Thứ Bảy, 23/11/2024

Bắc Cạn đổi mới công tác cán bộ

Trao giấy chứng nhận hoàn thành khóa học bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho cán bộ, lãnh đạo quản lý tỉnh Bắc Kạn

Trao giấy chứng nhận hoàn thành khóa học bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho cán bộ, lãnh đạo quản lý tỉnh Bắc Kạn

Tuy nhiên, quá trình thực hiện công tác này cũng bộc lộ những bất cập cần sự điều chỉnh.

Xây dựng đội ngũ cán bộ giàu thực tiễn

Từ vị trí Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đồng chí Nguyễn Ðình Ðiệp được luân chuyển giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND huyện Pác Nặm. Không phải là người địa phương nhưng với kinh nghiệm, kiến thức về lĩnh vực nông nghiệp, đồng chí nhanh chóng nắm bắt tình hình cơ sở và tham mưu, chỉ đạo thực hiện chính sách phát triển chăn nuôi hàng hóa, tăng cường nguồn lực hỗ trợ nông dân, củng cố các chợ gia súc. Có chính sách phù hợp, huyện Pác Nặm đã vươn lên dẫn đầu tỉnh về chăn nuôi đại gia súc, hình thành được ba chợ trâu, bò quy mô lớn tại các tỉnh phía bắc, lợi nhuận thu về hằng năm khoảng 90 tỷ đồng… Năm 2018, đồng chí Nguyễn Ðình Ðiệp được phân công giữ chức vụ Phó Bí thư Huyện ủy Pác Nặm, tiếp tục nằm trong quy hoạch cán bộ chiến lược của tỉnh.

Tương tự, đồng chí Lưu Quốc Trung được luân chuyển từ vị trí Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường về giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Bể. Với trình độ chuyên môn thạc sĩ về quản lý đất đai, có nhiều kinh nghiệm quản lý nhà nước, đồng chí cùng tập thể lãnh đạo huyện từng bước giải quyết những vấn đề tồn tại trong công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở địa phương. Bên cạnh đó, đồng chí trải qua thực tiễn khi trực tiếp chỉ đạo phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp ở cơ sở, củng cố, phát triển thị trường tiêu thụ nhiều sản phẩm nông nghiệp hàng hóa như hồng không hạt, miến dong, bí xanh thơm…

Ðồng chí Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bắc Cạn cho biết, quan điểm chỉ đạo thống nhất của tỉnh là giữ vững ba nguyên tắc: Luân chuyển cán bộ để rèn luyện rồi bổ nhiệm vị trí, chức vụ cao hơn; luân chuyển để nếu cán bộ trở lại vị trí cũ sẽ làm tốt hơn trước khi luân chuyển; luân chuyển nếu không có ý thức phấn đấu, không khẳng định được năng lực, thậm chí có vi phạm thì xem xét giáng chức. Quá trình triển khai, tỉnh đánh giá thành công của công tác luân chuyển thông qua lượng hóa việc cán bộ sau luân chuyển được bổ nhiệm chức vụ cao hơn hoặc làm tốt hơn khi quay về vị trí cũ. Khi xem xét luân chuyển cán bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các đảng bộ huyện, thành phố cân nhắc kỹ lưỡng, bảo đảm nguyên tắc đồng thuận ba bên, gồm: nơi luân chuyển đi, nơi luân chuyển đến và nguyện vọng, khả năng của các cá nhân được đi luân chuyển. Nhờ sự chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt, công tác luân chuyển của tỉnh đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, khắc phục dần tình trạng cục bộ, địa phương.

Không chỉ triển khai ở phạm vi cấp huyện, từng địa phương cũng đã tập trung thực hiện khá hiệu quả công tác luân chuyển từ huyện xuống xã và từ xã sang xã. Từ vị trí Phó Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Chợ Ðồn, đồng chí Ma Văn Dũng được luân chuyển về giữ chức vụ Bí thư Ðảng ủy xã Nam Cường (huyện Chợ Ðồn). Với kinh nghiệm khi trải qua những vị trí công tác như Bí thư Huyện đoàn, Phó Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy, đồng chí cùng tập thể Ban Thường vụ Ðảng ủy xã phát động và chỉ đạo thành công phong trào thanh niên lập nghiệp; chú trọng phát triển đảng viên ở thôn, bản vùng cao; tham gia chỉ đạo giải quyết hiệu quả kiến nghị của người dân về xây dựng công trình thủy lợi trên địa bàn… Theo đồng chí Ma Doãn Kháng, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Chợ Ðồn, huyện còn thực hiện luân chuyển cán bộ từ xã sang xã với hình thức hoán đổi chức danh tương đương. Cụ thể, huyện đã thực hiện luân chuyển chức danh Phó Bí thư Thường trực Ðảng ủy xã đối với sáu đồng chí; Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã đối với một đồng chí và Phó Chủ tịch UBND xã đối với hai đồng chí. Người được lựa chọn đi luân chuyển là những cán bộ đương chức và nằm trong diện quy hoạch chức vụ lãnh đạo, quản lý cao hơn giai đoạn 2015 - 2020 và 2020 - 2025.

Còn những bất cập

Ðến nay, Bắc Cạn đã luân chuyển cán bộ từ tỉnh xuống huyện 37 đồng chí và từ huyện sang huyện một đồng chí; các huyện luân chuyển cán bộ từ huyện xuống xã 40 đồng chí; luân chuyển cán bộ từ xã sang xã 34 đồng chí. Trong số cán bộ luân chuyển từ tỉnh xuống huyện, có 20 đồng chí luân chuyển trở lại tỉnh, trong đó 14 đồng chí được bổ nhiệm chức vụ cao hơn. Trong số cán bộ luân chuyển từ huyện xuống xã, có 27 đồng chí đã luân chuyển trở lại huyện, trong đó 17 đồng chí được bổ nhiệm chức vụ cao hơn. Từ công tác luân chuyển cán bộ, tỉnh Bắc Cạn đã thực hiện tốt chủ trương bố trí cán bộ lãnh đạo chủ chốt không phải là người địa phương. Ðến nay, có sáu bí thư huyện ủy, năm chủ tịch UBND cấp huyện và 13 đơn vị cấp xã có bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND không phải người địa phương. Công tác luân chuyển cũng góp phần tạo nguồn cán bộ, phục vụ công tác quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ tới.

Tuy nhiên, theo đồng chí Hà Ðức Tuyến, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Bắc Cạn, công tác luân chuyển cán bộ dù được triển khai tích cực nhưng vẫn chưa đồng bộ. Tỷ lệ cán bộ luân chuyển còn khiêm tốn; có lúc, có nơi nguyên tắc đồng thuận ba bên (nơi đi, nơi đến và cá nhân luân chuyển) không giữ vững. Vẫn còn tình trạng đơn vị, địa phương “ngại” tiếp nhận cán bộ, chưa quan tâm giúp đỡ, cho nên cán bộ về công tác khó phát huy năng lực. Chính vì vậy, một số trường hợp cán bộ luân chuyển không đạt được mục tiêu trưởng thành, vững vàng hơn từ cơ sở, thậm chí để xảy ra sai phạm. Có đồng chí chưa hòa đồng, hòa mình vào cơ sở, chưa dứt bỏ suy nghĩ mình là cán bộ luân chuyển, chỉ công tác tạm thời, cho nên không tạo được dấu ấn. Ngược lại, có đồng chí vì muốn vội vàng khẳng định bản thân mà có những chỉ đạo, quyết định khi chưa nghiên cứu kỹ thực tiễn địa phương dẫn đến không hiệu quả, thậm chí để xảy ra sai sót.

Theo đánh giá của Tỉnh ủy Bắc Cạn, còn có sự “vênh” giữa việc luân chuyển cán bộ với một số chủ trương của tỉnh, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm và cần thiết phải điều chỉnh. Thí dụ, chủ trương thi tuyển lãnh đạo quản lý thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý được Bắc Cạn thực hiện hiệu quả và nhân dân ủng hộ. Nhưng đối với những đồng chí đã đi luân chuyển, sau một thời gian dài xa rời công tác quản lý nhà nước cấp sở, ngành, khi thi tuyển sẽ khó bằng người đang công tác tại sở, ngành đó. Do vậy, dù được quy hoạch vị trí cao hơn, đã trưởng thành ở cơ sở nhưng đồng chí cán bộ luân chuyển lại “thua trên sân nhà”. Từ thực tế này, Tỉnh ủy Bắc Cạn quyết định sẽ tổ chức thi tuyển trước khi các đồng chí cán bộ đi luân chuyển, lấy kết quả đó cộng với quá trình phấn đấu ở cơ sở để làm căn cứ bổ nhiệm vị trí cao hơn. Khi cán bộ đi luân chuyển, các cơ quan đảng, chính quyền, đoàn thể ở cấp tỉnh, cấp huyện còn gặp vướng mắc trong giải quyết vấn đề biên chế; nếu để trống vị trí thì thiếu người làm, mà bổ sung ngay thì cán bộ khi luân chuyển về lại không có chỗ để bố trí. Thực tế, nhiều đồng chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tại địa phương nhưng chưa được bố trí vào các vị trí thích hợp.

Ngoài ra, một số nơi vẫn còn tình trạng cục bộ, địa phương. Biểu hiện ở việc khi kiện toàn các chức danh do HÐND các cấp bầu, nhất là ở cấp xã, có những đồng chí cán bộ luân chuyển được giới thiệu để bầu nhưng không trúng dù đã khẳng định được năng lực công tác ở địa phương. Khả năng “rủi ro” này tạo ra tiền lệ không hay, gây ảnh hưởng tới công tác cán bộ, gây băn khoăn ở những cán bộ luân chuyển hoặc thuộc diện luân chuyển. Bên cạnh đó, cán bộ trẻ đi luân chuyển (dưới 40 tuổi) ở cấp tỉnh không có và tỷ lệ cán bộ nữ ở cả cấp tỉnh, cấp huyện đều dưới 10% là những rào cản cho việc đổi mới công tác cán bộ ở Bắc Cạn.

Với những vấn đề đặt ra, tỉnh Bắc Cạn xác định thời gian tới gắn việc luân chuyển cán bộ với công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Bên cạnh đó, kiên trì thực hiện chủ trương bí thư huyện ủy, chủ tịch UBND các huyện không phải là người địa phương. Ðiều kiện đối với cán bộ được bổ nhiệm vào các chức danh chủ chốt của tỉnh là phải qua lãnh đạo chủ chốt cấp huyện, thời gian luân chuyển từ ba năm trở lên. Tỉnh cũng chỉ đạo đẩy mạnh công tác luân chuyển cán bộ xuống xã, phường, thị trấn, nhất là những nơi mất đoàn kết nội bộ, lãnh đạo, quản lý yếu hoặc có nhiều vụ việc khiếu kiện kéo dài; đồng thời điều động cán bộ chuyên môn các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh tăng cường cho cấp huyện. Công tác tuyên truyền cũng cần được tiếp tục chú trọng để củng cố tư tưởng trong đội ngũ cán bộ các cấp, giúp cho các quyết định luân chuyển luôn được ủng hộ, thống nhất cao, đạt hiệu quả như mong muốn.

Tuấn Sơn/TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất