Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã hạ dự báo tăng trưởng của các
nền kinh tế đang phát triển tại châu Á trong năm nay, từ 6,6% xuống còn
6,3% và năm tới giảm từ 6,7% xuống 6,4%.
Trong báo cáo công bố ngày 16/7, ADB nêu rõ mặc dù cho tới nay, phần
lớn các nền kinh tế phát triển đã đạt được mức tăng trưởng như mong
đợi, nhưng các nền kinh tế đang phát triển tại châu Á vẫn chưa đạt
mức dự báo đã đề ra trong báo cáo "Triển vọng phát triển châu Á 2013" đưa
ra trước đó.
Theo ADB, tăng trưởng kinh tế khu vực Đông Á trong cả năm nay và năm tới sẽ
giảm từ 7,1% xuống còn 6,7%. Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc dự báo giảm
từ 8,2% xuống 7,7% trong năm 2013 và từ 8% xuống 7,5% trong năm 2014. Ngân
hàng trên cho rằng tăng trưởng trong lĩnh vực xuất nhập khẩu của nền
kinh tế lớn thứ hai thế giới này tuy làm chậm lại nhu cầu của các
đối tác nước ngoài, nhưng lại giúp gia tăng lòng tin người tiêu dùng
trong nước.
Trong khi đó, quá trình thành lập nguồn vốn cố định chậm chạp,
các hoạt động công nghiệp thưa thớt và tiến trình cải cách ì ạch đã
đè nặng lên nền kinh tế Ấn Độ. ADB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của
nước này từ 6% xuống còn 5,8% trong năm 2013, song giữ nguyên dự báo tăng
trưởng trong năm 2014.
ADB cũng cho rằng dự báo tăng trưởng kinh tế ở khu vực Nam Á sẽ
đạt 5,6% trong năm 2013 và 6,2% trong năm 2014. Riêng Sri Lanka được dự báo
sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, trong khi các nước còn lại chỉ đạt
mức tăng trưởng không đáng kể.
Ngoài ra, ADB cũng hạ mức dự báo tăng trưởng tại Tây Á, Trung Á và
Thái Bình Dương trong hai năm tới, trong khi nhận định rằng khu vực Đông
Nam Á sẽ vẫn đạt những bước tăng trưởng tuy chậm rãi nhưng chắc chắn.
Theo báo cáo trên, giá nhiên liệu giảm và giá thực phẩm ổn định
đáng kể đã giúp sức ép lạm phát giảm đi nhiều. ADB dự báo lạm phát
tại các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á sẽ giảm từ 4% xuống
3,5% trong năm nay.
Tháng Tư vừa qua, ADB đã dự báo các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á -
gồm 45 nước và vùng lãnh thổ ở Trung Á, Đông Á, Nam Á, Đông Nam Á và
khu vực Thái Bình Dương, bao gồm Trung Quốc đại lục, Hàn Quốc, Hongkong
(Trung Quốc) và Đài Loan (Trung Quốc), nhưng không bao gồm Nhật Bản,
Australia và New Zealand - sẽ đạt mức tăng trưởng 6,6% năm nay và 6,7% vào năm
tới.
Theo ADB, nguyên nhân chính kìm hãm tăng trưởng tại các nền kinh tế đang
phát triển của khu vực này là do nhu cầu từ các nước công nghiệp chủ
chốt sụt giảm đáng kể và tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm chạp ở
Trung Quốc./.
(TTXVN/Vietnam+)