Thứ Sáu, 27/9/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Năm, 17/5/2012 9:29'(GMT+7)

Bác Hồ trong lòng người Tây Nguyên

Không chỉ làng Kon Tu, như lời thề son sắt, đồng bào các dân tộc ở thành phố Kon Tum vẫn hằng ơn Đảng, ơn Bác Hồ, ngày ngày, họ vẫn nguyện một lòng làm theo Bác. Tại mỗi nhà rông của làng đều treo ảnh Bác cũng như di thư của Người. Nhà rông – nơi được coi là trái tim, là linh hồn của buôn làng, hình ảnh Bác, thư Bác được treo ở vị trí trang trọng nhất. Mỗi người, khi đến với nhà rông đều có thể ngắm ảnh Bác, đọc thư Bác, để rồi vận dụng vào trong cuộc sống hàng ngày.

Bác Hồ chưa một lần đến Tây Nguyên, nhiều người Tây Nguyên cũng chưa từng gặp Bác. Thế nhưng, qua những câu chuyện kể của cán bộ, những giai thoại về Người lưu truyền trong dân gian, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên vẫn luôn kính yêu Người, xem Người như vị “già làng” vĩ đại của núi rừng Tây Nguyên. Bác luôn hiện hữu hàng ngày trong những thứ thân quen với người Tây Nguyên, đó là nương rẫy, là mỗi nếp nhà. Chưa được gặp Bác nhưng người Tây Nguyên sắt son với Bác vì “Miền Nam luôn ở trong trái tim”. Bác gửi trọn tình thương cho đồng bào miền Nam , trong đó có đồng bào Tây Nguyên. Tình thương ấy còn được thể hiện trong thư Bác Hồ gửi đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Nhờ có Bác Hồ, người Tây Nguyên mới có được cuộc sống tự do, cơm áo như ngày hôm nay.

Làng Kon Rờ Bàng 2 xã Vinh Quang nhiều năm qua, cứ vào mỗi sáng thứ hai, bất kể ngày nắng cũng như ngày mưa, không ai bảo ai bà con lại tập trung ở nhà rông để chào cờ. Mới đầu chưa đến chục người, giờ đã có rất nhiều hộ trong làng đi chào cờ. Với họ, đi chào cờ đơn giản để thể hiện lòng yêu tổ quốc và sự kính yêu Bác Hồ. Đi chào cờ để được nghe lời của Đảng, của chính quyền, để nghe điều hay, học điều phải. Cũng nhờ vậy, nhiều gia đình ở Kon Tum đã có của ăn, của để.

Gia đình anh A Soak là một trong những gia đình khá giả ở thôn Kon Rờ Bàng 2 thành phố Kon Tum. Từ ngày có chủ trương chuyển đổi đất rẫy bạc màu sang trồng cao su, gia đình anh cũng trồng được hơn 8 ha cao su. Hôm nay, tranh thủ lúc trời vừa hửng nắng, cả gia đình lên rẫy trồng thêm mì, tỉa thêm bắp để cải thiện cuộc sống. Không chỉ có gia đình anh, giờ hầu hết các hộ trong thôn đều đã có cao su, bời lời. Chẳng bao lâu nữa, thôn Kon Rờ Bàng 2 sẽ không còn hộ đói, hộ nghèo. “ Đầu tuần nào mình cũng đến nhà rông chào cờ, đó cũng là cách để mình và bà con luôn nhớ đến Bác. Đảng, Nhà nước và Bác đã mang đến cho đồng bào ấm no, hạnh phúc. Mình sẽ luôn ghi nhớ những lời dạy của Bác Hồ. Không chỉ tôi và người dân trong làng ai cũng lấy tấm gương của Bác để học tập và rèn luyện”- a nh A Soak cho biết thêm.

Thôn Kon Rờ Bàng 2 trước đây trong làng nhiều thanh niên hư, nhiều gia đình chưa chuyên tâm làm ăn. Nay, tất cả đã đổi khác. Sáng sáng trẻ con đến trường, người lớn đi làm đồng. Trong làng không còn cảnh thanh niên tụ tập uống rượu, đánh nhau. Trước đây, số hộ nghèo trong thôn chiếm số đông thì nay chỉ còn khoảng 1/3 số hộ. Đây là kết quả của việc kiên trì vận động của cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là những buổi thứ 2 chào cờ. Lâu dần bà con đã thay đổi trong nếp nghĩ trong cung cách làm ăn, tinh thần đoàn kết, tình làng nghĩa xóm được gắn kết. Bà con đoàn kết, giúp nhau lúc hoạn nạn, khó khăn. Khi nhà nào trong làng có đám tang hay gặp chuyện không may, bà con đều tự nguyện đóng góp mỗi hộ một ít để giúp gia đình gặp nạn. Số tiền trên không chỉ mang ý nghĩa vật chất, vượt lên trên đó là tình cảm của con người đối với nhau, là tinh thần tương thân tương ái lâu đời của người Việt. Ngoài ra, những ngày mùa bận rộn, phong trào vần công, đổi công được người dân vận dụng có hiệu quả.

Từ thay đổi nhận thức đến thay đổi cách nghĩ, cách làm đã giúp người đồng bào dân tộc thiếu số trên địa bàn thành phố Kon Tum có sự đổi khác. Cùng với đó, các chương trình, dự án hỗ trợ cho người dân đã thực sự mang lại hiệu quả. Đến nay tất cả các làng trên địa bàn thành phố đều có điện thắp sáng, giao thông đi lại thuận tiện, con em trong độ tuổi đều được đến trường….thể hiện sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước dành cho đồng bào các dân tộc thiểu số như Bác Hồ hằng mong ước. Theo ông Huỳnh Thanh Lanh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Kon Tum: Từ ngày có chủ trương của thành phố rước thư Bác Hồ về các thôn, làng, đặc biệt là xây dựng các nhà rông văn hóa đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, nhân dân tin tưởng thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, từng bước xây dựng buôn làng trong sạch, vững mạnh. Trong những năm qua, bà con đã từng bước thoát nghèo bền vững, cùng nhau đoàn kết, thống nhất cao trong vùng đồng bào dân tộc thiếu số.

Thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku (Gia Lai) ngày 19 tháng 4 năm 1946 của Bác có đoạn: “Chúng ta phải thương yêu nhau, phải kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta”, thấm nhuần lời dạy của Người, người Tây Nguyên luôn đoàn kết, kiên cường trong chiến tranh giờ lại đoàn kết, gắn bó, giúp nhau trong lao động sản xuất. Tình cảm của đồng bào với Bác nhiều hơn nước bể, cây rừng… “Dân mình, nước mình tự hào có Bác Hồ, Người sống mãi cùng Tây Nguyên”./.

Hoàng Cao Nguyên - TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất