Thứ Bảy, 28/9/2024
Chính sách
Thứ Bảy, 23/5/2009 9:10'(GMT+7)

Bảo hiểm nông nghiệp: Những vấn đề đặt ra

Nếu có bảo hiểm nông nghiệp, người chăn nuôi sẽ không phải lo lắng khi có dịch bệnh như thế này.

Nếu có bảo hiểm nông nghiệp, người chăn nuôi sẽ không phải lo lắng khi có dịch bệnh như thế này.

Nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, nền nông nghiệp Việt Nam thường xuyên phải hứng chịu hậu quả từ thiên tai. Dịch bệnh cũng thường xuyên xảy ra đối với gia súc, cây trồng gây thiệt hại vô cùng lớn cho người nông dân. Làm thế nào để giảm thiểu các rủi ro xảy ra trong hoạt động sản xuất, chăn nuôi?. Lời khuyến cáo được các chuyên gia, các cơ quan quản lý nhà nước đưa ra là muốn giảm thiểu rủi ro cần triển khai thực hiện bảo hiểm nông nghiệp cho diện tích cây trồng, vật nuôi. Lợi ích của việc tham gia loại hình bảo hiểm này đã rõ. Nhưng cho đến nay loại hình bảo hiểm này vẫn đang bị bỏ trống...

Ở Việt Nam, nông nghiệp còn chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế. Đại bộ phận dân số sống ở nông thôn, lấy sản xuất nông nghiệp làm nghề chính. Do cơ sở hạ tầng yếu kém nên nông nghiệp, nông thôn và nông dân thường xuyên phải gánh chịu hậu quả do thiên tai gây ra. Số lượng gia súc, gia cầm lớn, trong khi công tác chăm sóc, nuôi thả, phòng, chữa bệnh chưa được chuẩn hoá, khiến cho ngành chăn nuôi không những chịu tác động bởi thiên tai, mà còn bị tác động bởi dịch bệnh nên nhiều khi bị thiệt hại lớn... Trong điều kiện ấy, nếu nhìn về diện rộng, bảo hiểm nông nghiệp có một thị trường rất lớn. Tuy nhiên, thực tế lại hoàn toàn khác. Cho đến nay, có rất ít diện tích cây trồng và vật nuôi được bảo hiểm; rất ít gói dịch vụ bảo hiểm dành cho lĩnh vực nông nghiệp được thực hiện.

Trong những năm qua, Nhà nước đã coi bảo hiểm nông nghiệp như là một bộ phận trong chiến lược tài chính phát triển nông thôn. Đã có những quy định trong Luật; đã có một số văn bản, nghị quyết được ban hành về lĩnh vực này. Cụ thể, Điều 4, Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định: "Nhà nước có chính sách ưu đãi đối với các nghiệp vụ bảo hiểm phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là chương trình phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp"; Báo cáo của Ban chấp hành Trung ương tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X: “Xây dựng cơ chế bảo hiểm nông sản để chủ động bù đắp thiệt hại khi bị thiên tai hoặc khi giá cả biến động bất lợi, nhất là đối với lương thực”; Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 5 tháng 8 năm 2008 Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn về: “…Thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, bảo đảm mức sống tối thiểu cho cư dân nông thôn”; Chiến lược quốc gia phòng chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020: “Nghiên cứu xây dựng quỹ tự lực tài chính, quỹ bảo hiểm về thiên tai”; Nghị quyết số 22-NQ/CP, ngày 23 tháng 9 năm 2008 của Chính phủ về “Ban hành chính sách bảo hiểm nông nghiệp trong nền kinh tế thị trường”; Nghị quyết số 24-NQ/CP, ngày 28 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ “Đề án thí điểm bảo hiểm nông nghiệp”. Đề án này hiện đang được Bộ Tài chính cùng các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu xây dựng trình Chính phủ.

Mặc dù việc triển khai thực hiện bảo hiểm nông nghiệp đã được tiến hành từ nhiều năm nay, nhưng theo con số điều tra năm 2001 mới có khoảng từ 0,05 - 0,3% tham gia bảo hiểm và từ đó đến nay, thị trường này vẫn không có sự chuyển biến nào đáng kể. Lĩnh vực bảo hiểm nông nghiệp gần như vẫn bị bỏ trống. Người nông dân thì thờ ơ; doanh nghiệp thì ngại triển khai do tiềm ẩn nhiều rủi ro, phí bảo hiểm lại thấp...

Trong số 26 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ hiện nay, mới chỉ có 2 doanh nghiệp (Bảo Việt, Groupama) đang triển khai bảo hiểm nông nghiệp. Cụ thể:

Tổng công ty bảo hiểm Việt Nam đã tiến hành bảo hiểm cây lúa, mùa màng từ năm 1982 tại huyện Vụ Bản và Nam Ninh (Nam Định), nhưng không thành công; hiện nay đã dừng việc bảo hiểm. Từ năm 1993, bảo hiểm mùa màng đã được triển khai tới các hộ nông dân của 12 tỉnh trong cả nước, bao gồm An giang, Bình Đinh, Bình Thuận, Bắc Giang, Bến tre, Cà mau, Cần Thơ, Đồng tháp, Hà Tĩnh, Kiên Giang, Sóc Trăng và Vĩnh Long. Kết quả bảo hiểm này chưa thực ý nghĩa vì tổng diện tích được bảo hiểm chỉ chiếm khoảng 1,16% tổng diện tích gieo trồng toàn quốc năm 1995 và 0,27% năm 1997. Thời gian gần đây, Tổng công ty tiến hành bảo hiểm cây cao su, bạch đàn, vật nuôi (bò sữa). Tuy nhiên, tổn thất quá lớn, hiệu quả thấp. Rừng và cao su (2 sản phẩm bảo hiểm cây công nghiệp chính của Bảo Việt) cũng được bảo hiểm rất nhỏ so với diện tích gieo trồng thực tế: cao su được 10% (doanh thu phí bảo hiểm trong 3 năm 1996, 1997 và 1998 là 3,4 tỷ đồng, bồi thường 200 triệu đồng), còn rừng chỉ được bảo hiểm một vùng 20.000 ha ở Kiên Giang. Với bảo hiểm cây bạch đàn làm nguyên liệu giấy, mới chỉ bảo hiểm cho một dự án liên doanh trồng rừng: 44.000 ha trong 2 năm 1997, 1998 với phí bảo hiểm thu được 120.000 USD. Bên cạnh đó, bảo hiểm vật nuôi cũng đã được Tổng công ty triển khai một số nơi, nhưng hiệu quả mang lại không cao nên đã dừng triển khai.

Công ty TNHH bảo hiểm tổng hợp Groupama Việt Nam, mặc dù là nhà bảo hiểm nông nghiệp lớn và có nhiều kinh nghiệm tại Pháp và thế giới, song Groupama không thành công với bảo hiểm nông nghiệp ở Việt Nam, doanh thu thấp, bồi thường cao, liên tục lỗ từ khi thành lập đến nay. Trước đây, Groupama hoạt động chủ yếu tại các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long với việc cung cấp các dịch vụ bảo hiểm vật nuôi, cây trồng; bảo hiểm tài sản thiệt hại dùng trong sản xuất nông nghiệp, bảo hiểm việc cung ứng nguyên vật liệu thiết bị và bao tiêu các sản phẩm nông nghiệp; bảo hiểm tai nạn lao động nông nghiệp và trách nhiệm dân sự trong sản xuất nông nghiệp từ năm 2002. Groupama cũng đã thử nghiệm cung cấp dịch vụ bảo hiểm đối với các hoạt động ngư nghiệp, chủ yếu là đối với hoạt động nuôi tôm. Tuy nhiên, công ty đã chấm dứt cung cấp dịch vụ này sau một cơn bão gây ra thiệt hại nặng nề. Dù đã có nhiều cố gắng, nhưng doanh thu từ loại hình bảo hiểm nông nghiệp của Groupama cũng không đáng kể, tỷ lệ bồi thường lớn (năm 2005 tỷ lệ bồi thường lên đến 4.426%). Từ năm 2005, công ty mở rộng địa bàn hoạt động ra ngoài khu vực đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam Bộ đồng thời thu hẹp đối tượng bảo hiểm, theo đó chỉ bảo hiểm cho vật nuôi (bò và heo). Doanh thu bảo hiểm nông nghiệp thấp, chỉ đạt 11 triệu (năm 2007).

Qua phân tích kết quả triển khai bảo hiểm nông nghiệp của Bảo Việt và Groupama cho thấy, kết quả triển khai bảo hiểm nông nghiệp của Việt Nam rất hạn chế: Doanh thu phí bảo hiểm nông nghiệp hàng năm thấp, tỷ trọng doanh thu rất nhỏ so với phí bảo hiểm của toàn thị trường bảo hiểm phi nhân thọ: 0,069% (2004); 0,008% (2005); 0,012% (2006); 0,01% (2007). Việc triển khai bảo hiểm nông nghiệp không hiệu quả, tỷ lệ bồi thường trên doanh thu cao - trên 80%. Nếu tính các chi phí khác của doanh nghiệp bảo hiểm như chi quản lý, chi bán hàng, trích lập dự phòng nghiệp vụ thì kết quả triển khai nghiệp vụ bảo hiểm nông nghiệp bị lỗ.

Các chuyên gia cho rằng, bên cạnh vấn đề lỗ lãi là chuyện tất yếu của kinh doanh thì vấn đề khó nhất của bảo hiểm nông nghiệp là quản lý rủi ro. Bởi vì sản xuất nông nghiệp dàn trải trên diện rộng, quy mô sản xuất manh mún, không theo một quy trình khoa học lại thường xuyên chịu rủi ro từ thiên nhiên, dịch bệnh. Bên cạnh đó, hiện nay dịch vụ bảo hiểm hướng đến nông nghiệp rất ít. Chủ yếu là bảo hiểm các dịch vụ liên quan đến nông nghiệp chứ việc bảo hiểm đến tận cây lúa, con trâu... cho người nông dân là không có. Cái khó của triển khai bảo hiểm nông nghiệp là những vùng cần làm vì nhiều thiên tai lũ lụt thì không làm được. Đơn giản vì doanh nghiệp không đủ sức triển khai và người dân cũng không có điều kiện tham gia. Đối với các công ty bảo hiểm, họ là doanh nghiệp phải kinh doanh có lãi, không thể bắt doanh nghiệp thực hiện các nghiệp vụ không có lãi nếu không có sự bù lỗ. Do đó, Nhà nước phải có chính sách bù lỗ hay hỗ trợ rõ ràng thì doanh nghiệp mới dám làm.

Khuyến cáo của các chuyên gia là, muốn bảo hiểm được một sản phẩm thì nhà bảo hiểm phải quản lý được rủi ro. Đối với vật nuôi, cây trồng, ngoài việc bị tác động của thời tiết thì còn phụ thuộc rất nhiều vào người chăn nuôi, trồng trọt. Cụ thể, nuôi trâu bò phải có quy mô và phải theo các quy trình khoa học, phải được tiêm phòng. Trong khi đó, nông dân Việt Nam chăn nuôi không theo một quy trình nào cả, thả rông trâu bò trên núi, không có chuồng trại, không có chế độ cho ăn uống theo định lượng, chăn muôi theo kiểu manh mún, nhỏ lẻ... Vì thế doanh nghiệp không thể quản lý được. Với cách chăn nuôi và trồng trọt manh mún hiện nay thì doanh nghiệp rõ ràng là không mặn mà với bảo hiểm nông nghiệp. Ngược lại, đã có một số sản phẩm bảo hiểm thì người dân cũng không đủ điều kiện để tham gia.

Thực tế mỗi lần có biến cố, rất nhiều nông dân dễ dàng trở nên trắng tay, trở về với nghèo đói và không ai khác, Chính phủ sẽ phải hỗ trợ, ưu tiên những đối tượng chính sách, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, sinh sống tại những vùng có nhiều thiên tai hoặc dịch bệnh. Do đó, người nông dân vẫn rất cần đến sự hỗ trợ của Nhà nước, ngay cả khi tham gia bảo hiểm. Trong các biện pháp hỗ trợ, thì cách làm thông qua các chương trình bảo hiểm vừa bảo vệ được nông dân, vừa phát huy tính chủ động của họ và giảm được chi phí bao cấp từ ngân sách. Theo đó, các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ đứng ra bán bảo hiểm, khi xảy ra tổn thất, Chính phủ sẽ đóng góp một phần hoặc toàn bộ chi phí bồi thường cho phần vượt quá trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm.

Khi hình thức bảo hiểm truyền thống không phát huy tác dụng trong lĩnh vực nông nghiệp thì người ta đang hướng tới mô hình bảo hiểm theo chỉ số. Bảo hiểm theo chỉ số là dịch vụ bảo hiểm trong đó việc bồi thường được thực hiện dựa trên một chỉ số độc lập, khách quan được thiết kế làm trung gian phản ánh chính xác mức độ thiệt hại. Các chỉ số có thể được bảo hiểm là: mưa, nhiệt độ, mực nước, sông, tuyết... Bảo hiểm diễn ra khi vượt qua một ngưỡng đã được định trước. Ưu điểm của mô hình này là chi phí giao dịch bảo hiểm thấp, cấu trúc linh hoạt, có thể tái bảo hiểm.

Ngoài ra, có nhiều mô hình khác để thực thi bảo hiểm cho nông nghiệp như khuyến khích các mô hình bảo hiểm tương hỗ, dành độc quyền hay ưu tiên cấp giấy phép cho những doanh nghiệp bảo hiểm chuyên cung cấp các dịch vụ bảo hiểm nông nghiệp, bắt buộc nông dân tham gia một số loại hình bảo hiểm bắt buộc... Tuy nhiên, trong bất cứ mô hình nào, thì bảo hiểm nông nghiệp luôn cần vai trò hỗ trợ của Nhà nước, như vai trò một nhà bảo hiểm cuối cùng để bảo vệ người dân trước mọi thảm họa.

Bảo hiểm nông nghiệp là cần thiết và Nhà nước cũng muốn thúc đẩy triển khai nhưng rất khó, doanh nghiệp một mình làm không nổi, nông dân khó khăn khi tham gia. Muốn thực hiện phải có quyết tâm cao từ các phía Nhà nước, doanh nghiệp và người nông dân.

Các nước phát triển từ lâu đã có chính sách an sinh xã hội, nông dân cũng ít chỉ chiếm 10-15% dân số. Tại Việt Nam, nông dân chiếm tới 60-70%, nguồn lực tài chính lại yếu. Do vậy, chính sách hỗ trợ mới chỉ như cái chăn hẹp, kéo đầu này hở đầu kia. Hơn nữa, chỉ đạo của ta từ trước tới nay vẫn chỉ là ngắn hạn, chỉ quen với những vấn đề cần xử lý ngay, còn những vấn đề dài hạn hơn thì chưa có cơ chế để làm. Do vậy, đây là một quá trình, rất cần có thời gian để Nhà nước thay đổi chính sách quản lý, có thêm tích luỹ. Về các biện pháp hỗ trợ nông dân, Nhà nước không thể làm hết được, mà cần huy động toàn dân tham gia hỗ trợ những vùng bị thiệt hại, nhất là các tổ chức xã hội dân sự, Hội Chữ thập đỏ, cộng đồng... Bản thân người dân phải tự làm chủ cuộc sống của mình và phải có tiềm lực, bỏ thói quen nhận sự ban phát./.

ĐỖ VĂN HẢI, Bộ Tài chính

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất