Thứ Bảy, 28/9/2024
Tin hoạt động
Chủ Nhật, 14/6/2009 16:12'(GMT+7)

Báo chí đã kịp thời truyền tải thông tin một cách trung thực trong giai đoạn đặc biệt khó khăn.

Tham gia Toạ đàm là các các chuyên gia kinh tế, các nhà báo chuyên viết về kinh tế và đại diện nhiều cơ quan chức năng tại Hà Nội...

Báo cáo đề dẫn tại Toạ đàm nêu rõ: Năm 2008 là một năm nền kinh tế nước ta có nhiều biến động. Ngay trong những tháng đầu năm 2008, khi nguy cơ lạm phát đang rình rập, báo chí đã thực hiện tốt chức năng là công cụ tuyên truyền về cơ chế chính sách, định hướng của Nhà nước, đặc biệt là tuyên truyền về 8 nhóm giải pháp chống lạm phát của Chính phủ, góp phần quan trọng trong việc tạo nên sự đồng thuận, đồng tâm nhất trí của cả nước trong kiểm soát lạm phát.

Giai đoạn cuối năm 2008 và nửa đầu năm 2009, báo chí lại một lần nữa tích cực đi đầu trong việc đưa chính sách của Nhà nước đến với người dân về 5 nhóm giải pháp chống suy giảm kinh tế. Những hoạt động của báo chí là một trong những nhân tố quan trọng trong việc đảm bảo thực thi thống nhất, đồng bộ, hiệu quả các chính sách, từng bước đưa nước ta ra khỏi sự suy giảm kinh tế. Đây chỉ là hai trong nhiều ví dụ sinh động về tính kịp thời, chính sách của báo chí trong việc truyền tải thông tin tuyên truyền, góp phần hỗ trợ Chính phủ, người dân và cộng đồng doanh nghiệp đồng tâm vượt khó.

Trao đổi tại Toạ đàm, Tiến sỹ Lê Đình Ân, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định: Tôi đánh giá rất cao lực lượng phóng viên báo chí đã có những cống hiến và có đóng góp lớn cho đất nước, đặc biệt là trong sự nghiệp kinh tế. Cụ thể là trong thời gian khủng hoảng kinh tế tác động trực tiếp tới Việt Nam vừa qua, phóng viên nhiều cơ quan báo chí khác đã có những cảnh báo rất đúng lúc, phân tích chính xác về tình hình để giúp cho cộng đồng hiểu rõ tình thế, để từ đó có những xử lý trong sản xuất, kinh doanh...

Nhiều ý kiến phát biểu tại Toạ đàm đều có chung nhận định: Báo chí đã kịp thời truyền tải thông tin một cách trung thực trong giai đoạn đặc biệt khó khăn. Các ý kiến, góc nhìn từ doanh nghiệp được phản ánh nhanh chóng tới thị trường từ đó giúp thị trường phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả nhất. Báo chí đã cung cấp thông tin để thị trường phân biệt được các doanh nghiệp tốt và doanh nghiệp không tốt, doanh nghiệp hiệu quả và kém hiệu quả, giúp khách hàng, nhà đầu tư có quyết định đúng đắn. Từ đó giúp nền kinh tế cơ cấu lại theo hướng thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp hiệu quả và đào thải các doanh nghiệp yếu kém. Đặc biệt, nhiều bài báo có tính phát hiện, phân tích sâu, đi đến tận cùng vấn đề  như: loạt bài phân tích về việc nhiều địa phương thu hút đầu tư sân golf; những loạt bài điều tra về các vụ án tham nhũng.v.v… đã hỗ trợ tích cực cơ quan quản lý trong việc kiểm tra, kiểm soát cũng như điều tra, xử lý...

Phát biểu kết luận tại Toạ đàm, đồng chí Nguyễn Thế Kỷ, Vụ trưởng vụ Báo chí-Xuất bản, Ban Tuyên giáo TW, nêu rõ: Cùng với nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, thời gian qua báo chí đã có nỗ lực rất lớn trong chống suy giảm kinh tế. Trước hết là các cơ quan báo chí đã bám sát vào 2 thông báo kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết 30 của Chính phủ, đưa chủ trương của Đảng, Nhà nước tới doanh nghiệp, người dân, tạo được sự đồng thuận trong xã hội, tạo sự gắn kết nỗ lực vượt qua khó khăn. Các cơ quan báo chí phân tích các giải pháp mà Chính phủ đang triển khai, làm cho mọi người hiểu từng giải pháp này cần được thực hiện nghiêm túc đồng bộ, bài bản, tạo ra hiệu quả. Điều này đã thực sự tạo hiệu quả kinh tế xã hội của đất nước. Thành công của báo chí đã được Đảng, Nhà nước và xã hội ghi nhận.

Bên cạnh những mặt đã làm được, vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục để báo chí thực sự là cầu nối giữa Chính phủ và nhân dân, tạo sự đồng thuận, đưa đất nước phát triển bền vững. Thực tế thời gian qua, mặc dù đội ngũ phóng viên, biên tập viên kinh tế đã được nâng cao nhưng vẫn chưa đáp ứng tốt yêu cầu nâng cao chất lượng thông tin kinhh tế trong bối cảnh hội nhập và kinh tế thế giới cũng như trong nước có nhiều diễn biến phức tạp. Sự hạn chế về kiến thức kinh tế cũng như kinh nghiệm nghề nghiệp là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới những thiếu sót, sai phạm về thông tin báo chí không đáng có.

Để khắc phục được điều này, điều quan trọng trước tiên là mỗi nhà báo cần giữ vững bản lĩnh chính trị, luôn vì động cơ phục vụ Chính phủ và nhân dân, không ngừng nâng cao kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, nhất là những kiến thức chuyên sâu, mang tính chuyên ngành để hiểu cặn kẽ nguyên lý, vấn đề để thông tin một cách chính sách, kịp thời, có lợi cho đất nước và có lợi cho nhân dân, cho cộng đồng doanh nghiệp./.

Thuỳ Linh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất