Khi đất nước bước vào đổi mới, trong bối cảnh tình hình quốc tế có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, Đảng ta đã thể hiện rõ bản lĩnh chính trị vững vàng, luôn kiên định nguyên tắc lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với quân đội. Nhờ đó, Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam được xây dựng theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Từ thực tiễn gần 30 năm đổi mới đất nước, có thể rút ra những bài học kinh nghiệm về tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội trên những vấn đề sau:
Trước hết, Đảng luôn coi trọng đổi mới tư duy về bảo vệ Tổ quốc, xây dựng QĐND Việt Nam đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới.
Đổi mới tư duy về xây dựng quân đội bắt nguồn từ đổi mới tư duy của Đảng về quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Khi đất nước bước vào đổi mới, tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, đặc biệt là sự kiện chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ. Quan hệ giữa các nước lớn có những biến đổi sâu sắc; hợp tác, thỏa hiệp, cạnh tranh, đấu tranh tồn tại đan xen trong quan hệ giữa các nước; xung đột sắc tộc, tôn giáo, chiến tranh cục bộ xảy ra ở nhiều nơi. Các thế lực thù địch lợi dụng toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế để đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, nhằm xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Tình hình tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông diễn biến phức tạp. Bối cảnh đó đòi hỏi Đảng ta phải đổi mới tư duy lý luận về chủ nghĩa xã hội, trong đó có đổi mới tư duy về quốc phòng, xây dựng quân đội, bảo vệ Tổ quốc.
Nhằm tạo môi trường hòa bình, ổn định cho hợp tác, phát triển kinh tế - xã hội, Đảng ta chỉ rõ phải quán triệt quan điểm, nội dung mới về quốc phòng toàn dân, bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện hội nhập quốc tế. Nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc không chỉ là đối phó với hành động vũ trang xâm lược của kẻ thù từ bên ngoài, mà còn phải chăm lo giữ vững bên trong, chủ động đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, đòi “phi chính trị hóa” quân đội của các thế lực thù địch. Đảng ta xác định, quốc phòng Việt Nam là nền quốc phòng của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, mang tính chất toàn dân, toàn diện, độc lập, tự chủ, ngày càng hiện đại, đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước. Tăng cường quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước và toàn dân, trong đó QĐND và Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt.
Để quân đội hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, Đảng ta khẳng định phải tiếp tục xây dựng QĐND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân. Trong xây dựng quân đội, Đảng ta kiên định quan điểm lấy xây dựng vững mạnh về chính trị làm cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của quân đội.
Đảng ta luôn coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường đầu tư, hiện đại hóa trang bị, vũ khí của quân đội, trước hết là các lực lượng hải quân, phòng không - không quân, thông tin, tác chiến điện tử, trinh sát kỹ thuật hiện đại,... Nhờ đó, khả năng, trình độ sẵn sàng chiến đấu, sức mạnh chiến đấu của quân đội từng bước được nâng lên, đủ sức bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Trên cơ sở xác định rõ nhiệm vụ, phương thức tác chiến, Đảng, Nhà nước đã từng bước điều chỉnh cơ cấu tổ chức, biên chế của quân đội. Các quân chủng, binh chủng, quân khu, quân đoàn đã được tổ chức theo hướng gọn nhẹ, tăng cường sức cơ động chiến đấu, nhằm đáp ứng yêu cầu tác chiến chống chiến tranh có sử dụng vũ khí công nghệ cao. Chất lượng công tác huấn luyện chiến đấu, xây dựng chính quy ngày càng tốt hơn. Công tác nghiên cứu khoa học quân sự được đẩy mạnh, góp phần giải đáp những vấn đề mới nảy sinh trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng QĐND, bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Nhờ tích cực đổi mới tư duy, Đảng ta luôn chủ động giải quyết đúng đắn, sáng tạo những vấn đề về quốc phòng, xây dựng quân đội, bảo vệ Tổ quốc. Bản chất cách mạng, truyền thống tốt đẹp của quân đội được phát huy; chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu được tăng cường, thực sự là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành và tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Đây là thành công, đồng thời là bài học quan trọng về tăng cường, giữ vững sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội trong gần 30 năm thực hiện đường lối đổi mới.
Hai là, thường xuyên bổ sung, hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quân đội trong tình hình mới.
Thực tiễn 70 năm qua đã chứng minh: Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, phải thường xuyên bổ sung, hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng quân đội, bảo vệ Tổ quốc. Đây là bài học kinh nghiệm có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc về sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội. Khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới (năm 1986) cũng là lúc trong quân đội triển khai thực hiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với quân đội theo Nghị quyết số 27/NQ-TW của Bộ Chính trị khóa V “Về việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội nhân dân Việt Nam và sự nghiệp quốc phòng”. Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội. Bởi lẽ, trước đó, ngày 15-12-1982, Bộ Chính trị khóa V đã ra Nghị quyết số 07/NQ-TW “Về việc đổi mới, hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội nhân dân Việt Nam, sự nghiệp quốc phòng và thực hiện chế độ một người chỉ huy trong quân đội”.
Việc thực hiện Nghị quyết số 27/NQ-TW của Bộ Chính trị đã tạo được chuyển biến tích cực về nhận thức, tư tưởng và hành động trong toàn quân đối với nhiệm vụ xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Thông qua việc kiện toàn, củng cố hệ thống tổ chức đảng các cấp trong quân đội, nguyên tắc Đảng lãnh đạo quân đội tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt được giữ vững, quân đội hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Trước yêu cầu giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với nhiệm vụ củng cố quốc phòng, xây dựng quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới, ngày 20-7-2005, Bộ Chính trị khoá IX đã ban hành Nghị quyết số 51-NQ/TW về việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Nghị quyết khẳng định: “Nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới đặt ra yêu cầu phải nâng cao chất lượng xây dựng quân đội, đặc biệt là nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội... Để đáp ứng yêu cầu đó, Bộ Chính trị quyết định tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam”. Nghị quyết đã xác định rõ những nguyên tắc, nội dung cơ bản để định hướng, chỉ đạo, tổ chức hoạt động lãnh đạo của tổ chức đảng, hoạt động công tác đảng, công tác chính trị, hoạt động của cán bộ chỉ huy, chính ủy, chính trị viên, cơ quan chính trị. Từ khi tổ chức quán triệt, thực hiện Nghị quyết số 51-NQ/TW của Bộ Chính trị, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của hệ thống cấp ủy, tổ chức đảng và chất lượng, hiệu quả hoạt động công tác đảng, công tác chính trị ngày càng được nâng cao, trực tiếp góp phần củng cố, tăng cường, giữ vững sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội.
Từ thực tiễn đổi mới, bổ sung, hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với quân đội trong gần 30 năm qua, có thể rút ra kết luận: Để giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội; nâng cao hiệu lực công tác đảng, công tác chính trị, xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, phải thường xuyên nghiên cứu, đổi mới, bổ sung, hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng phù hợp với tình hình, nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ của quân đội. Trong quá trình thực hiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, phải kịp thời phát hiện những vấn đề mới nảy sinh, đề xuất các giải pháp thực hiện, làm cho cơ chế luôn được bổ sung và phát huy hiệu lực.
Đổi mới, hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với quân đội phải được coi là một bộ phận quan trọng của phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị và toàn xã hội. Cần thấy rõ tính đặc thù về tổ chức và hoạt động của quân đội và tổ chức quân sự. Theo đó, cần làm cho các tổ chức trong hệ thống chính trị và toàn dân nhất trí với các quan điểm, nguyên tắc, nội dung của cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, đồng thời luật hóa cơ chế này thành luật pháp của Nhà nước. Kiên quyết đấu tranh bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, đòi “phi chính trị hóa” quân đội, đòi quân đội phải “trung lập”, “đứng ngoài chính trị”,...
Ba là, xây dựng Đảng bộ Quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp.
Đảng lãnh đạo quân đội trước hết thông qua hệ thống cấp ủy, tổ chức đảng trong Đảng bộ Quân đội, từ Quân ủy Trung ương đến tổ chức cơ sở đảng. Quân ủy Trung ương là cơ quan lãnh đạo cao nhất trong Đảng bộ Quân đội; có chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất để Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị quyết định những vấn đề về đường lối, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và lãnh đạo mọi mặt trong quân đội. Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong quân đội chịu trách nhiệm lãnh đạo mọi mặt đơn vị thuộc quyền theo nội dung, phạm vi quy định cho từng cấp. Trong gần 30 năm đổi mới, Đảng ta đã thường xuyên chăm lo xây dựng Đảng bộ Quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, tập trung củng cố, kiện toàn hệ thống cấp ủy, tổ chức đảng các cấp; kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng cấp ủy với xây dựng đội ngũ cán bộ chủ trì; giữa xây dựng đội ngũ cán bộ với xây dựng đội ngũ đảng viên; giữa xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh với xây dựng đơn vị vững mạnh, toàn diện; đồng thời xây dựng và phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng trong công tác xây dựng đảng bộ, chi bộ, cơ quan, đơn vị. Nhờ đó, sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội đã không ngừng được củng cố và tăng cường, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ xây dựng, sẵn sàng chiến đấu của quân đội trong điều kiện mới.
Bốn là, nâng cao hiệu lực công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội đáp ứng yêu, cầu nhiệm vụ trong điều kiện mới.
Công tác đảng, công tác chính trị là một bộ phận rất quan trọng trong hoạt động lãnh đạo của Đảng đối với quân đội. Công tác đảng, công tác chính trị tác động vào mọi người, mọi tổ chức trong quân đội, thâm nhập vào mọi lĩnh vực: chính trị, tư tưởng, tổ chức; mọi mặt công tác: chính trị, quân sự, hậu cần, kỹ thuật, chuyên môn, nghiệp vụ; mọi nhiệm vụ: huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, công tác, lao động sản xuất. Phạm vi hoạt động của công tác đảng, công tác chính trị rất rộng lớn: ở đâu có hoạt động của bộ đội thì ở đó có công tác đảng, công tác chính trị. Tuy nhiên, trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã nảy sinh nhiều vấn đề mới, phức tạp, tác động đến quá trình xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Vì thế, việc nâng cao hiệu lực công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội có ý nghĩa to lớn đối với nhiệm vụ xây dựng và chiến đấu của quân đội.
Trên cơ sở quán triệt nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, những năm qua Quân ủy Trung ương đã ban hành các nghị quyết, chỉ thị, quy chế, Điều lệ công tác đảng, công tác chính trị trong QĐND Việt Nam; Tổng cục Chính trị đã ban hành các chỉ thị, quy định, hướng dẫn về công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội, nhất là Quy định số 1723/QĐ-CT về chức trách, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của chính ủy, chính trị viên, chủ nhiệm chính trị và chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của cơ quan chính trị các cấp trong quân đội.
Quán triệt, nắm vững nghị quyết, chỉ thị, quy định của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị, cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ chủ trì, cơ quan chính trị các cấp đã chủ động bám sát tình hình thực tiễn hoạt động của bộ đội, thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp công tác đảng, công tác chính trị, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị - tư tưởng; xây dựng tổ chức lãnh đạo, tổ chức chỉ huy, tổ chức quần chúng trong quân đội vững mạnh; chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, “phi chính trị hóa” quân đội của các thế lực thù địch.
Chính vì vậy, trong gần 30 năm đổi mới, dù phải trải qua nhiều khó khăn, thách thức, nhưng chất lượng, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội không ngừng được nâng lên, góp phần quyết định vào tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội.
Năm là, xây dựng và thực hiện tốt chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội.
Chính sách và công tác chính sách của Đảng và Nhà nước đối với quân đội và hậu phương quân đội có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và chiến đấu của quân đội.
Trong gần 30 năm đổi mới, Đảng, Nhà nước ta đã đặc biệt quan tâm xây dựng và thực hiện chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội phù hợp với sự phát triển của đất nước và đặc thù của lĩnh vực hoạt động quân sự. Các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với quân đội và hậu phương quân đội ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu, lợi ích của quân nhân và gia đình quân nhân. Cán bộ, chiến sĩ được bảo đảm tốt về điều kiện vật chất và tinh thần. Chính sách đề bạt quân hàm, bổ nhiệm chức vụ, luân chuyển cán bộ; chính sách lương, phụ cấp, chế độ bảo hiểm y tế, khám, chữa bệnh, chế độ nhà ở, đất ở, các chế độ, chính sách đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công, chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội tồn đọng sau chiến tranh,... đã và đang từng bước được quan tâm thực hiện, góp phần quan trọng xây dựng, củng cố nhân tố chính trị - tinh thần của quân đội.
Bài học rút ra là phải xây dựng hệ thống các chính sách đối với quân đội phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, trong điều kiện đất nước phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế, phù hợp với khả năng và điều kiện của nền kinh tế đất nước, nhằm tạo ra động lực, hậu phương vững chắc cho xây dựng QĐND Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại./.
Thượng tướng Ngô Xuân Lịch
Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam
Nguồn: TCCS