(TG) - “Chiếc áo không làm nên thầy tu”. Giá trị của một con người hay một tổ chức không nằm ở vẻ hào nhoáng bề ngoài, mà thể hiện ở chiều sâu phẩm chất nhân cách, đức hạnh của mỗi người và giá trị nhân bản, tốt đẹp của mỗi tổ chức.
1. Để tạo điều kiện thuận lợi an cư đối với cán bộ, địa phương, Q đã xây dựng một ngôi nhà công vụ to đẹp, khang trang cho vị lãnh đạo chủ chốt. Bên trái ngôi nhà là một chiếc cổng uy nghi mà mỗi lần bước vào đây, ai cũng cảm tưởng như đến một gia đình giàu sang, quyền quý. Người lãnh đạo đầu tiên ở nhà công vụ này coi đây là ngôi nhà hoàn hảo nên xây thế nào, ở thế ấy.
Hơn một năm sau, khi người khác được bổ nhiệm chức vụ mới đã yêu cầu cấp dưới phải tu bổ, sửa sang ngôi nhà này cho sang trọng và đẹp đẽ hơn. Trong số các hạng mục phải tu sửa, chiếc cổng được đề nghị “ưu tiên” làm mới - chuyển từ vị trí bên trái sang bên phải ngôi nhà. Bởi theo vị lãnh đạo này, chủ nhà mới phải có “lối đi mới” thì con đường công danh mới hanh thông, dễ bề thăng tiến! Thế là một cái cổng mới to cao hơn, hoành tráng hơn được xây dựng lại hoàn toàn. Ở trong ngôi nhà công vụ được gần nửa nhiệm kỳ, người lãnh đạo này được chuyển sang địa phương khác.
Người thay thế cương vị mới sau khi xem xét hướng nhà một cách kỹ lưỡng, đã quyết định cho xây một cái cổng mới phía trước ngôi nhà. Bởi theo quan niệm của ông, cổng ở bên trái và bên phải đều “không thuận” với “bản mệnh” của mình. Chỉ có xây cổng phía tiền sảnh mới “hợp phong thuỷ”, thể hiện bước tiến của chủ nhà luôn ở phía trước. Và ngay sau đó, cấp dưới của ông lại phải thuê thợ xây một chiếc cổng mới không kém phần bề thế, uy nghiêm so với cái cổng cũ bị phá bỏ.
2. Trước nhà công vụ của giám đốc sở T đã xây dựng một khuôn viên có hòn non bộ và các chậu hoa, cây cảnh thể hiện phong cảnh sơn thủy hữu tình. Trong khi phần lớn các chậu cây cảnh khác được cắt tỉa gọn gàng theo từng hình thế, dáng dấp khá bắt mắt, thì riêng hai cây sung, ông không cho cấp dưới chăm chút, uốn nắn nên cành này chĩa ngang, cành kia xiên chéo, dưới gốc thì cỏ mọc um tùm. Bởi trong quan niệm của giám đốc, cây sung là biểu hiện của sự “sung túc”, cứ để cho nó phát triển tự nhiên, không cần phải vun xới, tưới tắm, với ý muốn là để của cải tự vào cho sung túc!
Sau khi giám đốc về hưu, một phó giám đốc khác lên thay đã chỉ đạo ngay tổ lao công “đào tận gốc, trốc tận rễ” hai cây sung ấy đi, rồi cho mua hai cây lộc vừng rất đẹp để trồng lên vị trí đó. Vì giám đốc mới cho rằng, muốn có cuộc sống sung túc phải “nai lưng cật lực” làm ra thì mới có, còn “lộc” thì tự nó đến, muốn có nhiều “lộc” thì trước trụ sở phải có cây lộc vừng xum xuê, bề thế!
Tuy nhiên, khoảng một năm sau, khi cây lộc vừng đang trong giai đoạn phát triển tươi tốt thì ông giám đốc này chẳng may bị bạo bệnh. Một bí thư cấp huyện được điều động lên làm giám đốc sở. Sau một tuần lên nắm quyền cơ quan, giám đốc đã yêu cầu tổ lao công chuyển hai cây lộc vừng về hai đầu nhà, thay vào đó là trồng hai cây đa với một ý nghĩ: cây đa biểu hiện cho sức sống trường tồn, có cành lá tỏa bóng xum xuê mới tạo ra cảm giác thư thái và bầu không khí yên lành, mát mẻ trong công sở. Hơn thế, cây đa còn biểu hiện cho sự vững chãi, thế nên ông muốn có cây đa trong công sở để yên vị với “cái ghế” giám đốc sở, chứ không muốn rơi vào trường hợp đoản thọ như người tiền nhiệm.
Được biết, địa phương Q vẫn thuộc diện khó khăn nhất nhì trên vùng miền núi; còn sở T nhiều năm liền nội bộ thiếu đoàn kết và thường “đội sổ” về xếp hạng cải cách hành chính trong số các sở, ban, ngành của tỉnh. Khi sửa hay làm cổng mới, thay cây cảnh mới, đương nhiên các “ông chủ” chẳng ai dại gì lại bỏ tiền túi mình ra, vì đã có “tiền chùa” bao trọn gói!
3. Cổ nhân có câu “Nhân bất khả mạo tương, hải thủy bất khả đấu lượng”, nghĩa là không thể xác định tài đức của một người qua chân dung tướng mạo, cũng như không thể dùng đấu để đong đếm nước biển được. Ông cha ta cũng thường nói: “Chiếc áo không làm nên thầy tu”. Giá trị của một con người hay một tổ chức không nằm ở vẻ hào nhoáng bề ngoài, mà thể hiện ở chiều sâu phẩm chất nhân cách, đức hạnh của mỗi người và giá trị nhân bản, tốt đẹp của mỗi tổ chức. Thế nên, quan chức nào đó tự ý “xài” tiền bạc của công rồi đắm chìm vào đam mê phong thủy nhà cửa, cổng ra, lối vào, cây cảnh cho phù hợp với “vận mệnh”, chức tước của mình, không chỉ là biểu hiện của thói trọc phú, phô trương, xa hoa, mà còn là hành vi ảo tưởng, mê tín lệch lạc, trái với bản chất đạo đức cách mạng và văn hóa công vụ./.
Thiện Văn