Thứ Hai, 30/9/2024
Diễn đàn
Thứ Bảy, 25/10/2008 22:22'(GMT+7)

Âm thanh lỗi nhịp

Nữ tu dòng Mến Thánh Giá ở Nhà thờ Phú Cam (Huế) đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội, tháng 5/2007. Ảnh: VNN

Nữ tu dòng Mến Thánh Giá ở Nhà thờ Phú Cam (Huế) đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội, tháng 5/2007. Ảnh: VNN

Những người quan tâm đến Việt Nam hẳn sẽ ngạc nhiên khi đọc bản nghị quyết mà Nghị viện châu Âu (EC) vừa thông qua với tiêu đề “Hiệp định hợp tác với Việt Nam: Các quyền con người cần được tôn trọng hơn nữa”.

Ngạc nhiên vì trong nghị quyết, EC đã mô tả một bức tranh nhân quyền xám màu, trái ngược với thực tế những gì đang diễn ra ở Việt Nam. Theo bản nghị quyết này, tại Việt Nam, hầu như bất cứ điều gì gắn với từ “tự do” đều đang bị bóp nghẹt: quyền con người không được coi trọng, người thiểu số và nhiều nhóm tôn giáo bị kỳ thị và ngược đãi, rồi báo chí bị kiểm duyệt, truy cập internet bị hạn chế…

Ngạc nhiên hơn nữa là những đánh giá này được đưa ra giữa lúc quan hệ Việt Nam – EU đang phát triển tốt đẹp. Kèm theo những đánh giá sai lệch này là hàng loạt những yêu cầu theo kiểu “tối hậu thư”: Chẳng hạn như nếu Việt Nam không đạt được “tiến bộ trong lĩnh vực quyền con người và các quyền tự do”, hiệp định hợp tác mới giữa hai bên sẽ không được ký kết, các dự án phát triển của EU tại Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng…

Nhìn lại quan hệ Việt Nam – EU kể từ khi hai bên thiết lập quan hệ ngoại giao (tháng 11-1990) tới nay, có thể khẳng định rằng, với nỗ lực từ cả hai phía, mối quan hệ này luôn phát triển thuận lợi. Những chuyến thăm viếng cấp cao diễn ra thường xuyên đã đưa quan hệ Việt Nam – EU đi vào phát triển ổn định, ngày càng đa dạng, hiệu quả hơn. Bằng chứng là hiện nay, EU là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam. Đây là thị trường quan trọng đối với hàng loạt mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam như giày dép, hàng may mặc, cà phê, đồ nội thất và thủy sản. EU cũng là một trong những nhà đầu tư hàng đầu vào Việt Nam.

Thật đáng tiếc là đúng vào thời điểm Việt Nam và EU đang ở vào giai đoạn đàm phán tích cực về Hiệp định khung đối tác và hợp tác toàn diện (PCA) nhằm đưa quan hệ hai bên phát triển lên một tầm cao mới, trở thành đối tác toàn diện và bền vững, ổn định lâu dài và tin cậy lẫn nhau, vì hòa bình, hợp tác và phát triển phồn vinh trong thế kỷ 21, EC lại có những nhìn nhận rất sai lệch về tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Chính “thang điểm nhân quyền” mà EC đưa ra một cách chủ quan để áp đặt với Việt Nam đang tạo ra những rào cản cho việc sớm đưa mục tiêu trên đi vào hiện thực. Nghị quyết của EC đặt ra một tiền lệ đáng lo ngại trong quan hệ quốc tế khi quan hệ kinh tế bị gắn với những điều kiện chính trị theo kiểu áp đặt, chủ quan, một chiều nếu không chấp thuận thì sẽ phải chịu các biện pháp trừng phạt.

Chưa thể nói mọi thứ liên quan đến quyền con người ở Việt Nam đều đã hoàn hảo. Thế nhưng, Việt Nam có thể tự hào về những gì đã làm vì con người ở một đất nước vừa thoát khỏi tình trạng phát triển ở trình độ thấp, lại phải đối mặt ngay với những thách thức của cuộc đua gay gắt toàn cầu. Cả thế giới đã biết tới và ca ngợi “câu chuyện thần kỳ Việt Nam” trong việc giải quyết hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với công bằng và tiến bộ xã hội. Chỉ trong vòng 2 thập kỷ qua, Việt Nam đã giảm 50% số người nghèo, hoàn thành trước thời hạn một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất trong các mục tiêu thiên niên kỷ mà LHQ đề ra. Thành công của Việt Nam ấn tượng đến mức tờ tạp chí nổi tiếng Economist xuất bản tại Luân Đôn đã ca ngợi “Mặc dù Việt Nam vẫn còn là một trong những nước nghèo ở châu Á, nhưng sự phát triển của Việt Nam mang tính “nhân bản” cao bởi số người thoát khỏi đói nghèo cao gấp đôi mức trung bình trong khu vực”.

Trong những năm đổi mới, các quyền và tự do tín ngưỡng, tôn giáo được bảo đảm, số giáo dân liên tục tăng và hiện đã lên tới hơn 20 triệu người, chiếm khoảng 25% dân số. Các cơ sở thờ tự được sửa sang hoặc xây mới ngày càng nhiều. Những sinh hoạt tôn giáo tập trung, các nghi lễ tập thể về tôn giáo được tôn trọng. Những lễ hội của các tôn giáo như Nô-en, Lễ Phật đản, Lễ hội La Vang… được tổ chức rầm rộ, trở thành sự kiện không chỉ của riêng đồng bào tôn giáo mà còn là ngày hội chung lôi cuốn hàng vạn người tham gia. Trong năm 2008, Việt Nam đã tổ chức rất thành công Đại lễ Phật đản thế giới Vesak-2008, được dư luận trong nước và quốc tế đánh giá cao. Đó là sự thật không thể phủ nhận. Với những gì chứng kiến khi đến Việt Nam, nhiều người nước ngoài đã ví Việt Nam như một bảo tàng tôn giáo của thế giới bởi sự phát triển đa dạng của các tôn giáo.

Việt Nam là một đất nước ổn định về chính trị, phát triển mạnh về kinh tế và đang tích cực hội nhập quốc tế. Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm xây dựng và hoàn thiện các chính sách nhằm bảo đảm tốt nhất các quyền con người cho mọi công dân. Hiện Việt Nam được đánh giá là đất nước mà mức độ lạc quan trong người dân thuộc loại cao nhất thế giới (theo kết quả khảo sát của tổ chức Gallup International tại 53 nước trong năm 2007). Để có sự hiểu biết đầy đủ về vấn đề dân chủ, nhân quyền, Việt Nam thường xuyên có các cuộc đối thoại với các đối tác quan tâm đến nhân quyền Việt Nam. Thực tế là từ năm 2001, Việt Nam và EU đã tiến hành thường xuyên các cuộc tiếp xúc và đối thoại không chính thức về nhân quyền. Từ giữa năm 2003, cơ chế đối thoại chính thức và định kỳ về dân chủ - nhân quyền một năm 2 lần giữa hai bên đã được thiết lập. Đáng tiếc là vẫn có cách nhìn thiển cận và sai lệch về dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam ngay tại Nghị viện châu Âu. Đáng tiếc hơn nữa là dân chủ, nhân quyền bị đem ra làm điều kiện trong quan hệ quốc tế.

Việc Nghị viện châu Âu đã thông qua một nghị quyết không phản ánh đúng tình hình Việt Nam, đặt ra những điều kiện không có căn cứ đã làm ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ hợp tác đang phát triển tốt đẹp giữa Việt Nam và EU. Nó chẳng khác nào như âm thanh lỗi nhịp trong dòng chảy đang ngày càng nhộn nhịp của quan hệ Việt Nam-EU. Chúng ta kêu gọi Nghị viện châu Âu với cách nhìn khách quan và tầm nhìn hướng về tương lai sẽ sớm loại bỏ nghị quyết sai trái trên./.

(Theo QĐND điện tử)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất