Chủ Nhật, 29/9/2024
Đời sống
Thứ Hai, 2/1/2012 11:17'(GMT+7)

Bản triệu phú người Mông trên núi

Ðồng bào dân tộc Mông ở bản Cốc Phương (Mường Khương, Lào Cai) xuất dứa đi các tỉnh.

Ðồng bào dân tộc Mông ở bản Cốc Phương (Mường Khương, Lào Cai) xuất dứa đi các tỉnh.

Cách đây chưa xa lắm, cái tên Cốc Phương còn "xa lạ" với ngay cả nhiều người cùng xã, chưa nói đến huyện, tỉnh. Ðơn giản là bản nằm cách xa trung tâm xã, đường đi quá khó. Có việc ra trụ sở UBND xã hay đi chợ Bản Lầu để mua nhu yếu phẩm sinh hoạt, người Mông nơi đây phải dậy từ gà gáy, cuốc bộ gần 20 km theo đường mòn. Nhà nào khá hơn thì có con ngựa thồ ít nông sản ra chợ bán, rồi lại kẽo kẹt cả ngày đường thồ muối, dầu hỏa, cá khô đem về dùng cho cả tháng. Ðường sá cách trở, đời sống khó khăn khiến Cốc Phương cách biệt với bên ngoài. Nhưng giờ thì khác hẳn, cái tên Cốc Phương được người trong xã, huyện, tỉnh mang ra bàn luận, khoe với bạn bè gần xa, như là minh chứng của ý chí vượt khó làm giàu, xây dựng đời sống văn hóa ở nơi rẻo cao biên giới Mường Khương này.

Trong ngôi nhà vững chãi, to và rộng nhất bản, có đầy đủ tiện nghi hiện đại: vô tuyến hiệu Sony màn hình phẳng, dàn âm ly Nhật xịn, tủ đá Panasonic khử mùi bằng tia cực tím..., Thào Diu, 54 tuổi, bồi hồi nhớ lại những ngày đầu lập nghiệp, lập bản trên đất Cốc Phương. Làm gì, khi bản toàn núi cao chót vót, không làm được ruộng nước và người Mông nơi đây chỉ biết phát nương chọc lỗ tra bắp, trông chờ mưa nắng cho đến kỳ thu hoạch? Năm nào mất mùa là đói, Nhà nước phải thuê nhân công cõng gạo vào cứu trợ. Ðói, nghèo buộc Thào Diu phải sang bên kia biên giới làm thuê cho chủ trang trại dứa nước bạn. Nhìn những đồi dứa của họ xanh tốt, Thào Diu nghĩ đất Cốc Phương mình rộng thế, sao người Mông ta không trồng dứa bán cho các nhà máy chế biến của họ. Cứ phát nương tra ngô, đất bạc màu, rừng nghèo kiệt, thì tự buộc chặt mình vào cái đói, cái nghèo mãi thôi. Nghĩ là làm, Thào Diu không nhận tiền công làm thuê mà nói với ông chủ trang trại cho lấy dứa giống. Mười nghìn gốc dứa đầu tiên được vợ chồng Thào Diu cặm cụi "cắm" lên đồi thành hàng lối, nhìn thật đẹp mắt. Không phụ công người trồng, dứa lên xanh tốt, quả to, chín vàng . Thế nhưng, chuẩn bị thu hoạch vướng phải mùa mưa kéo dài cả tuần, làm dứa thối nhũn. Xót của nhưng không nản, Thào Diu gác lại việc trên nương, đi bộ ra xã, bắt xe khách vào huyện hỏi cán bộ khuyến nông cách làm. Vụ sau, Thào Diu trồng dứa sớm hơn, chăm sóc đúng kỹ thuật, để khi quả chín tránh được mưa rừng kéo dài, không bị thối hỏng. Trúng mùa lớn, lần đầu tiên trong đời, cầm hơn 10 nghìn NDT (tiền Trung Quốc) bằng 17 triệu VNÐ trong tay, vợ chồng Thào Diu cả đêm không ngủ. "Thế là tìm được "chìa khóa" thoát nghèo cho người Mông ta ở nơi núi cao gió hú này rồi, mừng hơn kéo được vợ" - Ðó là tâm sự của Thào Diu.

Cây dứa từ nhà Thào Diu tiếng lành đồn xa. Ông sẵn lòng giúp dứa giống, bày cách trồng, chăm sóc cho mọi người trong bản để thay thế việc phát nương trồng bắp, hiệu quả kinh tế thấp. Bản Cốc Phương của người Mông trên núi cao xứ Mường đã hết đói, nhưng vẫn nghèo. Trong lớp thanh niên học theo Thào Diu trồng dứa có Thào Dìn (là cháu gọi Thào Diu bằng chú ruột) vượt lên, như cánh chim đầu đàn. Ðược học hành hơn người chú, Thào Dìn nhận thấy, có hộ neo đơn, ít nhân lực lao động hoặc có hoàn cảnh khó khăn thì không trồng được nhiều, khó có điều kiện chăm sóc, thu hoạch khi dứa chín rộ chất lượng quả bị xuống cấp, bị tư thương ép giá. Ðược bà con tín nhiệm bầu làm trưởng thôn, Thào Dìn đứng ra lập tổ đổi công, giúp nhau trồng dứa thành vùng hàng hóa xuất khẩu. Nhờ có tổ đổi công, nhà nào cũng có nương dứa từ năm nghìn đến hai, ba mươi nghìn gốc. Cây dứa được trồng theo quy trình đúng thời vụ; làm cỏ đúng chu kỳ sinh trưởng; phun thuốc đậu quả và thu hoạch đồng loạt bán cho các nhà máy chế biến tại Bắc Giang, Ninh Bình, Thanh Hóa và xuất khẩu sang Trung Quốc. Vì thế, dứa Cốc Phương đã nổi danh, quả to, ngọt, thơm, nhiều nước, rất thích hợp cho chế biến đóng hộp, được khách hàng nội địa và bên Hà Khẩu, Trung Quốc tìm mua. Mấy năm nay, tư thương Trung Quốc đặt mua dứa ngay từ khi đơm trái non, trả tiền một cục; Thào Dìn gánh thêm việc làm "tham tán thương mại", vì anh biết tiếng Quan Hỏa, để mặc cả giá bán, ký kết thỏa thuận bán dứa sao cho dân bản Cốc Phương có lợi nhất.

Thành công từ cây dứa, người Mông bản Cốc Phương còn trồng chuối bằng giống nuôi cấy mô để xuất khẩu. Chỗ thấp ven suối thì trồng chuối, trên núi cao thì trồng dứa, mầu xanh của sự no ấm, trù phú phủ kín những vùng đất hoang dại. Bà con dân tộc Mông nắm rất vững kỹ thuật chống đổ cây và bọc túi ni-lông buồng chuối để tránh sương muối hại quả. Tại buổi họp tổ đổi công, chúng tôi chứng kiến Bí thư chi đoàn Cốc Phương Thào Thắng, ghi số lượng chuối, dứa của từng hộ trong bản: Thào Vư, dứa 12 nghìn gốc, chuối ba nghìn gốc; Thào Dìn, dứa 20 nghìn, chuối bảy nghìn; Giàng Hồ, dứa 10 nghìn, chuối bốn nghìn; Ma Khoa, dứa 15 nghìn, chuối hai nghìn gốc..., tổng cộng 34 hộ. Trưởng thôn Thào Dìn cho biết thêm: Học tập người Mông ở Cốc Phương, đồng bào dân tộc thiểu số ở các bản Na Lốc 1, Na Lốc 2, Na Lốc 3 và Pạc Bo, Ðồi Gianh cũng chuyển hướng trồng chuối, dứa xuất khẩu. Bây giờ, ở rẻo cao biên giới này đã có vùng nguyên liệu chuối, dứa hơn 600 ha, hằng năm xuất bán hàng trăm nghìn tấn sản phẩm chất lượng cao, thu về cho bà con mấy chục tỷ đồng.

Bản Cốc Phương nghèo đói, heo hút năm nào giờ thông thoáng con đường cấp phối cho xe ô-tô chở nông sản thuận tiện, bừng sáng điện lưới trong từng ngôi nhà, rồi trường học, trạm y tế... được Nhà nước đầu tư theo Chương trình 30a và 135. Cốc Phương hôm nay không còn hộ nghèo, hai phần ba số hộ là triệu phú, có thu nhập hằng năm từ 80 đến 400 triệu đồng, nhiều gia đình người Mông đã sử dụng thành thạo máy vi tính và sắm xe ô-tô du lịch đời mới. Giờ thì nhiều hộ người Mông sống trên núi cao đã viết nên huyền thoại bản triệu phú.

Theo Nhân dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất