Mặc dù các cơ quan chức năng đã có nhiều giải pháp ngăn chặn nạn thuốc lậu, thuốc giả; thế nhưng hàng loạt vụ thuốc chữa bệnh và thực phẩm chức năng giả bị cơ quan chức năng phát hiện đã gây tâm lý hoang mang trong nhân dân.
Từ “thuốc mẹt” chợ quê đến thuốc giả
Theo quy định của pháp luật, việc kinh doanh các loại thuốc chữa bệnh (cả đông dược và tân dược) phải tuân thủ theo các quy định của ngành và chỉ được bày bán tại các hiệu thuốc có giấy phép đăng ký. Thế nhưng, hiện nay các loại thuốc vẫn được bày bán tràn lan tại các chợ quê, lễ hội, điểm du lịch, thậm chí tại các cửa hàng tạp hóa.
Ở xã Nam Sơn, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, khi chúng tôi hỏi đường đến cửa hàng thuốc tây thì được một người dân cho biết: “Các chú phải đi 4km nữa sẽ đến cửa hàng tạp hóa ở thôn Sơn Nam. Tại đây, muốn mua loại thuốc nào chủ cửa hàng sẽ đáp ứng đầy đủ theo yêu cầu”.
|
Một cửa hàng tạp hóa có bán thuốc chữa bệnh tại thôn Sơn Nam, xã Nam Sơn, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. |
Theo lời chỉ dẫn, chúng tôi tìm đến một cửa hàng tạp hóa giữa thôn Sơn Nam, nhà cửa lụp xụp chỉ khoảng 10m2 nhưng hàng hóa chất đầy. Sau khi nghe chúng tôi trình bày nhu cầu muốn mua thuốc đau bụng, chủ cửa hàng lấy ra một hộp 20 viên nén màu vàng cho vào túi bóng. Sau khi nhận đủ tiền, chủ cửa hàng dặn: "Các chú nhớ uống 3 đến 5 viên/lần". Tôi hỏi thêm có bán thuốc đau đầu không thì chúng tôi được đưa vào bên trong gặp cụ ông khoảng 80 tuổi. Sau khi nghe trình bày, cụ ông nói: “Tôi chỉ bán những loại thuốc chữa các bệnh đơn giản thôi, chủ yếu cho người trong làng. Nếu các chú có nhu cầu thì mua, không thì thôi, tôi không ép”.
Tìm hiểu tại một số chợ nông thôn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, như: Chợ Ơn, xã Đồng Thịnh; chợ Yên Thạch, xã Yên Thạch, huyện Sông Lô…, chúng tôi thấy tình trạng bày bán “thuốc mẹt” diễn ra công khai hơn. Không cần đơn thuốc, người bán người mua trao đổi thuốc chữa bệnh như mớ rau, con cá.
Được biết, thời gian gần đây, các cơ quan chức năng phát hiện nhiều vụ sản xuất thuốc giả, điển hình như vụ sản xuất thuốc Vinaca ung thư CO3.2 làm từ bột than tre của Công ty Vinaca. Đáng nói là hơn 20 chi nhánh của công ty này có mặt tại các tỉnh, thành phố trên toàn quốc, không ai biết đã có bao nhiêu người bệnh từng sử dụng sản phẩm độc hại này. Cũng trong thời điểm diễn ra vụ việc, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã có Công văn số 6026/TTr-QLD gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố về việc phát hiện thuốc giả Zinnat 500mg film tablet trên thị trường. Đây là loại kháng sinh thông dụng trị các bệnh nhiễm khuẩn được bán khá phổ biến trên thị trường với giá từ 24.000 đến 27.000 đồng/viên. Trước đó, Trung tâm Kiểm nghiệm tỉnh Gia Lai lấy mẫu tại một cửa hàng thuốc tại thôn 2, xã Thắng Hưng, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai và phát hiện thuốc viên nang Lincomycin 500mg là thuốc giả, mạo danh Công ty Cổ phần Dược và vật tư y tế Thanh Hóa.
Cần giải pháp đồng bộ, hiệu quả
Theo cảnh báo của cơ quan chức năng, hiện nay các nhóm thuốc bị làm giả phổ biến là nhóm thuốc kháng sinh, giảm đau, hạ sốt và một số loại thực phẩm chức năng. Theo bác sĩ Hoàng Thị Trinh, Khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Trì (Hà Nội), nếu trong điều trị sử dụng phải thuốc giả, đặc biệt là kháng sinh mà “sai hoạt chất” người bệnh sẽ không khỏi bệnh, trái lại tình trạng nhiễm khuẩn còn nặng hơn, thậm chí dẫn đến biến chứng.
Nói về tình trạng thuốc giả xuất hiện trên thị trường, bác sĩ Trần Quốc Khánh công tác tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) cho biết: “Hiện nay có nhiều loại thuốc, thực phẩm chức năng được bán với giá cao, mang lại nguồn thu lớn cho nên có nhiều người sẵn sàng bất chấp đạo đức và pháp luật để kinh doanh phi pháp, như nhập khẩu không phép, không nguồn gốc, nặng hơn là thuốc giả. Mặt khác, do người bệnh vẫn còn thói quen tự ý mua thuốc khi chưa được các bác sĩ khám chẩn đoán bệnh và kê đơn, hoặc là tình trạng lạm dụng kháng sinh của một số người dân cũng tiếp tay cho thuốc giả”.
Được biết, hiện nay chế tài xử lý các hành vi sản xuất và buôn bán thuốc giả còn nhẹ, thậm chí chỉ bị xử phạt hành chính nên chưa đủ sức răn đe. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho tình trạng sản xuất và kinh doanh thuốc giả vẫn diễn ra. Để chấn chỉnh tình trạng này, ông Trần Hùng, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương đề xuất: Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cần phối hợp với Cục Quản lý thị trường và cơ quan công an trong việc chủ động kiểm tra, phát hiện thuốc giả, thay vì “một mình một trận tuyến” từ cấp phép, quản lý, thanh tra, kiểm tra. Nếu thực hiện được điều này sẽ tạo ra giải pháp đồng bộ để ngăn chặn nạn thuốc giả bày bán công khai trên thị trường và trả lại niềm tin cho người tiêu dùng, góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Bài và ảnh: PHẠM KIÊN/QĐND