Thứ Sáu, 27/9/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 15/9/2016 15:5'(GMT+7)

Bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân khi thực hiện dự án đối tác công tư

* Thực trạng đầu tư dưới hình thức BOT

Trong những năm gần đây, nhiều công trình trọng điểm quốc gia, nhiều tuyến đường cao tốc được hình thành trong hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông ở nước ta đã tạo ra sự phát triển nhanh chóng về kết cấu hạ tầng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia. Nhiều giải pháp huy động vốn có hiệu quả trên cơ sở đa dạng hóa thành phần tham gia nhằm phát triển mạnh mẽ hạ tầng đã thu được kết quả cao, trong đó có dự án BOT. Tuy nhiên, ngoài kết quả đạt được vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra đòi hỏi cần phải được giải quyết cả về lý luận và thực tiễn. Đó là vai trò quản lý của Nhà nước, tính minh bạch, hiệu quả và trách nhiệm giải trình đối với đầu tư các dự án hạ tầng giao thông đường bộ theo hình thức hợp đồng BOT. Việc bố trí các trạm thu phí hoàn vốn cho một số dự án còn chưa theo quy hoạch, quy định; mức thu và thời gian thu phí chưa hợp lý đã gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp và tác động tiêu cực ảnh hưởng đến nền kinh tế đang đặt ra vấn đề cần phải khắc phục.

Ông Lê Quốc Đạt, Phó Chánh Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: Những năm qua sự bùng nổ về đầu tư dưới hình thức hợp đồng BOT trong lĩnh vực giao thông, góp phần rất lớn thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư nhằm tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn hạn chế. Tuy nhiên, đi kèm với làn sóng đầu tư đó là một loạt các trạm thu phí BOT mọc lên dày đặc; mức thu phí mỗi nơi một khác; một số nơi mức thu phí chưa tương xứng với khả năng chi trả của người dân, gây bức xúc dư luận. Đặc biệt, nhiều dự án BOT được lập trên các tuyến đường huyết mạch, độc đạo và khi trạm thu phí mọc lên, khách hàng không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận qua trạm thu phí. Đây là hình thức cưỡng bức sử dụng dịch vụ gây bức xúc, phản đối kéo dài trong thời gian qua.

Ông Đạt cho biết, hiện nay, tính trên hệ thống các tuyến quốc lộ, có tới 32 trên tổng số 88 trạm thu phí (tương đương 36%) không đảm bảo khoảng cách tối thiểu 70km. Mặc dù theo quy định của Thông tư 159/2013/TT-BTC, có thể bố trí khoảng cách giữa các trạm nhỏ hơn 70km nếu Bộ Giao thông Vận tải thống nhất với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Bộ Tài chính, việc có quá nhiều trường hợp đặc biệt như vậy được chấp thuận đang khiến mật độ trạm thu phí trở nên dày đặc và ngột ngạt. Cá biệt, có trường hợp khoảng cách giữa các trạm thu phí chỉ trên dưới 15km như: Trạm thu phí Hầm Đèo Ngang đặt tại Km 590 trên quốc Quốc lộ 1 chỉ cách Trạm thu phí của dự án BOT Quốc lộ 1 đoạn Km 597+549-Km 604+700 trên Quốc lộ 1 gần 15km…

Ông Đạt cũng cho rằng, hầu hết các dự án BOT không phải xây dựng tuyến mới, chỉ là nâng cấp, cải tạo trên các tuyến đường hiện hữu vốn có nhiều giao cắt đồng mức. Do đó, chỉ có thể áp dụng hình thức thu phí hở (thu phí theo lượt), không thể áp dụng hình thức thu phí kín (thu phí theo chiều dài quãng đường thực đi). Hình thức thu phí hở này vừa không đảm bảo kiểm soát được lưu lượng thực tế, vừa gây khó khăn cho địa phương nơi trạm thu phí được lắp đặt. Trên thực tế, người dân sống gần trạm thu phí là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất do họ có xu hướng bị nộp phí nhiều hơn và gánh chịu chi phí hành hóa đắt đỏ hơn. Vì vậy, cần có giải pháp đối với người dân địa phương sống gần trạm thu phí để tránh những bức xúc hiện nay.

* Tăng cường tính minh bạch đối với các dự án BOT

Lãnh đạo Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết: Kiểm toán Nhà nước với chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công theo luật định. Vì vậy, Kiểm toán Nhà nước có nhiệm vụ kiểm toán các dự án BOT để qua đó góp phần tăng cường tính minh bạch, hạn chế thất thoát, giảm bớt gánh nặng cho người dân, doanh nghiệp và nâng cao trách nhiệm giải trình trong việc thực hiện các dự án BOT đối với cơ quan nhà nước và chủ đầu tư, tạo niềm tin cho nhân dân.

Chia sẻ thêm về vai trò của kiểm toán trong các dự án BOT, ô ng Nguyễn Văn Quý, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành IV cho rằng: Việc huy động các nguồn lực tư nhân để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông thông qua hình thức đầu tư BOT là một hướng đi đúng trong việc hiện thực hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Trong những năm qua, Kiểm toán Nhà nước cùng với các Bộ, ngành tham gia vào công tác kiểm tra, đánh giá quá trình đầu tư các dự án BOT đã góp phần chỉ ra những mặt hạn chế, bất cập của cơ chế chính sách; những tồn tại hạn chế trong quá trình quản lý để dần hoàn thiện khung pháp lý quản lý nhà nước đối với hình thức BOT hướng tới quản lý chặt chẽ và hiệu quả, minh bạch trong các khâu đầu tư BOT. Tuy nhiên, qua kết quả kiểm toán cũng đã thấy được những hạn chế, bất cập trong một số dự án giao thông đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT. Cụ thể, hiện nay chưa có quy định cụ thể tiêu chí lựa chọn dự án đầu tư BOT. Muốn có hiệu quả, dự án được chọn phải là dự án xây mới và không là đường, cầu độc đạo để người dân có quyền lựa chọn lưu thông vào một trong hai tuyến. Tuy nhiên, thực tế hiện nay các dự án BOT được chọn hầu hết nằm trên trục đường quốc lộ độc đạo, các phương tiện giao thông không có quyền lựa chọn, dự án trở thành độc quyền, vì vậy đầu tư tìm mọi cách để thu lợi nhuận cao.

* BOT cần đảm bảo quyền lợi người dân

Trước thực trạng trên, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, trong thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải, các địa phương cần rà soát, nghiên cứu quy hoạch mạng lưới hạ tầng giao thông để xác định tuyến đường nào cần đầu tư BOT, tuyến đường nào có thể đầu tư vốn ngân sách; cần chú trọng chỉ chấp thuận đầu tư BOT trên những tuyến đường có đường song hành để đảm bảo quyền lựa chọn cho người dân. Một giải pháp nữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng không thể xem nhẹ cần đẩy mạnh thực hiện trong thời gian tới là công tác truyền thông. Theo đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một chủ trương đúng cần sự thấu hiểu, ủng hộ của dự luận từ khi còn manh nha cho tới lúc triển khai, hoàn thành.

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật, qua thực tiễn triển khai các dự án BOT cho thấy cần thiết phải rà soát, đánh giá và hoàn thiện cơ chế, chính sách về đầu tư theo hình thức đối tác công tư để phù hợp với thực tiễn, tạo khung pháp lý rõ ràng, minh bạch và thuận lợi trong triển khai các dự án; đồng thời, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân khi thực hiện dự án đối tác công tư.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, bà Phạm Thị Vân Anh cho rằng, trong thời gian tới, Kiểm toán Nhà nước cần tập trung kiểm tra đối với khâu lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu cho dự án; đồng thời xác định tổng mức đầu tư, phương án tài chính của dự án, giá trị quyết toán công trình, việc thực hiện thu phí và quản lý nguồn thu… nhằm chấn chỉnh các dự án BOT giao thông./.

Nguyễn Cường/TTXVN



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất