là trong quá trình ban hành và tổ chức thi hành các văn bản áp dụng pháp luật.

Xây dựng nền hành chính hiệu quả, minh bạch, phục vụ nhân dân và xã hội với đội ngũ cán bộ, công chức trung thực, công tâm, liêm khiết, tận tụy.

Tạo lập môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, công bằng, minh bạch nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước; nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp.

5 nhóm giải pháp chủ yếu trong phòng chống tham nhũng

Theo Dự thảo Chiến lược, trước hết, cần tăng cường tính công khai minh bạch trong hoạt động công quyền, minh bạch hoá quá trình hoạch định, trình, ban hành chính sách pháp luật...

Kiểm soát việc thực thi quyền lực nhà nước; hoàn thiện chế độ công vụ, công chức, nâng cao chất lượng thực thi công vụ.

Hoàn thiện cơ chế quản lý kinh tế, xây dựng môi trường kinh doanh cạnh trạnh bình đẳng, công bằng, minh bạch trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, điều tra, truy tố xét xử trong phát hiện và xử lý tham nhũng.

Nâng cao nhận thức và phát huy vai trò của toàn xã hội trong phòng, chống tham nhũng; coi phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và của toàn dân.

Thời gian qua, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng tuy có những chuyển biến tích cực, song tình hình tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp trên nhiều lĩnh vực, nhất là trong quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước…

Vì vậy việc sớm ban hành Chiến lược Quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 là hết sức cần thiết nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác này trong tình hình mới.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các thành viên Chính phủ tiếp tục đóng góp ý kiến về các giải pháp mang tính chủ động trong thực hiện Chiến lược; sớm hoàn thiện dự thảo Chiến lược để Chính phủ trình Bộ Chính trị cho ý kiến, trước khi ban hành.

(Cổng TTĐTCP)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất