Chủ Nhật, 24/11/2024
Giáo dục
Thứ Hai, 25/3/2019 8:49'(GMT+7)

Bảo đảm tính trung thực của các kỳ thi

Trước tiên, phải nhắc đến sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 xảy ra tại hội đồng thi THPT quốc gia các tỉnh: Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình khi một số cá nhân đã thực hiện việc can thiệp, sửa để nâng điểm nhiều bài thi của thí sinh. Qua chấm thẩm định, tổng số điểm của nhiều thí sinh giảm hàng chục điểm, trong đó có môn giảm tới 9 điểm. Sai phạm nghiêm trọng tại những địa phương này vẫn đang tiếp tục được các cơ quan chức năng hoàn thiện hồ sơ và chắc chắn sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Hay trước thời điểm kỳ thi học sinh giỏi quốc gia cấp THPT năm 2019 diễn ra (tháng 1-2019), Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) đã chỉ ra hàng loạt sai phạm trong tổ chức kỳ thi học sinh giỏi quốc gia cấp THPT các năm 2015, 2016, 2017. Cụ thể, một số người tham gia quá trình ra đề thi nhưng lại bồi dưỡng, tập huấn cho đội tuyển dự thi của các tỉnh; công tác làm đề, ban hành các văn bản không đúng quy định; công tác chấm thi có nhiều sai sót; quá trình chấm phúc khảo không minh bạch, có sai phạm… Hoặc ngay sau khi công bố kết quả cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2018-2019 (diễn ra tháng 3-2019), phụ huynh học sinh phản ánh, một số dự án đoạt giải cao có dấu hiệu vi phạm quy chế thi, nhiều dự án không sáng tạo, có ý tưởng và giải pháp trùng lặp với kết quả nghiên cứu của các dự án khoa học chuyên sâu trong nước và nước ngoài… Điều này đã buộc Bộ GD và ĐT phải tiến hành chấm thẩm định.

Vấn đề đặt ra là vì sao câu chuyện thi cử lại liên tiếp xảy ra các thiếu sót, sai phạm. Mặc dù hầu như trước kỳ thi năm nào Bộ GD và ĐT cũng có văn bản chỉ đạo về công tác thi; sửa đổi, bổ sung các quy chế thi theo hướng ngày càng hoàn thiện, chặt chẽ… nhưng sai phạm vẫn cứ xảy ra và tập trung chủ yếu ở các kỳ thi cấp quốc gia. Phải chăng việc lựa chọn những người tham gia công tác tổ chức không bảo đảm năng lực chuyên môn, có ý đồ, hay do cơ chế kiểm soát còn kẽ hở, công tác thanh tra, kiểm tra chưa thường xuyên, chặt chẽ? Nhìn một cách tổng thể, mục đích, yêu cầu của các kỳ thi nêu trên tuy khác nhau, nhưng đều có điểm chung là sử dụng kết quả thi để làm căn cứ xét tuyển đại học, cao đẳng. Từ những sai phạm này, không ít thí sinh đã mất đi cơ hội xét tuyển vào đại học, nhất là trường phù hợp năng lực, sở thích. Đây có lẽ là mấu chốt dẫn đến các sai phạm và vì thế cần được nhìn nhận, làm rõ và xử lý nghiêm.

Chỉ còn hơn ba tháng nữa sẽ diễn ra kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Bộ GD và ĐT đã đề ra các yêu cầu, giải pháp cụ thể để siết chặt quy trình tổ chức thi, từ việc ra đề đến chấm thi; bảo quản đề thi, bài thi; triển khai thêm lực lượng công an, có ca-mê-ra an ninh giám sát ghi hình tại khu vực chấm thi, bảo quản đề thi, bài thi của thí sinh… Thế nhưng, những bài học của kỳ thi năm trước vẫn còn “nóng hổi”, vì vậy, sự an toàn, nghiêm túc của kỳ thi phải được đặt lên hàng đầu. Bộ GD và ĐT, cũng như các địa phương cần chỉ đạo các nhà trường dạy học, ôn tập hiệu quả; tránh cắt xén chương trình, học tủ, học lệch. Đồng thời, tăng cường quán triệt, phổ biến quy chế của kỳ thi đến cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, nhất là những người dự kiến sẽ tham gia các khâu của kỳ thi. Bộ GD và ĐT cần có các giải pháp hữu hiệu hơn nữa; tăng cường giám sát chặt chẽ các khâu của kỳ thi, nhất là coi thi, chấm thi. Từ kết quả các cuộc thi, Bộ GD và ĐT cần có phân tích, đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông để việc dạy và học cũng như thi cử là thực chất, bảo đảm tính trung thực, khách quan của kỳ thi…

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất