Thứ Hai, 30/9/2024
Sức khỏe
Thứ Tư, 13/10/2010 19:6'(GMT+7)

Báo động dịch sốt xuất huyết và tay - chân - miệng

Điều trị cho bệnh nhi sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi đồng 1.

Điều trị cho bệnh nhi sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi đồng 1.

Hơn 50% số phường, xã có dịch

Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh, dịch SXH, TCM liên tục tăng trong 3 tháng vừa qua, nhất là trong 2 tuần gần đây. Hiện dịch SXH đã xuất hiện ở 166 phường, xã, chiếm 50% tổng số phường, xã của TP, trong đó có 35 phường, xã có ổ dịch SXH kéo dài trên 3 tháng. Riêng trong tháng 9, số ca mắc SXH đã tăng lên đến 459 ca/tuần, tính trung bình 15 ca bệnh/một phường, xã. Bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP cho biết, nếu như trong tháng 7, dịch SXH mới chỉ ở mức 633 ca sau đó tăng lên 1.133 ca trong tháng 8, thì bước sang tháng 9 số ca mắc SXH đã lên đến 1.624 ca. Trong đó số ca mắc bệnh tập trung chủ yếu ở các quận như: quận 1, 5, 7, 8, 10, 11 và đặc biệt dịch SXH, TCM tăng nhanh, mạnh ở các quận 11, Gò Vấp, Tân Phú và huyện Bình Chánh. Mùa mưa ở TP vẫn còn tiếp diễn nên nhiều khả năng dịch SXH tiếp tục tăng đến hết tháng 11.

Mặc dù từ đầu mùa mưa Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng TP đã triển khai nhiều kế hoạch phòng, chống dịch, thế nhưng cho đến nay dịch SXH và TCM vẫn bùng phát mạnh tại nhiều nơi. Trong những ngày qua, tại Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2 không còn giường trống, nhiều trẻ phải nằm chung giường. Bác sĩ Trịnh Hữu Tùng - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, hiện nay mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận hàng trăm ca SXH. Do số lượng ca nhiễm SXH năm nay tăng từ 20% đến 30% so với năm ngoái nên không đủ khả năng đáp ứng giường bệnh cho các bệnh nhi. Nếu đà này tiếp diễn thì tình trạng "cháy" giường bệnh là khó tránh khỏi! Việc TP khống chế dịch bệnh chưa hiệu quả, theo bác sĩ Lê Trường Giang, một phần là do ngành y tế vẫn chạy theo thành tích, thường xuyên đưa ra khái niệm so sánh số ca bệnh thấp hơn so với thời gian cùng kỳ năm trước. Bởi cứ mãi căn cứ vào đó và không có biện pháp hiệu quả thì dịch bệnh sẽ lan ra trên diện rộng, khó kiểm soát. Thực tế thời gian qua công tác chống dịch còn đứt quãng, chỗ có chỗ không… làm cho hiệu quả của việc chống dịch kém đi.

Sẽ dập dịch theo hình thức cưỡng chế

Trước tình hình dịch bệnh SXH và TCM đang diễn biến hết sức phức tạp, Sở Y tế TP đã gấp rút triển khai kế hoạch phòng, chống dịch trong những tháng còn lại của mùa mưa. Theo đó, Sở Y tế yêu cầu 24 quận, huyện phải khẩn trương triển khai kế hoạch phòng, chống dịch theo kế hoạch của sở trong năm 2010. Mục tiêu đề ra là số ca SXH trong tháng 10 này không tăng so với tháng 9; đồng thời số ca bệnh trong tháng 11 phải giảm 50% so với tháng 9. Riêng đối với công tác phòng, chống dịch SXH, TCM tại phường, xã, Trung tâm Y tế dự phòng TP phải tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông, diệt bọ gậy, lăng quăng ở xí nghiệp, trường học, công sở, công trường, tụ điểm nhà ở… Tăng cường công tác kiểm tra các điểm có yếu tố nguy cơ để không trở thành điểm nguy cơ, trong đó chú trọng công tác xử lý ổ dịch nhỏ.

Bác sĩ Lê Trường Giang cho biết, diễn biến phức tạp của 2 loại dịch bệnh nguy hiểm là SXH và TCM bùng phát trong cùng thời điểm đã khiến cho ngành y tế TP bị quá tải. Do đó ngành y tế sẽ tiến hành dập dịch theo hình thức cưỡng chế tại 100% số phường, xã có ổ dịch xuất hiện. Bên cạnh đó, ngành y tế phải có sự phối hợp với lãnh đạo UBND cấp phường, xã trong quá trình giám sát và triển khai dập dịch; những hộ dân có xuất hiện dịch nhưng không để cơ quan chức năng xử lý thì phải có biện pháp xử phạt hành chính. Ngoài ra, đối với bệnh TCM, Sở Y tế TP yêu cầu các cơ sở y tế tuyến quận, huyện vẫn thực hiện việc điều trị theo phác đồ cũ. Nếu như dịch TCM vẫn không giảm thì sẽ triển khai công tác dập dịch sau khi kết thúc chiến dịch tiêu diệt dịch SXH.

Theo HNM

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất