Chủ Nhật, 24/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Ba, 30/10/2018 14:15'(GMT+7)

Bảo đảm thực hiện hiệu quả quyền công tố, kiểm sát điều tra

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí trả lời chất vấn. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí trả lời chất vấn. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Báo cáo nêu rõ, từ đầu nhiệm kỳ đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã quán triệt, chỉ đạo toàn ngành thực hiện nghiêm Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn; khẩn trương báo cáo, giải trình, đồng thời chỉ đạo giải quyết kịp thời, nghiêm minh các vụ, việc theo đúng quy định của pháp luật. 

Ngành cũng nghiêm túc tiếp thu những chất vấn, kiến nghị của các Ủy ban thuộc Quốc hội, đại biểu Quốc hội đối với công tác chung của ngành, đề ra các giải pháp bảo đảm thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ được giao: xác định rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu.

Bảo đảm quyền con người, quyền công dân


Vai trò của hoạt động kiểm sát trong quá trình giải quyết vụ án hình sự ngày càng được khẳng định, góp phần quan trọng bảo đảm quyền con người, quyền công dân. 

Công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, dân sự được nâng cao về chất lượng, tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng hiệu quả hơn; đã khẩn trương triển khai thi hành và thực hiện tốt các nhiệm vụ của Viện kiểm sát theo quy định mới của các đạo luật; kịp thời phát hiện nhiều vi phạm pháp luật xảy ra trong hoạt động tư pháp, yêu cầu các cơ quan hữu quan khắc phục, phòng ngừa vi phạm. 

Hiệu lực các kháng nghị, kiến nghị được nâng lên, số lượng và chất lượng vượt chỉ tiêu Quốc hội giao, góp phần quan trọng tăng cường pháp chế trong hoạt động tư pháp, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân được tôn trọng, thực hiện nghiêm minh. 

Chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, truy tố của ngành Kiểm sát tiếp tục được nâng lên, đạt và vượt nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ Quốc hội giao. 

Số vụ Viện kiểm sát yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự tăng qua từng năm: Năm 2017 tăng 24,8%; 10 tháng đầu năm 2018 tăng 40,1%. Các trường hợp quá hạn giải quyết giảm dần: (năm 2017, giảm 3,78%; 10 tháng đầu năm 2018, giảm 2,72%. Số lượng, chất lượng các bản yêu cầu điều tra tăng dần, chiếm hơn 80% số vụ án mới khởi tố.

Tỷ lệ trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng giảm dần: Năm 2017 giảm 5,16%; 10 tháng năm 2018 là 3,94%. 

Số bị can phải đình chỉ do không phạm tội giảm dần: Năm 2017 giảm 32 bị can; năm 2018 giảm 23 bị can. Số bị cáo Tòa án tuyên không phạm tội cũng giảm dần: Năm 2017 giảm 12 bị cáo; năm 2018 giảm 6 bị cáo.

Đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án tham nhũng


Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tư pháp trung ương chỉ đạo giải quyết nhiều điểm nóng về an ninh trật tự; phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm nhiều vụ việc tham nhũng trong hoạt động tư pháp.

Kết quả giải quyết án về tham nhũng, kinh tế chuyển biến tích cực; số vụ án được phát hiện, khởi tố tiếp tục tăng, trong đó có nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng; việc xử lý nghiêm minh, triệt để hơn theo đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ.”

Vai trò, trách nhiệm công tố của Viện Kiểm sát nhân dân được thể hiện rõ hơn, nhất là việc áp dụng các biện pháp tố tụng trong đấu tranh làm rõ hành vi, xác định tội danh, thu hồi tài sản, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và hiệu quả hơn trong đấu tranh xử lý tội phạm về tham nhũng, kinh tế. 

Phát huy vai trò là cơ quan trung tâm, kết nối các hoạt động tố tụng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn; trong thời gian ngắn, đã kết thúc điều tra, truy tố, đưa ra xét xử nghiêm minh các vụ án tham nhũng, kinh tế do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo như vụ Phạm Công Danh, vụ Trịnh Xuân Thanh, vụ Đinh La Thăng; việc xử lý các vụ án xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN); Tổng Công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC); một số Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam… 

Kết quả giải quyết các vụ án được dư luận đồng tình ủng hộ, tạo hiệu ứng tích cực trong xã hội, củng cố thêm niềm tin của nhân dân vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước.

Quyết liệt đổi mới công tác cán bộ


Bên cạnh đó, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã quyết liệt đổi mới công tác cán bộ, tạo chuyển biến tích cực từ công tác quy hoạch đến bố trí, luân chuyển, điều động, biệt phái, bổ nhiệm cán bộ, tạo động lực phấn đấu cho đội ngũ cán bộ. 

Từ năm 2016-2018 đã điều động, luân chuyển, thay đổi vị trí công tác 15/25 Vụ trưởng và tương đương; đã làm quy trình, trình cấp có thẩm quyền bổ nhiệm 2 Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao; điều động, luân chuyển 7 cán bộ cấp Vụ ở Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao làm Viện trưởng 7 Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh.

Đặc biệt, việc thực hiện chủ trương biệt phái Kiểm sát viên từ Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đến Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh làm nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử các vụ án do Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra; đồng thời biệt phái các Kiểm sát viên ở Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh đến làm nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra tại Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao. 

Biện pháp này đã tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ từ trách nhiệm đến kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên.

Toàn ngành thực hiện nghiêm việc đổi mới, kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra; thành lập đơn vị thanh tra tại tất cả các Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh; tập trung thanh tra, kiểm tra về thực hiện trách nhiệm công vụ; tăng cường thanh tra đột xuất đối với các vụ việc có dấu hiệu vi phạm trong lĩnh vực hình sự; xử lý nghiêm cá nhân có sai phạm liên quan đến oan, sai… 

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh trực tiếp chỉ đạo công tác thanh tra; tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất về nghiệp vụ, nhất là đối với những vụ việc có dấu hiệu oan, sai. 

Thủ trưởng các đơn vị tự thanh tra, kiểm tra để chủ động khắc phục sai phạm; xử lý nghiêm cán bộ sai phạm để làm gương, giáo dục, răn đe; tạo điều kiện cho những trường hợp nhận thấy sai phạm và quyết tâm khắc phục, sửa chữa, có cơ hội phấn đấu tiếp (năm 2017, thanh tra 2.089 cuộc, kiểm tra 1.302 cuộc; 10 tháng năm 2018, thanh tra 2.355 cuộc, kiểm tra 1.076 cuộc). 

Còn một số khó khăn, vướng mắc

Viện trưởng Lê Minh Trí cũng thừa nhận còn một số hạn chế trong hoạt động Kiểm sát: Trách nhiệm thực hành quyền công tố trong hoạt động điều tra đối với một số vụ án chưa tốt, có trường hợp phải đình chỉ do bị can không phạm tội.

Các vụ án về tham nhũng, kinh tế, việc giải quyết còn kéo dài, tỷ lệ trả hồ sơ để điều tra bổ sung đối với loại án này còn cao; vẫn có trường hợp Tòa án tuyên bị cáo không phạm tội (mặc dù có nhiều trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị theo hướng có tội và được Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận). Tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chưa đáp ứng yêu cầu của Quốc hội đặt ra.

Những hạn chế, tồn tại trên chủ yếu là do năng lực, trình độ, ý thức trách nhiệm của một số lãnh đạo, công chức, Kiểm sát viên của một số đơn vị chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Quan hệ phối hợp công tác giữa các cơ quan tư pháp với Viện kiểm sát ở một số nơi chưa chặt chẽ, kịp thời. Nhiều quy định mới của pháp luật chậm được hướng dẫn.

Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhất là các vụ án do các cơ quan tiến hành tố tụng trung ương giải quyết. 

Cơ sở vật chất, phương tiện, điều kiện làm việc trong thời gian qua đã được quan tâm đầu tư nhưng chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra; chế độ, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, Kiểm sát viên chưa phù hợp với tính chất đặc thù của ngành...

Xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ án hình sự nghiêm trọng

Thời gian tới, toàn ngành sẽ quán triệt, thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Quốc hội về công tác tư pháp; thực hiện tốt phương châm “Đoàn kết, đổi mới - Trách nhiệm, kỷ cương - Chất lượng, hiệu quả.”

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm nghe tòa tuyên án. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm nghe tòa tuyên án. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Ngành tập trung thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm: Thực hiện tốt nhiệm vụ chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm; tập trung giải quyết tốt các vụ án do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo, 

Ban Nội chính các cấp theo dõi, đôn đốc; khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh,” xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ án hình sự nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; phối hợp, đẩy nhanh việc xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật, nhất là Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự. 

Bên cạnh đó, ngành kiện toàn, tinh gọn tổ chức bộ máy Viện kiểm sát các cấp theo Nghị quyết TW 6, Khóa 12; kiện toàn lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao; đẩy mạnh cải cách hành chính, công vụ, công chức; tăng cường kỷ cương, kỷ luật, chú trọng thanh tra, kiểm tra đột xuất; xây dựng các đề án tăng cường cơ sở vật chất, kinh phí, chế độ đặc thù bảo đảm cho hoạt động của ngành.

Viện trưởng Lê Minh Trí cũng đề nghị Quốc hội tăng cường hoạt động giám sát chuyên đề; tập trung giám sát những vấn đề, nội dung có tính vĩ mô, tính chuyên đề, giúp các cơ quan, người đứng đầu cơ quan chịu sự giám sát có căn cứ đánh giá, nhìn nhận toàn diện hoạt động của ngành mình; tạo điều kiện nguồn kinh phí bảo đảm giúp ngành Kiểm sát thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đẩy mạnh việc hướng dẫn thi hành Bộ luật Hình sự và tiếp tục chỉ đạo các cơ quan tư pháp trung ương khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật theo thẩm quyền; quan tâm xem xét, thông qua Đề án vị trí việc làm của ngành Kiểm sát nhân dân./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất