Thứ Bảy, 28/9/2024
Kinh tế
Thứ Bảy, 9/8/2008 17:59'(GMT+7)

Bàn giải pháp tiêu thụ lúa gạo, cá tra ở ĐBSCL

Tại hội nghị này, hầu hết các ý kiến đã phấn khởi đón nhận chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, yêu cầu doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua lúa hè thu trong dân với giá đảm bảo cho họ đạt lợi nhuận trên 40%. Tuy nhiên, hầu hết lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL đều cho rằng lượng lúa hàng hóa tồn đọng trong dân là rất lớn. Cụ thể An Giang còn trên 400.000 tấn, Cần Thơ 270.000 tấn(lúa), Vĩnh Long trên 200.000 tấn, Tiền Giang trên 100.000 tấn (gạo)…

Đáng lo là giá lúa đang giảm mạnh: khoảng 4.000đ – 4.200đ/kg. Riêng tại Tiền Giang, những ngày qua do mưa dầm, nhiều nơi nông dân bán lúa tại chân ruộng chỉ với giá 2.900đ – 3.000đ/kg. Tại Long An (cận TPHCM), giá lúa cao hơn, khoảng 4.500đ – 5.000đ/kg. Giá thành sản xuất lúa của nông dân được các tỉnh tính phổ biến là 3.500đ/kg, riêng Tiền Giang là 3.900đ/kg. Với mức gía này, nếu cộng thêm 40% lợi nhuận (theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng), thì các doanh nghiệp phải mua với mức giá sàn tối thiểu 5.000đ/kg.

Chính vì thế, ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho rằng: Các bộ chức năng cần phối hợp để điều hành sản xuất và tiêu thụ lúa gạo hàng hóa hợp lý hơn. Trước mắt, cần hỗ trợ doanh nghiệp đủ vốn (cơ chế vay phải thông thoáng) để mua lúa tạm trữ 3-4 tháng. Đồng thời, có chính sách gia hạn và giãn nợ đối với các hộ dân không bán được lúa”.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, đến 31-7, Việt Nam đã xuất khẩu 2,7 triệu tấn gạo, số còn lại đã ký hợp đồng xuất trong tháng 8 và tháng 9 khoảng 800.000 tấn. Nếu xuất hết hợp đồng này, lượng gạo còn dự trữ cũng trên 100.000 tấn. Còn theo Tổng Công ty Lương thực miền Nam: Hiện công ty còn 370.000 tấn trong kho và đang triển khai mua thêm 300.000 tấn. Như vậy, trong tương lai gần, doanh nghiệp đã trữ trên 600.000 tấn gạo.

Trong khi đó, lãi suất vay ngân hàng không dưới 18%/năm, nếu mua dự trữ thì khả năng rủi ro cao. Do vậy, Tổng Công ty Lương thực miền Nam kiến nghị: Cần tăng chỉ tiêu ký hợp đồng xuất khẩu gạo từ nay đến tháng 9-2008 (không dừng ở mức 3,5 triệu tấn), còn theo lãnh đạo Công ty Lương thực miền Bắc, thì lúa hè thu có ẩm độ cao, chất lượng thấp hơn lúa đông xuân, gây khó khăn cho khâu bảo quản, dự trữ.

Trong khi đó, tình hình tiêu thụ cá tra, cá ba sa tồn đọng ở ĐBSCL đã có chuyển biến. Trong đó, số lượng cá tồn đọng đã giảm từ 30% - 60% cho đến thời điểm này – tùy theo địa phương. Tuy nhiên, giá cá mà doanh nghiệp mua của những người nuôi cá vẫn chưa được cải thiện – nằm ở mức 13.000đ – 14.000đ/kg, nông dân lỗ từ 2.000đ – 3.000đ/kg.

“Chính phủ cần có chính sách thu mua lúa gạo tạm trữ từ 3-4 tháng; thành lập quỹ dự phòng bình ổn giá lúa – gạo. Hiện nay, không chỉ có lúa gạo, cá tra, cá ba sa mà mía nguyên liệu cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Chính vì vậy, Chính phủ cần sơ kết đánh giá lại việc thực hiện tiêu thụ hàng hóa nông sản thông qua hợp đồng bao tiêu theo tinh thần Quyết định 80/T.Tg của Thủ tướng Chính phủ”, ông Trần Thành Lập, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đề xuất.

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu: Các địa phương phải chỉ đạo quyết liệt, chặt chẽ trong sản xuất và phòng chống dịch bệnh để đảm bảo mục tiêu xuất khẩu. Việc triển khai thu mua lúa gạo ở ĐBSCL cần phải đảm bảo lợi ích trong mối quan hệ nông dân, thương lái, doanh nghiệp. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ ngành nhanh chóng hoàn tất hợp đồng mẫu trong việc bao tiêu hàng hóa nông sản cho nông dân. Hợp đồng này phải có sự chia sẻ quyền lợi và trách nhiệm từ hai phía khi có biến động về giá.

Trước tình hình giá lúa trong nước giảm mạnh và khó tiêu thụ khiến nông dân gặp khó khăn, nhiều đại biểu của các tỉnh kiến nghị với Chính phủ và một số bộ liên quan về việc bỏ thuế xuất khẩu gạo. Theo VFA, giá gạo thế giới hiện nay khoảng 750 - 780 USD/tấn, nhưng giá gạo xuất khẩu của Việt Nam lại thấp hơn, chỉ dao động khoảng 620 - 630 USD/tấn (loại 5% tấm).

Giá gạo xuất khẩu thấp chủ yếu do yếu tố nội tại (thuế suất và lãi vay ngân hàng quá cao), bị ép giá trên thị trường thế giới.

Do đó, VFA kiến nghị Chính phủ bãi bỏ thuế xuất khẩu gạo hoặc nâng mức chịu thuế từ 600 USD/tấn  hiện nay lên 800 USD/tấn



(SGGP)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất