Thứ Bảy, 23/11/2024
Xã hội
Thứ Sáu, 5/4/2019 7:22'(GMT+7)

Băn khoăn quy định tổ chức cho phạm nhân lao động bên ngoài

Các Phó Chủ tịch Quốc hội tham dự và chủ trì hội nghị. (Ảnh: TTXVN)

Các Phó Chủ tịch Quốc hội tham dự và chủ trì hội nghị. (Ảnh: TTXVN)

Tiếp tục chương trình hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, chiều 4/4, các đại biểu đã thảo luận về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi).

Quy định về tổ chức cho phạm nhân lao động là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến.

Báo cáo giải trình tiếp thu dự án Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với quy định này và cho rằng đối với người bị phạt tù, lao động, học tập (bao gồm cả học nghề) là nghĩa vụ và là một trong những yêu cầu quan trọng của công tác giáo dục người chấp hành án phạt tù.

Việc giam giữ tập trung phạm nhân số lượng lớn trong thời gian dài sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, nguy cơ mất an ninh, an toàn tại các trại giam. Vì vậy, công tác tổ chức lao động cho phạm nhân nhằm giáo dục, cải tạo, dạy nghề, cải thiện chế độ ăn, tạo thêm khoản thu nhập, chuẩn bị cho phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng, đồng thời cũng là biện pháp quản lý hiệu quả. Việc đổi mới công tác tổ chức lao động tại các trại giam theo đề nghị của Chính phủ, tạo điều kiện để phạm nhân có thể tham gia lao động phù hợp với điều kiện thực tế và khả năng cho phép của các trại giam là cần thiết.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến còn băn khăn với quy định này.

Đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) cho rằng vấn đề này đang còn nhiều ý kiến khác nhau, nhất là khi Quốc hội thảo luận ở tổ; cần quan tâm tính toán cân nhắc, tránh việc phạm nhân dù đang trong thời gian chấp hành án phạt tù nhưng thời gian ở trong trại giam lại rất ít.

Đặt câu hỏi: "Hiện quy định về nơi cho phạm nhân làm việc không quy định cụ thể khoảng cách địa lý bao xa? Có mức trần sáng đi tối về hay làm việc rồi ăn ngủ ở đó?", đại biểu Đặng Thuần Phong nhìn nhận đó là những quy định dễ bị lợi dụng, lạm dụng do đó cần quy định chặt chẽ và hết sức cân nhắc.

Đại biểu Trần Văn Mão (Nghệ An) nhận định quy định trên có thể phát sinh nhiều vấn đề vì thi hành án hình sự quan trọng là giáo dục cho phạm nhân chứ không phải tạo ra cơ sở vật chất.

Theo đại biểu, hiện tại các cơ sở trại giam có việc phạm nhân vi phạm quy chế, mang vật cấm vào trại, phạm nhân gây gổ đánh nhau, rồi nguy cơ phạm nhân trốn khỏi nơi giam giữ.

Hằng năm, Nhà nước phải bỏ tiền để đầu tư cải tạo các trại giam để tránh việc phạm nhân trốn ra ngoài.

"Vậy giờ cho ra ngoài trại giam để lao động thì kiểm soát ở nơi cơ sở sản xuất như thế nào? Khó có thể bảo đảm vì phạm nhân có thể mang ma túy, vũ khí, điện thoại vào trại. Do đó nếu có cho phép phạm nhân ra ngoài lao động sản xuất tại các doanh nghiệp thì vẫn phải chịu sự quản lý của trại giam", đại biểu bày tỏ ý kiến.

"Hiện tại Nghệ An có các doanh nghiệp may, lò gạch có hợp đồng với một số trại giam để cho phạm nhân ra ngoài lao động phản ánh có những khó khăn trong bảo đảm điều kiện vì từ nơi giam giữ tới nơi lao động có khi 50-60 km, phát sinh những vấn đề về xe đưa đón, chưa kể phải cử người giám sát”, đại biểu Trần Văn Mão đưa ra dẫn chứng trong thực tiễn, qua đó đề nghị, cần cân nhắc áp dụng quy định này.

Đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) đề nghị Ban soạn thảo nên bỏ quy định cho phép phạm nhân lao động ngoài trại giam, bởi mục đích của việc giam giữ tù nhân là để vừa trừng trị vừa cải tạo, giáo dục, do đó cần có thái độ rõ ràng với phạm nhân.

Theo đại biểu, chỉ nên tổ chức lao động trong phạm vi trại tạm giam và trại giam để thi hánh án, chứ không thể đưa ra ngoài.

Làm rõ thêm về việc tổ chức cho phạm nhân lao động, Trung tướng Hồ Thanh Đình, Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý trại giam, cơ sở giáo dục và trường giáo dưỡng cho biết trại giam có trách nhiệm quản chế kết hợp với giáo dục, cải tạo (bao gồm cả lao động) vì vậy, việc tổ chức lao động cho phạm nhân là điều bắt buộc. Tất cả các trại giam trên thế giới đều tổ chức cho phạm nhân lao động.

Ở Việt Nam, từ khi Luật Thi hành án hình sự có hiệu lực, việc quan tâm, giáo dục, cải tạo, tổ chức dạy nghề cho lao động được quan tâm.

Trước các ý kiến lo ngại về việc không quản lý được kết quả lao động của các phạm nhân, Trung tướng Hồ Thanh Đình khẳng định: Theo thông tư 12 giữa Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính hướng dẫn về chế độ lao động và sử dụng kết quả lao động, học nghề của phạm nhân trong trại giam, việc phạm nhân lao động đều có sự kiểm tra, giám sát.

Kết quả lao động sản xuất đều được phân chia: 16% bổ sung suất ăn cho phạm nhân, 10% thành lập quỹ tái hòa nhập cộng đồng, 15% bổ sung quỹ phúc lợi xã hội ở trại giam, 7% bổ sung quỹ thưởng cho phạm nhân, 10% tổ chức dạy nghề cho phạm nhân, 40% đầu tư lại trang thiết bị cho phạm nhân... Lao động phạm nhân một năm thu khoảng 250 tỷ đồng (sau khi đã trừ chi phí).

Nêu quan điểm về việc lao động ngoài trại giam không phải để làm kinh tế, Trung tướng Hồ Thanh Đình cho rằng trại giam không đủ cơ sở về điều kiện, đất đai và không thể cho phép các doanh nghiệp vào mở xưởng. Do đó các doanh nghiệp có khu đất xây dựng đủ điều kiện giam giữ, sinh hoạt sẽ được dành làm điểm lao động cho phạm nhân. Địa điểm này không đi xa, các phạm nhân ra lao động đều được tuyển chọn, phân loại.

Sau khi mãn hạn tù, các phạm nhân có thể được doanh nghiệp đó thu nhận (làm việc tại các khu vực khác). Thực tế đã có một số doanh nghiệp tổ chức liên kết đào tạo nghề và xin phạm nhân để lao động...

Kết luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Bộ Công an cần báo cáo về tác động liên quan, thuận lợi, khó khăn của việc thí điểm các trại giam tổ chức cho phạm nhân lao động bên ngoài để làm cơ sở cho đại biểu Quốc hội thảo luận.

Cũng trong phiên họp chiều 4/4, các đại biểu Quốc hội chuyên trách đã cho ý kiến về quyền, nghĩa vụ của phạm nhân; về chế độ của phạm nhân nữ có thai, nuôi con dưới 36 tháng tuổi; về thủ tục thi hành án đối với pháp nhân thương mại.../.

(TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất