Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị báo chí cần phải góp phần tạo sự chuyển biến về hành vi trong xã hội, để mọi người dân trong xã hội có ứng xử văn hóa hơn, xây dựng một nếp sống văn hóa hơn.
Báo chí luôn phát huy vai trò xung kích trên mặt trận văn hóa-tư tưởng, là bộ phận quan trọng của văn hóa dân tộc.
Những năm gần đây, tình trạng văn hóa, đạo đức xuống cấp, trong đó có cả văn hóa ứng xử trong cộng đồng đã được báo chí thông tin kịp thời, phân tích, cảnh báo thiết thực.
Việc thường xuyên tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về các hành vi ứng xử văn minh góp phần thay đổi văn hóa ứng xử trong xã hội.
Nhiều hành vi ứng xử thiếu văn hóa, văn minh
Sáng 10/6/2019, tại km 670+100, đường tránh Quốc lộ 1A đoạn qua thị trấn Quán Hàu, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình xảy ra vụ tai nạn lật xe khiến tài xế bị thương.
Hàng nghìn con vịt chạy loạn ra đường. Nhiều người dân chạy đến bắt vịt mang đi dù tài xế chạy theo van xin.
Sau Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên vào cuối tháng 2/2019, nhiều người dân ở Hà Nội đã thản nhiên vơ vét hoa trang trí đường phố mang về nhà. Trong số đó, có những người đi xe ôtô cũng ngang nhiên dừng lại, chất hoa vào cốp xe... rồi đi thẳng!
Một chiếc xe chở hàng bốc cháy, sau khi đám cháy bị dập tắt, hàng chục người dân lao vào "hôi của," người tài xế chỉ có thể khóc nức nở, bất lực đứng nhìn...
Những hình ảnh xấu xí của một bộ phận người dân đã khiến cho dư luận phẫn nộ, bất bình, bởi đó không chỉ là việc làm thiếu văn hóa, đáng xấu hổ mà còn cho thấy sự tham lam, vô cảm đến tàn nhẫn của một số người.
Không chỉ "hôi của," hiện nay, ở nhiều nơi, những hành vi ứng xử thiếu văn hóa vẫn thường diễn ra như chen lấn khi mua sắm, xô đẩy, thậm chí giẫm đạp lên nhau để tranh cướp lộc ở lễ hội; vô tư xả rác bừa bãi ở mọi nơi, mọi lúc, không có ý thức giữ gìn vệ sinh công cộng ngay cả khi tham gia giao thông trên đường, khi đi du lịch, những điểm văn hóa công cộng.
Có một bộ phận người dân, thậm chí cả cán bộ công chức, viên chức cũng hay gây ồn ào, nói quá to ở cơ quan, bệnh viện, thậm chí ngay cả ở những nơi thờ tự tôn giáo cần trang nghiêm; tình trạng đi trễ giờ, thiếu ý thức tham gia giao thông... xảy ra khá thường xuyên trong xã hội hiện nay, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh văn hóa của đất nước, con người Việt Nam.
Xuất phát từ thực tiễn và tầm quan trọng của văn hóa ứng xử trong việc xây dựng con người Việt Nam trong tình hình mới, nhất là góp phần thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, thời gian qua Chính phủ, các bộ, ngành địa phương đã tích cực xây dựng và ban hành quy tắc ứng xử, văn hóa công vụ với những hành vi ứng xử chuẩn mực.
Tuy nhiên, việc thực hiện những quy tắc ứng xử văn hóa còn hạn chế, tình trạng vi phạm của cán bộ, công chức trong ứng xử với đồng nghiệp và nhân dân vẫn tồn tại, gây bức xúc trong dư luận. Ứng xử của người dân trong gia đình và nơi công cộng chưa có chuyển biến tích cực. Bạo lực gia đình, bạo lực học đường, ứng xử thiếu văn minh, vô cảm vẫn còn tồn tại...
Báo chí có sứ mệnh "cải biến và lưu truyền văn hóa"
Phát biểu trong một cuộc hội thảo về “Vai trò của báo chí trong truyền thông về chuẩn mực văn hóa ứng xử” mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định văn hóa là nền tảng tinh thần, là động lực phát triển kinh tế xã hội, động lực phát triển của cả quốc gia dân tộc. Báo chí là một bộ phận của văn hóa, báo chí sáng tạo, cải biến và lưu truyền văn hóa. Trong văn hóa có báo chí, trong báo chí có văn hóa. Mỗi tác phẩm báo chí là một tác phẩm văn hóa và mỗi nhà báo là một chiến sỹ văn hóa trên mặt trận tư tưởng.
Phó Thủ tướng đề nghị báo chí cần phải góp phần tạo sự chuyển biến về hành vi trong xã hội, để mọi người dân trong xã hội có ứng xử văn hóa hơn, xây dựng một nếp sống văn hóa hơn.
Để làm được điều này, báo chí cần định hướng dư luận thay đổi hành vi, nêu gương tốt và phê phán cái xấu, báo chí phải tuyên truyền để những hành vi ứng xử văn hóa thấm sâu vào quần chúng, vào tâm lý của từng người.
Để làm được như vậy, báo chí không chỉ đưa tin mà còn phải phân tích hành vi đó trên góc độ văn hóa, đưa ra khuyến nghị để người đọc ghi nhớ và làm theo.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng kêu gọi các cơ quan báo, đài, địa phương nên quan tâm, xem xét và hình thành các chuyên mục về người tốt việc tốt, tăng lượng bài viết phản ánh về hành vi ứng xử văn hóa, việc thiết thực như văn hóa ứng xử giữa con người với con người; giữa con người với môi trường...
Các bài viết phải có sự kết hợp, tham gia không chỉ của các nhà báo mà cả các nhà văn hóa, nhà khoa học để nghiên cứu, phân tích dễ hiểu, có sức thuyết phục, kết hợp với các phương thức truyền thông mới phù hợp trong điều kiện hiện nay để mọi người dần quen với những hành vi ứng xử có văn hóa, tránh những hành vi thiếu văn hóa. Chỉ có như vậy, đất nước mới thực sự phát triển bền vững.
Báo chí tuyên truyền để thay đổi hành vi
Theo bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, truyền thông luôn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của xã hội qua các thời kỳ, đặc biệt trong bối cảnh thông tin xã hội hiện nay.
Báo chí với các chức năng giáo dục tư tưởng, tuyên truyền, cổ động, quản lý gián tiếp và giám sát xã hội... thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, đưa thông tin kịp thời, chính xác, khách quan, chân thực, trách nhiệm, nhân văn..., là cơ sở định hướng dư luận xã hội.
Bên cạnh đó, công tác truyền thông trên báo chí còn có vai trò hình thành chuẩn mực văn hóa ứng xử phù hợp với bối cảnh xã hội mới, từng bước đưa vào cuộc sống các chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Báo chí cũng góp phần củng cố ý thức pháp luật, đề cao đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân, cộng đồng, xã hội và đất nước; ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội, nâng cao nhận thức về xây dựng, giữ gìn hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình hướng tới sự ổn định, văn minh cho toàn xã hội.
Rất nhiều bài báo trên các phương tiện truyền thông đại chúng đã kịp thời nêu những tấm gương người tốt việc tốt, xây dựng một hình ảnh xã hội tích cực, đồng thời phê phán những hạn chế, tiêu cực, phản văn hóa, từ đó tạo ra hiệu ứng lên án cái xấu trong toàn xã hội.
Theo ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, báo chí có mối quan hệ mật thiết với văn hóa, vừa là bộ phận của văn hóa, vừa là phương tiện truyền tải, phổ biến văn hóa tới công chúng.
Trong lịch sử hơn 90 năm, báo chí cách mạng Việt Nam đã thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho, trong đó có nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa.
Báo chí trở thành kênh thông tin đại chúng phản ánh thực tiễn văn hóa, truyền tải, phổ biến văn hóa, là động lực thúc đẩy văn hóa phát triển.
Ông Hồ Quang Lợi cho rằng thực tiễn hơn 30 năm đổi mới cho thấy, báo chí luôn phát huy vai trò xung kích trên mặt trận văn hóa-tư tưởng, là bộ phận quan trọng của văn hóa dân tộc.
Với sức mạnh công khai, rộng khắp, tác động nhanh và mạnh, báo chí đã góp phần phát hiện, phản ánh bất cập, thói hư, tật xấu, góp phần xây dựng chuẩn mực văn hóa ứng xử tốt đẹp hơn. Báo chí tuyên truyền, cổ động cho các cuộc vận động xây dựng văn hóa ứng xử, phát hiện cổ vũ những gương người tốt, điển hình, cách làm hay, phê phán những biểu hiện lệch chuẩn về văn hóa ứng xử...
Ông Hồ Quang Lợi khẳng định trong giai đoạn hiện nay, cần nhất quán, kiên định quan điểm văn hóa là một mặt trận, bộ phận cấu thành không thể tách rời của sự nghiệp cách mạng.
Việc hình thành, xây dựng, định hướng chuẩn mực văn hóa thực hiện tốt quy tắc ứng xử là công việc lâu dài, phức tạp, muốn thành công phải có sự vào cuộc đồng bộ của nhiều bộ, ngành, cá nhân, tổ chức của hệ thống chính trị, trong đó có lực lượng báo chí hùng hậu của cả nước./.
Theo TTXVN/Vietnam+