Thứ Bảy, 28/9/2024
Diễn đàn
Thứ Năm, 26/11/2009 9:44'(GMT+7)

Bắt đầu từ người mua sắm "khổng lồ"

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Người mua sắm "khổng lồ"...

Không phải ngẫu nhiên mà không ít chuyên gia kinh tế gọi các cơ quan nhà nước là người mua sắm "khổng lồ". Viện dẫn cho điều này, ông Phạm Đình Cường, Cục trưởng Cục quản lý Công sản (Bộ Tài chính) cho biết: Việt Nam là một nước đang phát triển nên nhu cầu mua sắm công để phục vụ hoạt động của cơ quan, tổ chức nhà nước chiếm tỷ trọng lớn. Chỉ tính riêng dự toán ngân sách Trung ương năm 2009, tổng chi cân đối ngân sách Trung ương là 314.544 tỷ đồng. Trong đó chi cho phát triển sự nghiệp kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh và quản lý hành chính sự nghiệp là 160.231 tỷ đồng, trong số này khoảng 20% được chi cho mua sắm công. Cũng theo Cục Quản lý Công sản, trong năm 2008, tổng số tiền chi sai trong việc mua sắm tài sản công đã vượt gấp đôi năm 2007, lên tới 228 tỷ đồng. Trong đó, có nhiều đơn vị đã dùng tiền ngân sách mua sắm máy móc, thiết bị không phù hợp, hoặc không thể sử dụng được. Tuy nhiên, đây chưa phải là con số cuối cùng, khi mà có tới 27/39 bộ, 37/64 địa phương... không báo cáo về mua sắm công. Thất thoát, lãng phí của mua sắm công đang trở thành nỗi lo lớn cho quản lý ngân sách năm 2009, nhất là khi lượng tiền rất lớn được tung ra để kích cầu nền kinh tế.

Trong khi cuộc vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt đang diễn ra sôi nổi thì tại nhiều cơ quan nhà nước lại quay lưng với việc ủng hộ và sử dụng hàng sản xuất trong nước. Không quá khó khăn khi tìm hiểu tại không ít văn phòng cơ quan Nhà nước, rất nhiều đồ dùng các doanh nghiệp trong nước có thể sản xuất được nhưng tại đây vẫn dùng rất nhiều hàng ngoại (dễ nhận thấy nhất là bộ ấm chén Trung Quốc, Thái Lan, rồi hàng loạt các trang thiết bị, vật dụng lẽ ra hoàn toàn có thể là hàng nội, nhưng lại toàn là hàng ngoại nhập...). Mới đây, tại một cuộc hội thảo về khuyến khích hàng Việt được tổ chức bằng tiền ngân sách, ban tổ chức còn phát cho người tham dự bút kim… Trung Quốc. Những ví dụ “đời thường” như vậy có mặt khắp mọi nơi, ai cũng có thể thấy ngay, nhưng điều làm nhiều người lo ngại nhất chính là “hậu trường” các dự án mua sắm, đầu tư công.

Với việc Nhà nước chiếm tới 43% tổng đầu tư xã hội và là “khách hàng” lớn nhất của nền kinh tế, việc dùng hàng nội không còn là chuyện sở thích mà là vấn đề có tính quốc gia. Vì ngoài sự “sính ngoại” của những công chức có quyền ra quyết định mua sắm, không ít chuyên gia chỉ rõ: nguyên nhân sâu xa khiến hàng Việt “khựng chân” trước cổng cơ quan công quyền là vấn nạn “hoa hồng”. Với tiềm lực hạn chế, phần lớn doanh nghiệp Việt khó “đua” với doanh nghiệp ngoại trong việc chung chi. Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành không ngần ngại cho rằng, chính “hoa hồng” đã khiến nhiều vị quan chức, công chức sẵn lòng chọn công nghệ cũ nước ngoài giá cao dù sản phẩm trong nước đã làm được với giá thấp hơn.

Bắt đầu từ mua sắm công

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, so với những lần trước, cái hay nhất của cuộc vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt lần này là làm rõ đối tượng của cuộc vận động là ai? Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến đối tượng là cơ quan nhà nước, các đơn vị chính trị, xã hội - cần phải ưu tiên dùng hàng nội khi mua sắm công. Trước đây, việc dùng hàng Việt chỉ mới nhắm về phía người dân, còn các đơn vị nhà nước dường như “nằm ngoài” chương trình. Thực tế cho thấy, chỉ khi các cơ quan công quyền ưu tiên hàng nội, Doanh nghiệp nội từ hoạch định chính sách đến các dự án mua sắm, đầu tư công thì khi đó mới mong người Việt cũng cố công tìm hàng Việt để dùng, như người Nhật yêu hàng Nhật, người Hàn quốc yêu hàng Hàn vậy. Bởi người dân không muốn “yêu nước” bằng túi tiền của mình trong khi các vị công chức tiêu tiền ngân sách lại không thể hiện điều đó.

Bên cạnh đó, vấn đề được nhiều chuyên gia lưu ý là hệ thống pháp luật quản lý hoạt động mua sắm công phải tiếp tục được bổ sung và hoàn thiện. Thực tế cho thấy, không hiếm cơ quan nhà nước có sự thiên vị rõ ràng cả trong việc dành nguồn lực, tạo cơ hội làm ăn, lẫn trong tiêu thụ sản phẩm cho các Doanh nghiệp nước ngoài hơn là cho Doanh nghiệpViệt và hàng Việt. Các cơ quan nhà nước, các cấp chính quyền rất cần điều chỉnh các chính sách và cách xử lý cụ thể để hỗ trợ nhiều hơn cho phát triển sản xuất và thị trường trong nước theo tinh thần cuộc vận động lần này.

Mới đây, Việt Nam bắt đầu thực hiện mua sắm chính phủ điện tử thông qua hệ thống mua sắm chính phủ (EPPS) có tổng trị giá trên 60 tỷ (3,3 triệu USD). Theo đó, một loạt quy trình đấu thầu thông thường sẽ được thay thế bằng quy trình tự động, xử lý trên máy tính các khâu từ đăng tải kế hoạch đấu thầu, nộp hồ sơ dự thầu, kết quả đấu thầu... nên cả bên mời thầu và người tham gia đấu thầu không thể làm chệch hướng kết quả trúng thầu. Nhìn xa hơn thì dự án này, nếu thành công, cho thấy tính khả thi về việc quản lý tài sản và chi tiêu công. Ngoài việc Việt Nam chuẩn bị tham gia Hiệp định Mua sắm chính phủ, thì đấu thầu và quản lý tài sản công qua mạng là đòi hỏi bức thiết từ sự lãng phí, thất thoát rất lớn trong nhiều năm qua. Việc mua sắm, đấu thầu công khai qua mạng là một cách thức, dù không mới tại nhiều nước, nhưng sẽ là công cụ hữu hiệu hơn tại nước ta để quản lý chi tiêu, mua sắm nhà nước.

Tuy nhiên, công cụ sẽ chỉ trở thành vật trang trí nếu thiếu người vận hành có đầy đủ kỹ năng và trách nhiệm. Quá trình mua sắm phải được thực hiện trên tinh thần công bằng, các sản phẩm và dịch vụ được mua sắm phải tương xứng với số tiền bỏ ra; quan chức và nhân viên các cơ quan công quyền chịu trách nhiệm về hoạt động mua sắm công mà mình phụ trách. Đặc biệt, chi tiêu công phải có sự tham gia của người chủ đích thực của đồng tiền ngân sách là nhân dân - đó là nguyên tắc cao nhất xuyên suốt tính dân chủ, pháp trị, giám sát, công khai, minh bạch...

Ngọc Thanh, Bộ Tài chính

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất