“Hãy bảo vệ tài nguyên nước, thích ứng với biến đổi khí hậu từ những
hành động nhỏ” là thông điệp được Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đưa ra tại Lễ
kỷ niệm Ngày nước thế giới (22/3) và Ngày khí tượng thế giới (23/3) năm
2018 do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức, được truyền hình trực tiếp
vào tối 22/3, tại Hà Nội.
Ngày nước và Ngày khí tượng thế giới là hai sự kiện quốc tế thường niên
quan trọng diễn ra vào tháng 3 hàng năm nhằm kêu gọi sự chung tay của
Chính phủ, người dân trên toàn thế giới để giải quyết, ứng phó kịp thời
với những thách thức về nguồn nước và biến đổi khí hậu đang ngày càng
gia tăng.
Cảnh báo thiếu nước sạch
Thông tin tại sự kiện, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết,
theo báo cáo của Liên hợp quốc, đến năm 2030, nhu cầu về nước của thế
giới sẽ tăng thêm 40% so với hiện tại. Trong đó, Việt Nam được cảnh báo
là quốc gia thiếu nước sạch.
Hiện tài nguyên nước của Việt Nam chỉ đạt mức trung bình kém của thế
giới với 3.600m³/người/năm, ít hơn 400m³/người/năm so với mức bình quân
toàn cầu. Thậm chí, đến năm 2025, lượng nước bình quân đầu người Việt
Nam chỉ còn một nửa con số này.
Cũng theo báo cáo, tài nguyên nước Việt Nam còn có xu thế suy thoái do
khai thác và sử dụng thiếu bền vững, chẳng hạn như việc bịt cửa các phân
lưu để khai thác các bãi sông trong đê sử dụng cho mục đích nông
nghiệp. Các sông nhỏ trong nội đô của các thành phố bị ô nhiễm nặng do
nước thải sinh hoạt, công nghiệp.
Hay việc xây dựng quá nhiều đập dâng thủy lợi và sử dụng hết lượng nước
cơ bản, tạo ra khúc sông “khô” dưới đập. Các đập thủy điện tạo ra khúc
sông “chết” dưới hạ lưu đập, tàn phá môi trường thủy sinh...
Ngoài các yếu tố tác động từ nhân tai, Việt Nam đang phải đối mặt với
thách thức to lớn do biến đổi khí hậu gây ra, đặc biệt là những hiện
tượng thời tiết cực đoan, thiên tai, bão lụt có mối quan hệ vô cùng mật
thiết với tài nguyên nước.
Để ứng phó với những thách thức nêu trên, Việt Nam đề cao việc bảo vệ và
quản lý nguồn nước, coi đây là một nội hàm quan trọng của “Chiến lược
phát triển bền vững của Việt Nam giai đoạn 2011-2020” và đang triển khai
“Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước đến năm 2020”.
Việt Nam đã và đang nỗ lực đóng góp trên bình diện hợp tác quốc tế trong
lĩnh vực này, từ khuôn khổ song phương, tiểu vùng, liên khu vực và toàn
cầu; tích cực tham gia các cơ chế hợp tác ASEAN về quản lý nguồn nước,
hợp tác APEC về ứng phó với thiên tai, đồng sáng kiến Diễn đàn hợp tác
Á-Âu, thúc đẩy hợp tác, trao đổi kinh nghiệm về quản lý nguồn nước giữa
các quốc gia ven sông.
Sẵn sàng với thay đổi thời tiết
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết, Việt Nam được biết đến là quốc gia có
nguồn tài nguyên đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, do tác động của biến đổi
khí hậu và các hoạt động khai thác, sử dụng nước chưa bền vững, nguy cơ
thiếu nước cho sinh hoạt và sản xuất do ô nhiễm môi trường…đang có xu
hướng diễn biến phức tạp.
Theo thống kê, hơn 60% lượng nước nước ta được sản sinh từ nước ngoài,
gây nguy cơ suy giảm, khó chủ động được về nguồn nước, gây tác động tiêu
cực cho các hoạt động phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và bảo
vệ môi trường ở vùng hạ lưu.
Đặc biệt, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang chịu những tác động to lớn
do biến đổi dòng chảy trong mùa lũ, suy giảm dòng chảy mùa kiệt, gia
tăng xâm nhập mặn, suy giảm hàm lượng phù sa, suy giảm nguồn lợi thủy
sản...
Nhu cầu nước gia tăng trong khi nguồn nước đang tiếp tục bị suy giảm,
đặc biệt là trong mùa khô. Tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngày càng tăng
cả về mức độ, quy mô, tập trung hầu hết các khu vực đô thị, khu công
nghiệp, làng nghề.
Mặt khác, rừng đầu nguồn bị suy giảm, diện tích rừng không được cải
thiện, chất lượng rừng kém là nguyên nhân chính góp phần làm cho nguồn
nước cạn kiệt.
Cùng với đó, mỗi năm đất nước ta phải hứng chịu ảnh hưởng của nhiều loại
hình thiên tai có nguồn gốc khí tượng thủy văn gây ra như bão, áp thấp
nhiệt đới, mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, hạn hán…với tần suất và cường độ
ngày càng gia tăng.
Cũng theo số liệu thống kê, năm 2017 được biết đến với những kỷ lục về
thiên tai với 16 cơn bão, 4 áp thấp nhiệt đới, nhiều đợt mưa lớn gây lũ,
lũ quét sạt lở đất ở nhiều nơi trên cả nước gây thiệt hại lớn đến tài
sản và tính mạng của nhân dân.
“Điều này cho thấy Việt Nam đã và đang phải đối mặt với những diễn biến
bất thường của thời tiết, khí hậu, những thách thức to lớn về tài nguyên
nước nếu không có ngay những biện pháp quản lý, thích ứng phù hợp”, Thứ
trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh.
Hãy bắt đầu từ những hành động nhỏ
Cũng theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, trong những năm qua, các hoạt động
hưởng ứng Ngày nước và Ngày khí tượng thế giới đã tạo được những tác
động lan tỏa to lớn trên khắp cả nước với nhiều hoạt động thiết thực,
hiệu quả của các Bộ, ngành, đặc biệt là các cấp chính quyền và nhân dân
các địa phương.
Vì vậy, để phát huy những kết quả quan trọng đó, đồng thời để hưởng ứng
Ngày nước và Ngày khí tượng thế giới 2018, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đề
nghị mỗi cá nhân hãy cùng chung tay, góp sức bảo vệ nguồn nước thông qua
sử dụng hợp lý, tiết kiệm nguồn nước trong sinh hoạt hàng ngày và trong
hoạt động sản xuất.
Bảo vệ môi trường thiên nhiên, lấy các giải pháp từ tự nhiên để phục
hồi, bảo tồn tài nguyên nước, ngăn chặn suy giảm tài nguyên nước, suy
thoái chất lượng nước.
Chủ động với mọi biến động của thời tiết khí hậu, tăng cường khả năng
chống chịu với các hiện tượng thời tiết cực đoan để giảm thiểu tới mức
thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra.
“Hành động dù là nhỏ bé của mỗi người chúng ta nếu gộp lại của toàn cộng
đồng, của toàn xã hội sẽ tạo nên những hiệu quả to lớn, qua đó góp phần
phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và trên hết là nâng cao chất
lượng cuộc sống của người dân”, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân chia sẻ.
Nhân dịp này, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cũng kêu gọi các doanh nghiệp, tổ
chức, cá nhân đồng hành với Bộ Tài nguyên-Môi trường và ngành tài nguyên
môi trường trong công tác bảo vệ môi trường thiên nhiên, bảo tồn tài
nguyên nước, dự báo khí tượng thủy văn.
Bộ Tài nguyên-Môi trường mong muốn nhận được nhiều đóng góp về sáng
kiến, về đầu tư cho đổi mới công nghệ, tăng cường năng lực, ứng dụng
công nghệ cao góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng cảnh báo sớm, dự báo
gần, dự báo đúng các hiện tượng thời tiết; bảo tồn và nâng cao số lượng
và chất lượng tài nguyên nước; bảo vệ môi trường./.
Hùng Võ (Vietnam+)