Trong những năm gần đây, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (Bảo tàng PNVN) đã có nhiều đổi mới trong hoạt động giáo dục, thu hút công chúng, đặc biệt là giới trẻ đến với Bảo tàng. Trong đó nổi bật là việc đa dạng hóa các hình thức chuyển tải nội dung tuyên truyền, giáo dục truyền thống, lịch sử, văn hóa; những vấn đề đương đại của phụ nữ và trẻ em, làm nổi bật bản sắc của một bảo tàng giới năng động và độc đáo; chủ động tìm tòi những hướng đi thích hợp để tổ chức các hoạt động mang tính dài hơi, tạo nên nhiều sân chơi cho giới trẻ; đồng thời thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của một đơn vị truyền thông của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (Hội LHPN Việt Nam) trong Dự án thành phần số 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” (Dự án 8) thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giai đoạn 2021 - 2030.
NHỮNG KẾT QUẢ BƯỚC ĐẦU CỦA VIỆC ĐỔI MỚI HOẠT ĐỘNG TUYÊN TRUYỀN, GIÁO DỤC
Xác định là một trong những địa chỉ cung cấp các cơ hội học tập dành cho công chúng khi đến tham quan, Bảo tàng PNVN luôn quan tâm đến việc mang lại cho khách tham quan sự trải nghiệm thú vị bằng nhiều biện pháp sáng tạo; để Bảo tàng ngày càng trở thành một điểm đến thường xuyên và có chỗ đứng nhất định trong hệ thống các điểm đến văn hóa của cả nước và Thủ đô Hà Nội. Một số hoạt động tiêu biểu là:
Một là, tổ chức các hoạt động giáo dục, trải nghiệm gắn với trưng bày, tọa đàm.
Phát huy đặc trưng thế mạnh của một bảo tàng giới, Bảo tàng PNVN đã gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ chính trị của đơn vị truyền thông thuộc Hội LHPN Việt Nam, lắng nghe nhu cầu của công chúng để lựa chọn những hoạt động phù hợp. Điểm nổi bật nhất là tổ chức các hoạt động giao lưu, tọa đàm gắn với các trưng bày chuyên đề về những vấn đề xã hội đương đại của phụ nữ, trẻ em.
Từ năm 2022 - 2024, trong tổng số trên 45 sự kiện, triển lãm chuyên đề của Bảo tàng, đã có 20 triển lãm gắn với chủ đề - hoạt động giáo dục, trải nghiệm. Việc tổ chức khai mạc các cuộc trưng bày, triển lãm của Bảo tàng gắn với các hoạt động giao lưu, tọa đàm, trao tặng hiện vật... đã trở thành thường xuyên, được công chúng ghi nhận và đánh giá cao.
Có thể kể đến Triển lãm “Khát vọng hòa bình” với chương trình tọa đàm “Vì một nền hòa bình” có sự tham gia của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh; Luật sư Nancy Hollander; PGS. TS. Dương Văn Quảng; bà Nguyễn Thị Hoà, Nguyên Chính trị viên đội nữ lái xe Trường Sơn; bà Trần Hồng Dung, Phó Chủ tịch thường trực Câu lạc bộ “Mãi mãi tuổi 20”... Những câu chuyện đầy cảm xúc được các khách mời chia sẻ về hành trình cống hiến và dựng xây hòa bình của nhiều thế hệ người con Việt Nam và bạn bè quốc tế đã truyền cảm hứng sâu sắc đến những người tham dự. Chương trình tọa đàm đã tạo thành một điểm nhấn ấn tượng trong khuôn khổ Triển lãm “Khát vọng hòa bình”.
Triển lãm “Nơi tôi đến” tổ chức 6/4/2023 là kết quả hoạt động phối hợp giữa Bảo tàng PNVN, Đại học Xây dựng Hà Nội và Viện Khoa học xã hội Việt Nam giới thiệu về một nhóm nữ lao động di cư trên địa bàn Hà Nội. Ngoài việc trò chuyện, giao lưu với khách mời là những nữ lao động di cư - đại diện các “nhân vật chính” trong triển lãm, khách tham quan còn được trải nghiệm một số công việc để hiểu hơn về cuộc sống của họ...
Các khách mời tham gia Tọa đàm - Giao lưu trong khuôn khổ Triển lãm “Nơi tôi đến” (tháng 4/2023), sự kiện do Bảo tàng PNVN phối hợp với Đại học Xây dựng Hà Nội và Viện Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức.
Hai là, thực hiện tốt nhiệm vụ truyền thông của Hội LHPN Việt Nam.
Bằng những hoạt động sáng tạo, Bảo tàng PNVN đã hoàn thành tốt nhiệm vụ đơn vị truyền thông của Hội LHPN Việt Nam, tiêu biểu nhất là thực hiện hiệu quả Dự án 8: “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”.
Sau hơn 2 năm triển khai, đã có 9 sự kiện được tổ chức tại Bảo tàng và các địa phương thuộc địa bàn thực hiện Dự án 8, thu hút đông đảo công chúng tham gia. Những nội dung triển lãm, tọa đàm đã phản ánh các vấn đề thiết thực, gần gũi của mỗi địa phương, nhận được sự hưởng ứng và quan tâm của cộng đồng xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng. Nhiều tin bài, phóng sự truyền hình đưa tin về các sự kiện đã tạo sự lan toả lớn trong cộng đồng, tiêu biểu như các phóng sự “Ra khỏi màn sương” (VTV5-VTV1); “Ra khỏi màn sương - Những câu chuyện về tục bắt vợ” (Đài PT-TH Hà Nội); “Bảo tồn và phát huy kỹ thuật vẽ hoa văn sáp ong truyền thống của phụ nữ dân tộc” (VOV Văn hoá); “Sáp ong - Sắc chàm tôn vinh người phụ nữ vùng cao” (VTC16); “Phụ nữ dân tộc thiểu số hãy tự tin làm chủ cuộc sống” (VTV5); “Nâng cao nhận thức về vai trò, vị thế của phụ nữ” (VTV; Truyền hình Quốc phòng); “Sự kiện Xanh màu khát vọng” (Đài TH Quảng Bình)...
Những sự kiện tổ chức tại cơ sở không chỉ mang lại niềm vui, sự hứng khởi cho bà con dân tộc thiểu số tại địa phương mà còn tác động, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi dần nếp nghĩ cách làm của đồng bào, trước hết là cán bộ Hội Phụ nữ xã. Nhiều cán bộ Hội đã đi sâu đi sát, dẫn đầu mọi phong trào và truyền cảm hứng cho đồng bào dân tộc mình trong việc nâng cao nhận thức, thay đổi nếp nghĩ cách làm kinh tế... trở thành những gương tiêu biểu trong cộng đồng được Trung ương Hội LHPN Việt Nam vinh danh tặng Bằng khen như chị Kpă Hyư, chủ tịch Hội LHPN xã Ia Broái, huyện IaPa, Gia Lai.
Mới đây, ngày 3/10/2024 sự kiện “Nắng cao nguyên” gồm Tọa đàm và Triển lãm “Ước mơ của em” được Bảo tàng PNVN tổ chức tại Trường THPT Phan Bội Châu, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai đã mang lại những hiệu quả tích cực. Thông qua những câu chuyện, tấm gương vượt lên khó khăn để thành công, với những kiến thực trực quan, sinh động, sự kiện đã truyền cảm hứng và tạo ra một diễn đàn - không gian giao lưu bổ ích, thiết thực đối với cán bộ, nhân dân và học sinh trên địa bàn.
Các em học sinh chụp ảnh lưu niệm tại Chương trình “Nắng cao nguyên” do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức tại Trường THPT Phan Bội Châu, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai (tháng 10/2024).
Ba là, phối hợp tổ chức những sự kiện mang tính chiến lược, dài hơi.
Từ năm 2022 đến nay, Bảo tàng PNVN đã phối hợp với các tổ chức, đơn vị như: Ban Di sản ký ức, Câu lạc bộ “Mãi mãi tuổi 20”, Câu lạc bộ “Trái tim người lính”, Trung tâm PT-TH Quân đội, Media 21... tổ chức hàng chục sự kiện có ý nghĩa, để lại ấn tượng sâu sắc với công chúng. Tiêu biểu như: Chương trình “Khát vọng Hòa bình” do Bảo tàng PNVN phối hợp với Cục Gìn giữ Hòa bình Việt Nam và Ban Di sản Ký ức tổ chức tháng 1/2023, trong đó điểm nhấn là Tọa đàm “Vì một nền hòa bình” và Triển lãm “Khát vọng Hòa bình”; Chương trình giao lưu, tọa đàm “Những bông lau bằng thép”, do Bảo tàng PNVN phối hợp với Trung tâm PT - TH Quân đội và Media 21 tổ chức năm 2023....
Các chương trình phối hợp tổ chức đều gắn với những chủ đề, vấn đề thời sự liên quan đến phụ nữ, tạo dấu ấn, ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong công tác truyên truyền, giáo dục, chẳng hạn như những câu chuyện xúc động về các “nữ chiến binh” tham gia lực lượng rà phá bom mìn khắc phục hậu quả sau chiến tranh; tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ; có mặt trên tuyến đầu phòng chống đại dịch COVID-19...
Bốn là, phát huy hiệu quả trong công tác phối hợp tổ chức các chương trình giáo dục đa dạng, gắn với tính giới.
Bảo tàng PNVN đã thường xuyên phối hợp với các cơ sở giáo dục, câu lạc bộ tổ chức những chương trình giáo dục dành cho lứa tuổi học sinh mầm non, tiểu học, trung học cơ sở gắn với những chủ đề như: Giáo dục giới tính; Tình yêu của mẹ; Di cư; Vẻ đẹp và bản sắc; Quyền trẻ em; Chuyến đi của giọt nước; Vẽ hoa văn sáp ong... thu hút sự tham gia của cả các trường học thuộc hệ thống ngoài công lập, trường quốc tế và các nhóm phụ huynh. Đặc biệt, chương trình giáo dục trải nghiệm về kỹ thuật vẽ hoa văn sáp ong của phụ nữ dân tộc Mông và Dao Tiền đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo công chúng cả trong và ngoài nước; riêng năm 2024 chương trình này đã thu hút hơn 3.000 lượt khách tham gia các hoạt động giáo dục trải nghiệm.
Nhiều chương trình, hoạt động giáo dục cũng đã gây được ấn tượng tốt, thu hút sự tham gia của không chỉ đông đảo công chúng trong nước mà còn có nhiều sinh viên nước ngoài, như “Tình yêu của mẹ”; “Gấp giấy Origami”; “Vẽ hoa văn sáp ong”, “Đi tìm hiện vật”...
Năm là, tổ chức các hoạt động sáng tạo của Phòng khám phá.
Phòng khám phá Bảo tàng PNVN được xây dựng từ năm 2012 và thường xuyên được nâng cấp nhằm không ngừng thu hút công chúng trẻ Thủ đô và khu vực lân cận; được đánh giá là một trong những không gian hấp dẫn trong hệ thống các bảo tàng Việt Nam; lượng khách luôn được duy trì thường xuyên; là điểm đến và không gian tập ngoại khóa bổ ích cho học sinh mẫu giáo, tiểu học về kỹ năng sống và giáo dục về giới, giới tính...
Bên cạnh đó, Bảo tàng còn phối hợp với nhiều câu lạc bộ nghệ thuật để tổ chức hoạt động cho trẻ em trong dịp hè, như “Câu lạc bộ nghệ thuật Artstar” với các hoạt động đa dạng (MC nhí, học vẽ sáng tạo, kỹ năng nhiếp ảnh, kỹ năng sử dụng Smartphone thông minh, ảo thuật đường phố...) giúp các bé có thêm kỹ năng sống và kiến thức phục vụ cho việc học tập và hoạt động nghệ thuật trong tương lai. Phản hồi tích cực từ các bé và phụ huynh giúp cho Bảo tàng tự tin hơn để tiếp tục triển khai các câu lạc bộ sinh hoạt thường niên, tạo điểm đến, là nơi sinh hoạt ngoại khóa cho trẻ em trong dịp hè.
Từ tháng 10/2024, Bảo tàng đã phối hợp tổ chức các hoạt động như vẽ mỹ thuật chuyên sâu, thiết kế sơ đồ tư duy, mô hình đồ chơi, steam... dành cho trẻ em tại Phòng khám phá vào dịp cuối tuần, bước đầu được ghi nhận tốt.
Sáu là, chương trình trải nghiệm đặc biệt “Huyền thoại tuổi thanh xuân”.
Với mong muốn làm phong phú hơn các hoạt động tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử của phụ nữ Việt Nam tới công chúng trong nước và quốc tế, Bảo tàng PNVN đã phối hợp với đạo diễn Lê Quý Dương tổ chức Chương trình trải nghiệm đặc biệt “Huyền thoại tuổi thanh xuân” nhằm tái hiện hình ảnh tiểu đội anh hùng của 10 cô gái thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh). Cùng với hệ thống trưng bày thường xuyên, chương trình là sự kết nối và bổ sung vào hoạt động tương tác trải nghiệm cho công chúng và khách tham quan có nhu cầu tìm hiểu về những câu chuyện lịch sử của phụ nữ Việt Nam với thông điệp “Sống một đời đáng sống”.
Chương trình trải nghiệm đặc biệt “Huyền thoại tuổi thanh xuân” của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.
NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA
Trong bối cảnh mới, công tác và hoạt động tuyên truyền, giáo dục trong bảo tàng đã có nhiều thay đổi. Đòi hỏi các bảo tàng nói chung, Bảo tàng PNVN nói riêng phải có nhận thức đầy đủ, khách quan, khoa học hơn trong tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, thu hút công chúng đến với bảo tàng, làm tròn sứ mệnh “bảo tàng của công chúng”. Theo đó, cần phải xác định:
Thứ nhất, công chúng có vai trò quan trọng đối với hoạt động của bảo tàng.
Cùng với quá trình phát triển của xã hội, bảo tàng giữ vai trò ngày càng lớn trong đời sống xã hội: là thiết chế tổng hợp, đa chức năng, ở đó công chúng/khách tham quan có thể học tập, nghiên cứu, giao tiếp, sáng tạo và nghỉ ngơi, giải trí. Theo đó, bảo tàng không chỉ là nơi gìn giữ di sản mà phải gắn kết với cộng đồng, bằng những nỗ lực chủ động để góp phần cải thiện xã hội.
Mục tiêu của bảo tàng phải là: hướng tới công chúng, vì công chúng và cho công chúng, bởi: “Các bảo tàng là để dành cho con người, và do đó tương lai của các bảo tàng phụ thuộc vào việc tự nâng cấp, tự phát triển để đáp ứng nhu cầu đã được thị trường chỉ rõ”(1).
Ngày 24/8/2022, trong khuôn khổ Kỳ họp Đại hội đồng Hiệp hội Bảo tàng Quốc tế (ICOM) lần thứ 26 diễn ra tại Praha, đã thông qua định nghĩa mới về bảo tàng: “Bảo tàng là một tổ chức không vì lợi nhuận, hoạt động lâu dài, phục vụ xã hội thông qua nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, diễn giải và trưng bày di sản văn hoá vật thể và phi vật thể. Mở cửa cho công chúng, dễ tiếp cận và bao trùm, bảo tàng thúc đẩy sự đa dạng và bền vững. Bảo tàng hoạt động và thực hiện truyền thông theo đạo đức, một cách chuyên nghiệp, với sự tham gia của cộng đồng, đem lại những trải nghiệm đa dạng cho giáo dục, tư duy và chia sẻ kiến thức”(2).
Định nghĩa mới này phù hợp với những thay đổi lớn về vai trò của bảo tàng hiện nay, thừa nhận tầm quan trọng của tính toàn diện, sự tham gia của cộng đồng và tính bền vững. Bảo tàng phải đáp ứng nhu cầu, mối quan tâm, kiến thức đa dạng và thỏa mãn nhu cầu giáo dục dành cho công chúng. Chính vì vậy, một bảo tàng thành công phải là bảo tàng của công chúng.
Thứ hai, vai trò của công tác giáo dục trong bảo tàng.
Theo Luật Di sản Văn hóa Việt Nam, Bảo tàng “là nơi bảo quản và trưng bày các sưu tập về lịch sử tự nhiên và xã hội nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, giáo dục, tham quan và hưởng thụ văn hoá của nhân dân”. Nội dung này đã khẳng định một trong những nhiệm vụ quan trọng của bảo tàng là tổ chức hoạt động giáo dục phục vụ công chúng, bên cạnh những nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày. Các nhà Bảo tàng học hiện đại còn khuyến cáo, trong tương lai “không nên quên giáo dục là một trong những chức năng chính của một bảo tàng và là lý do để bảo tàng tồn tại”(3).
Đặc biệt, năm 2024, Hiệp hội Bảo tàng Quốc tế (ICOM) khuyến khích các bảo tàng trên thế giới xây dựng hoạt động với chủ đề “Bảo tàng vì giáo dục và nghiên cứu” cho thấy tầm quan trọng của việc coi bảo tàng là một địa điểm phục vụ cho nhu cầu hoạt động giáo dục con người.
Với sự thay đổi về nhận thức từ chỗ bảo tàng lấy hiện vật làm trung tâm sang lấy cộng đồng xã hội làm trung tâm, thì vai trò công tác giáo dục trong bảo tàng ngày càng được coi trọng, đẩy mạnh, tác động mạnh mẽ, tích cực đến các hoạt động khác của bảo tàng.
Hoạt động giáo dục trong bảo tàng, với quan điểm coi khách tham quan là những người chủ động học tập, cũng có thể được gọi là hoạt động cung cấp cơ hội học tập cho công chúng tham quan bảo tàng.
Thứ ba, nhu cầu của công chúng và những vấn đề đặt ra đối với hoạt động giáo dục trong bảo tàng.
Công chúng hiện nay coi việc tham quan bảo tàng như một trải nghiệm xã hội; họ mong muốn có được các cuộc trưng bày mà ở đó “người xem” được tham gia, thực hành, trải nghiệm cùng các hiện vật để tìm hiểu kiến thức, thông tin và giải trí. Khách tham quan chủ động tìm hiểu, đối thoại, trao đổi để hiểu sâu sắc hơn về nội dung được trưng bày. Do vậy, bảo tàng cần xác định rõ nhiệm vụ cung cấp các cơ hội học tập phục vụ công chúng chứ không phải là “giáo dục khiên cưỡng”. Với quan điểm này, các hoạt động, các chương trình giáo dục của bảo tàng sẽ hướng tới phục vụ nhu cầu của công chúng, với sự tham gia của công chúng trong cả quá trình xây dựng kế hoạch và quá trình triển khai các hoạt động.
Theo đó, hoạt động tuyên truyền, truyền bá tri thức - giáo dục của bảo tàng không còn là sự chuyển giao một chiều từ “người giáo dục” (hướng dẫn, thuyết minh viên) sang “người được giáo dục” (khách tham quan) mà là sự trao đổi hai chiều, tác động ảnh hưởng lẫn nhau. Khách tham quan không chỉ quan tâm đến việc bảo tàng “dạy” gì cho họ, mà quan trọng hơn là “học bằng cách trải nghiệm như thế nào”. Công chúng được tiếp cận nhiều chiều để tự rút ra những trải nghiệm, tự đúc kết những bài học, những kiến thức mới cho mình.
Công chúng đến với bảo tàng gồm nhiều đối tượng khác nhau. Vì thế, bảo tàng cũng phải đáp ứng nhu cầu của các đối tượng công chúng khác nhau; cung cấp cái nhìn trực quan, sự tương tác, ngôn ngữ và cách thức kể chuyện đa dạng, qua đó hướng tới mục tiêu lớn: tạo ra một xã hội học tập suốt đời.
Trong bối cảnh mới, bảo tàng bị đặt vào thế cạnh tranh gay gắt với tất cả các lĩnh vực của ngành công nghiệp giải trí, từ công viên mang tính giải trí - thương mại đến trung tâm mua sắm cũng như giải trí tại gia đình... Điều này làm sụt giảm đáng kể số lượng khách đến tham quan. Vì thế, hoạt động của bảo tàng “không thể không thay đổi” nếu muốn hấp dẫn, thu hút, khuyến khích công chúng “tự nguyện” đến với bảo tàng ngày một nhiều hơn…
Trên thực tế, các bảo tàng tại Việt Nam cũng như trên thế giới đều đã có những chiến lược, chương trình nhằm thu hút khách tham quan. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là tính hiệu quả và những chỉ số kết quả đo đếm được từ những chiến lược, chương trình đặt ra.
Những vấn đề cả về mặt lý luận và thực tiễn nêu trên cũng là những vấn đề cấp thiết đặt ra trong hoạt động tuyên truyền, giáo dục đối với Bảo tàng PNVN trong tình hình mới. Đòi hỏi, cần tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, đánh giá, nhìn nhận đúng vai trò và tầm quan trọng của công tác giáo dục trong hoạt động của Bảo tàng thời gian tới. Coi đó là cơ sở xác lập chiến lược hoạt động phát triển của Bảo tàng, đồng thời, căn cứ vào chức năng, đặc trưng, thế mạnh của một bảo tàng giới để tổ chức đa dạng các hoạt động, đáp ứng nhu cầu chính đáng của công chúng và thu hút đông đảo công chúng đến với Bảo tàng.
Lễ cắt băng khai mạc “Không gian giao lưu văn hoá Việt - Nhật” tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (tháng 10/2020).
MỘT SỐ GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM TRƯỚC MẮT
Tạo ra những trải nghiệm học tập đa chiều, tương tác và gắn liền với cuộc sống.
Xu hướng của bảo tàng ngày nay là chuyển đổi từ “nơi lưu giữ quá khứ” sang “không gian học tập tương tác”. Theo đó, bằng cách tạo ra những trải nghiệm đa chiều, gắn kết chặt chẽ với cộng đồng và ứng dụng công nghệ hiện đại, các bảo tàng có thể phát huy hiệu quả vai trò giáo dục, góp phần nâng cao nhận thức lịch sử và văn hóa của công chúng. Đây chính là hướng đi mà Bảo tàng PNVN cần nghiên cứu và vận dụng sáng tạo, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của xã hội trong thời đại mới.
Phát huy vai trò của cộng đồng trong tổ chức hoạt động giáo dục.
Bảo tàng PNVN cần xác định rõ nhiệm vụ cung cấp các cơ hội học tập phục vụ nhu cầu đa dạng của công chúng, với sự tham gia của công chúng trong cả quá trình xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động. Để thực hiện hiệu quả sứ mệnh này, Bảo tàng cần tuân thủ một số nguyên tắc quan trọng trong việc lập kế hoạch và tổ chức hoạt động học tập, trong đó đặc biệt chú trọng 3 vấn đề: khả năng tiếp cận; khả năng thực hiện và giải pháp thực hiện.
Bảo tàng cần kết nối chặt chẽ với cộng đồng, lắng nghe nhu cầu của xã hội, cung cấp nội dung đa dạng phù hợp với nhiều đối tượng khác nhau. Chú trọng phát triển đội ngũ chuyên gia giáo dục, áp dụng các phương pháp và công nghệ hiện đại trong truyền tải kiến thức. Xác định rõ mục tiêu giáo dục trong chiến lược phát triển, xây dựng các chương trình phù hợp với nhu cầu học tập của công chúng, không ngừng đánh giá và cải tiến chất lượng hoạt động.
Quan tâm hoạt động truyền thông và maketting.
Cần quan tâm hơn trong việc định hướng chiến lược về truyền thông và maketting để thu hút nhiều đối tượng công chúng. Tiếp tục nghiên cứu tổ chức thường niên các hoạt động tọa đàm với các doanh nghiệp lữ hành, gặp mặt hướng dẫn viên du lịch không chỉ để quảng bá hình ảnh Bảo tàng PNVN mà còn là cơ sở để các công ty du lịch lựa chọn sản phẩm đưa vào chương trình tour cho du khách quốc tế.
Tổ chức các trưng bày chuyên đề về cuộc sống đương đại của phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là đối tượng yếu thế.
Trưng bày chuyên đề giữ vai trò không thể thiếu trong hoạt động của mỗi bảo tàng, tạo nên sức sống, sự tươi mới của bảo tàng. Chủ đề trưng bày nào được công chúng quan tâm, đáp ứng nhu cầu của họ thì trưng bày đó sẽ thu hút được công chúng. Thực tiễn hoạt động của Bảo tàng PNVN những năm qua cho thấy các trưng bày chuyên đề phản ánh cuộc sống đương đại, thể hiện tiếng nói của cộng đồng, đặc biệt là những nhóm phụ nữ, trẻ em yếu thế khác nhau trong xã hội là những trưng bày hấp dẫn, thu hút người xem.
Phát triển các dịch vụ đáp ứng nhu cầu toàn diện của khách tham quan.
Khách tham quan chụp ảnh lưu niệm tại không gian "Cà phê phố cổ" tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.
Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu hưởng thụ văn hóa của công chúng ngày càng cao, việc tổ chức các hoạt động dịch vụ phục vụ nhu cầu toàn diện của công chúng có chất lượng cao là một đòi hỏi chính đáng và tất yếu. Bảo tàng PNVN cần tiếp tục nghiên cứu, đưa ra các hoạt động phù hợp, mang dấu ấn văn hóa, tạo sự khác biệt với các nơi khác. Ngoài cửa hàng Cafe Museum, Bảo tàng cần quan tâm phát triển các sản phẩm ở Museum shop theo định hướng mỗi sản phẩm bán ra là một sản phẩm truyền thông, mang đặc trưng riêng của bảo tàng (khăn, bookmark mang hình logo bảo tàng, túi xách/bưu ảnh... in tranh cổ động của bảo tàng...). Đặc biệt, đây cũng là nơi giới thiệu, quảng bá sản phẩm cho phụ nữ dân tộc, góp phần tăng thu nhập cho chị em...
*
Sau gần 15 năm thực hiện đổi mới, Bảo tàng PNVN đã có những bước tiến vượt bậc với những trưng bày chuyên đề hấp dẫn và những hoạt động giáo dục cùng chương trình công chúng thực sự thu hút khách tham quan. Những nỗ lực tìm tòi, thử nghiệm khám phá tổ chức các hoạt động giáo dục để không ngừng đổi mới, thu hút khách tham quan của Bảo tàng đã được công chúng trong nước, quốc tế, nhất là giới trẻ ghi nhận. Những thử nghiệm thành công và chưa thành công trong thời gian qua sẽ là những bài học kinh nghiêm quan trọng trong thời gian tới, giúp cho Bảo tàng xác định được hướng đi đúng, mang lại cho Bảo tàng một sức sống mới để thu hút và hấp dẫn công chúng, nhất là giới trẻ, góp phần khẳng định và nâng cao vị thế, để Bảo tàng PNVN xứng đáng là “Bảo tàng dành cho tất cả mọi người”./.
ThS. NGUYỄN THỊ TUYẾT
Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam
____________________
(1) Timothy Ambrose và Crispin Paine: Cơ sở bảo tàng, Bản dịch của Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, 2000, tr.43.
(2) Nguyên gốc tiếng Anh: “A museum is a not-for-profit, permanent institution in the service of society that researches, collects, conserves, interprets and exhibits tangible and intangible heritage. Open to the public, accessible and inclusive, museums foster diversity and sustainability. They operate and communicate ethically, professionally and with the participation of communities, offering varied experiences for education, enjoyment, reflection and knowledge sharing”.
(3) Hooper-Greenhill E: Giáo dục bảo tàng, Cẩm nang cho người phụ trách, 1992a BH: 670.