Thứ Hai, 30/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Sáu, 7/11/2008 16:18'(GMT+7)

Bầu Chủ tịch UBND xã: Còn nhiều băn khoăn

Tuy đã là buổi thứ 3 thảo luận tại kỳ họp lần này, nhưng nội dung “nhân dân bầu Chủ tịch UBND xã” vẫn khiến nhiều đại biểu băn khoăn. Các ý kiến cho rằng, nếu dân bầu Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân xã thì nhiệm vụ của Chủ tịch này có khác gì so với Chủ tịch UBND hiện nay là do HĐND bầu. Các đại biểu cũng cho rằng, nếu thí điểm nhân dân bầu trực tiếp Chủ tịch UBND xã mà không bầu trực tiếp Chủ tịch UBND phường là không nhất quán trong công tác cán bộ.

Về việc bãi nhiệm, miễn nhiệm Chủ tịch UBND xã, theo đề án, việc miễn nhiệm Chủ tịch UBND xã do Chủ tịch UBND huyện quyết định, nhưng việc bãi nhiệm Chủ tịch UBND xã lại do HĐND xã quyết định là chưa hợp lý, “vì HĐND xã có bầu ra Chủ tịch UBND xã đâu mà bãi nhiệm. Do đó nên giao quyền bãi nhiệm Chủ tịch UBND xã cho Chủ tịch UBND huyện mới đảm bảo tính thống nhất”- Đại biểu Nguyễn Văn Luật (đoàn Kiên Giang) đề nghị.

Trình độ của Chủ tịch UBND xã cũng là vấn đề nhiều đại biểu quan tâm. Theo đại biểu Nguyễn Thanh Tân (đoàn Hà Tĩnh), hiện nay tại nhiều xã, Chủ tịch UBND và cán bộ xã có trình độ chưa hết cấp 2. Vậy với trình độ như vậy, họ sẽ đảm đương trọng trách của mình như thế nào và thực tế cho thấy, nhiều Chủ tịch xã do trình độ yếu đã gây rất nhiều thiệt hại cho dân. Đồng ý với quan điểm này, đại biểu Huỳnh Nghĩa (đoàn Đà Nẵng) đề nghị, đề án nên có quy định về nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho Chủ tịch xã và nhất thiết những người ứng cử chức Chủ tịch UBND xã phải có trình độ PTTH.

Các đại biểu cũng đề nghị khi thực hiện đề án phải quan tâm đến việc nảy sinh tiêu cực khi nhân dân bầu Chủ tịch UBND xã, như: bầu theo “cảm tính”, theo dòng họ... bởi trình độ dân trí nhiều nơi còn hạn chế, còn mang nặng tư tưởng phong kiến.

Thận trọng khi thực hiện thí điểm

Phần lớn ý kiến đại biểu đều cho rằng, phạm vi thực hiện thí điểm cả hai mô hình không tổ chức Hội đồng Nhân dân huyện, quận, phường và nhân dân trực tiếp bầu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã là quá rộng. Các đại biểu Huỳnh Nghĩa (đoàn Đà Nẵng), Lê Bá Nguyên (đoàn Quảng Trị) và một số đại biểu cho rằng, thí điểm rộng như vậy sẽ gây ra khó khăn khi thực hiện, bởi điều kiện kinh tế-xã hôi, dân trí mỗi nơi mỗi khác, nếu không tính trước được những kết quả thì sẽ gặp phải nhiều hậu quả không lường. Mới thực hiện thí điểm thì nên làm từ từ, từng bước, đánh giá những mặt được và hạn chế của mô hình thì sẽ thu được hiệu quả tốt hơn.

Giải trình thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn cho rằng, việc thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường trên 10 đơn vị tỉnh, thành với 101 quận, huyện và 483/1300 phường và nhân dân bầu Chủ tịch UBND thí điểm 385/9.100 xã (chiếm 4,22%) là số lượng thích hợp, nhằm đảm bảo tính đại diện các vùng, miền, khu vực trong cả nước và việc đánh giá được khách quan. “Nếu mà thí điểm ít quá thì sau này không đủ điều kiện để trình Quốc hội quyết định phương án nào”- Bộ trưởng Trần Văn Tuấn giải thích.

Các đại biểu cũng băn khoăn việc thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND lại không thực hiện ở thị xã, thành phố thuộc tỉnh và HĐND xã để có sự thống nhất về mô hình thí điểm. Đại biểu Ngô Văn Minh (đoàn Quảng Nam) và các đại biểu cho rằng, đã là thí điểm thì nên thực hiện trên tất cả các loại hình, vì nếu “chỗ này thực hiện, chỗ khác không thực hiện sẽ tạo nên sự không đồng đều, mặt khác sẽ gây khó khăn khi tổng kết, đánh giá”.

Về thời gian thực hiện thí điểm, một số đại biểu cho rằng, nên có thời gian xác định để việc đánh giá được cụ thể, toàn diện trong từng giai đoạn. Đại biểu Lê Minh Huệ (đoàn Bình Thuận) và nhiều đại biểu đề nghị nên thực hiện thí điểm từ năm 2009 đến năm 2011.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Văn Tuấn lại cho rằng, trong Dự thảo nghị quyết của Quốc hội xác định từ 2009 cho đến khi Quốc hội ra Nghị quyết mới về việc thực hiện thí điểm là hoàn toàn phù hợp. Sở dĩ xác định thời điểm kết thúc thí điểm như vậy là vì chưa thể khẳng định được kết quả tiến hành thí điểm. Mặt khác khi tổng kết các bước tiến hành sau khi thực hiện thí điểm, hoàn toàn phụ thuộc vào Nghị quyết mới của Quốc hội.

Buổi chiều, Quốc hội làm việc tại Tổ, thảo luận các dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Hình sự và dự án Luật Cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài./.

VOVNews

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất