Thứ Bảy, 23/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Năm, 7/1/2021 14:1'(GMT+7)

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng phát biểu chỉ đạo Hội thảo. (Ảnh: HMT)

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng phát biểu chỉ đạo Hội thảo. (Ảnh: HMT)

Đồng chủ trì Hội thảo có các đồng chí: GS. TS. Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an; Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng ban Ban chỉ đạo 35 Trung ương; GS. TS. Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Phó Trưởng ban Ban chỉ đạo 35 Trung ương.

Tham dự Hội thảo có Đại tướng Lê Hồng Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư, nguyên Bộ trưởng Bộ Công an; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ Công an; các nhà khoa học trong và ngoài lực lượng Công an nhân dân...

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh, những năm gần đây, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đẩy mạnh xuyên tạc, chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng với những âm mưu ngày càng thâm độc, những thủ đoạn ngày càng tinh vi. Do đó, ngày 22/10/2018, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Hội thảo khoa học cấp quốc gia là dịp để trao đổi, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW, từ đó nâng cao hơn nữa nhận thức về chủ trương, quan điểm bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, củng cố và tăng cường niềm tin, giữ vững mối quan hệ máu thịt giữa nhân dân với Đảng và với lực lượng Công an; xác định rõ nội dung, yêu cầu đặt ra đối với lực lượng Công an và các ngành hữu quan trong việc thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW; kiến nghị các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới...

Đại tướng Tô Lâm phát biểu khai mạc Hội thảo. (Ảnh: HMT)

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh, ngay từ những ngày đầu thành lập Đảng đến nay, ở bất kỳ giai đoạn cách mạng nào, nhất là những bước ngoặt, thời điểm khó khăn của cách mạng, nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch luôn có tầm quan trọng hàng đầu, gắn liền với nhiệm vụ trọng yếu bảo vệ con đường cách mạng, bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ, bảo vệ đất nước và nhân dân.

Thường trực Ban Bí thư nêu rõ, mục đích của Nghị quyết 35-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII là nhằm bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, củng cố và tăng cường niềm tin khoa học vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận xã hội và niềm tin của nhân dân với Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hoá trong nội bộ; làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động trong tình hình mới. Sau hai năm triển khai thực hiện Nghị quyết 35-NQ/TW, với sự chỉ đạo tập trung, thống nhất của Ban Chỉ đạo 35 Trung ương, sự phối hợp trách nhiệm, đồng bộ, hệ thống của các cơ quan, bộ, ngành, địa phương, sự vào cuộc quyết liệt, bền bỉ của các lực lượng, đơn vị chức năng, các cơ quan báo chí, truyền thông..., công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch đã đạt những kết quả bước đầu tích cực, góp phần quan trọng vào bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, xây dựng môi trường thông tin dân chủ, kỷ cương, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Đồng thời, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, phấn đấu sớm đưa nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI.

Đồng chí Trần Quốc Vượng lưu ý, kết quả bước đầu đạt được là rất quan trọng, song chúng ta không được chủ quan, thỏa mãn, cần thẳng thắn nhìn nhận, phân tích sâu những khó khăn, bất cập, thách thức mà thực tiễn đã và đang đặt ra để có chủ trương, giải pháp phù hợp trong thời gian tới.

“Thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý. Chính sự hiểu biết sâu sắc, nắm vững và vận dụng đúng đắn, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; những sáng tạo lý luận của Đảng ta về con đường phát triển đất nước phù hợp với quy luật khách quan, với thực tiễn Việt Nam và thời đại ngày nay; những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới do Đảng ta lãnh đạo và khởi xướng là những cơ sở, những luận cứ cơ bản, vững chắc để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phê phán, phản bác, ngăn chặn có hiệu quả những nhận thức lệch lạc, những quan điểm sai trái, thù địch. Đồng thời, chúng ta cần thường xuyên tổng kết kinh nghiệm lãnh đạo công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; kịp thời đề xuất bước đi, giải pháp phù hợp với tình hình mới, bảo đảm tính chủ động, kiên quyết, giành thắng lợi trên các mặt trận…”, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh.

Đồng chí Trần Quốc Vượng và các đại biểu. (Ảnh: HMT)

90 báo cáo khoa học của các đồng chí lãnh đạo, chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài lực lượng Công an nhân dân cùng nhiều ý kiến phát biểu, trao đổi tại Hội thảo đã đánh giá một cách toàn diện, cung cấp hàm lượng thông tin khoa học cao, luận giải những vấn đề lý luận và thực tiễn công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.

Thời gian qua, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả trên 200 kế hoạch đấu tranh phản bác, bảo vệ an ninh, an toàn, chống các thông tin, luận điệu xuyên tạc, vu cáo của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị chống phá các sự kiện chính trị trọng đại của Đảng, Nhà nước. Tổ chức các “chiến dịch truyền thông” quy mô lớn thông qua mạng xã hội thu hút hàng trăm triệu lượt tiếp cận, tương tác, đấu tranh vạch trần âm mưu, thủ đoạn kích động của các thế lực thù địch trên các trang thông tin quốc tế có xu hướng chống Việt Nam, các trang mạng xã hội cá nhân của số đối tượng chống đối trong và ngoài nước.

Phát biểu kết luận và bế mạc Hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng ban Ban chỉ đạo 35 Trung ương Võ Văn Thưởng nhấn mạnh: Trong bối cảnh hiện nay, các thế lực thù địch đã và đang triệt để lợi dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những hạn chế, khuyết điểm của một bộ phận cán bộ, đảng viên để chống phá Đảng, Nhà nước. Trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị càng đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động chống phá nhằm gieo rắc gây hoang mang, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Vì vậy, việc nhận diện đầy đủ các quan điểm sai trái, thù địch, làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn, phương hướng và giải pháp của cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay là nhiệm vụ cấp bách.

Đồng chí Võ Văn Thưởng phát biểu kết luận, bế mạc Hội thảo. (Ảnh: HMT)

Thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp. Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị sẽ không ngừng gia tăng các hoạt động chống phá trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa với phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt hơn, nhất là hoạt động tuyên truyền phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, Hiếp pháp, pháp luật của Nhà nước trên không gian mạng và các phương tiện truyền thông khác. Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch càng trở nên quan trọng hơn. Theo đó, trên cơ sở các báo cáo khoa học và tham luận tại Hội thảo, trong thời tới, chúng ta cần thống nhất một số nội dung sau:

Một là, tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân tự giác tham gia đấu tranh. Trong đó, cần tiếp tục phát huy vai trò tham mưu, điều phối, hướng dẫn của Thường trực Ban Chỉ đạo 35 các cấp trong tổ chức thực hiện Nghị quyết 35-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII, gắn với tổ chức thực hiện Kết luận số 53-KL/TW ngày 4/6/2019 của Ban Bí thư.

Hai là, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị, trong đó đồi hỏi có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của ngành Tuyên giáo và lực lượng Công an nhân dân. Lực lượng Công an xác định tiên phong đi đầu trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái trên cả 3 phương diện: nhận diện, tuyên truyền và trực tiếp đấu tranh, xử lý.  

Ba là, gắn kết chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, “xây” là cơ bản, “chống” phải quyết liệt, hiệu quả, không khoan nhượng; nâng cao khả năng tự phòng, chống của cán bộ, đảng viên và nhân dân trước âm mưu, thủ đoạn và hoạt động của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị.

Bốn là, chủ động nhận diện, làm rõ các luận điệu xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình hiện nay; xác định âm mưu, thủ đoạn, hoạt động tuyên truyền chống phá của các thế lực thù địch. Sáng tạo, nhạy bén trong việc nắm, dự báo sát, đúng tình hình trong nước, khu vực và thế giới có tác động trực tiếp tới Việt Nam; tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân, cán bộ, đảng viên; phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch. Từ đó, chúng ta chủ động cung cấp thông tin chính thống, góp phần định hướng dư luận.

Năm là, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý và sử dụng Internet, mạng xã hội. Trong đó, chú trọng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp lý và các giải pháp kỹ thuật phù hợp với sự phát triển nhanh của Internet, mạng xã hội trong tình hình mới. Kiên quyết đấu tranh, loại bỏ, ngăn chặn, xử lý đúng pháp luật đối với nhà mạng, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trang thông tin điện tử... và các cá nhân lưu trữ, cung cấp, đăng tải, phát tán thông tin giả mạo, sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, nói xấu, kích động, chống phá trên Internet, mạng xã hội.

Sáu là, phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, trước hết là người đứng đầu trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Đầu tư trang bị, phương tiện, công nghệ đấu tranh trên không gian mạng cho các lực lượng chuyên trách./.

Hoàng Minh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất