Thứ Bảy, 23/11/2024
Cùng suy ngẫm
Thứ Sáu, 13/8/2021 8:50'(GMT+7)

Bệnh sính bằng cấp - cần điều trị từ gốc rễ

Ảnh minh họa / tuyengiao.vn

Ảnh minh họa / tuyengiao.vn

Nhiều ý kiến đa chiều, nhưng bao trùm vẫn là luồng ý kiến bày tỏ sự băn khoăn trước nạn “chạy bằng cấp” và hiện thực có phần vô lý về việc phải “lo” bằng cấp một cách hình thức, mà ít chú trọng đến năng lực thật của cán bộ trong quá trình đánh giá, sử dụng.

Chạy đua... bằng cấp?

Mới đây, một cán bộ nọ “ới” tôi qua điện thoại: “Cuối tuần, đồng chí phải sắp xếp về liên hoan với tôi nhé. Tôi vừa tậu thêm một cái bằng đỏ au nữa rồi đấy!”.

Nói rồi, anh kể về quá trình vừa học, vừa làm của mình. Vất vả, gian nan lắm, nhưng phải cố gắng theo đuổi đến cùng để có cái bằng không thể thiếu trong tiêu chí bổ nhiệm cương vị mới.

Câu chuyện tương tự như trên giờ diễn ra khá phổ biến, như thể cán bộ đang phải chạy đua kiếm tìm bằng cấp. Bởi lẽ, nếu cán bộ không sớm lên kế hoạch, tranh thủ thời cơ đi học cho đầy đủ bằng cấp thì dù có năng lực, thậm chí là có tài năng thì vẫn rất dễ rơi vào nguy cơ “giậm chân tại chỗ”. Hơn thế, có thêm bằng cấp, chứng chỉ là thêm phần danh giá, như thể con người ta được cộng đồng, tổ chức, dòng họ coi trọng hơn. Chính cái tâm lý xã hội ấy và tình trạng đề cao tiêu chí về bằng cấp, đã biến không ít cán bộ, đảng viên, công chức trở thành “nạn nhân” trên dặm dài kiếm tìm, chinh phục các loại bằng cấp, chứng chỉ. Ai cũng háo hức đi học, hoặc “ngậm đắng nuốt cay”, khắc phục mọi khó khăn để “theo nghiệp đèn sách”, đặng lấy được những loại giấy tờ để làm... tiền đề cho danh vọng. Cùng với đó là hệ lụy về nạn "chạy bằng", mua bằng, làm bằng cấp giả... gây nhức nhối xã hội; hay tình trạng cán bộ đua nhau ra nước ngoài “tìm kiếm bằng cấp”, dẫn đến một thực tế là hàng chục nghìn văn bằng quốc tế chưa đủ, hoặc không đủ điều kiện được công nhận, mặc dù người học đã bỏ ra chi phí rất lớn để sở hữu tấm bằng này.

Thực tế cho thấy, học là việc thiết yếu đối với mỗi con người nói chung, cán bộ nói riêng. Nó giúp cán bộ bồi đắp kiến thức, làm giàu tri thức, từ đó mà nâng cao năng lực, kỹ năng công tác, tạo thêm những giá trị nhân cách làm người, làm cán bộ. Và, theo ý nghĩa đích thực, tích cực thì bằng cấp là sự xác nhận có tính chất pháp lý, động lực phấn đấu cần thiết của các cá nhân trong quá trình tích lũy, học tập, nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Thế nhưng, nếu nhầm tưởng giữa việc học với việc thực hiện mục tiêu lấy bằng cấp; lẫn lộn giữa cái đích học để tiến bộ với học để tạo cái danh hão, cái vỏ bọc để tiến thân thì đó quả là một sai lầm, khuyết điểm nghiêm trọng!

Trong thực tiễn, có không ít cán bộ dù không nhiều bằng cấp nhưng sự trải nghiệm từ thực tiễn công tác, đúc rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc đã giúp họ trở thành những nhân tài của đất nước. Họ lăn lộn vào thực tiễn và được thực tiễn rèn giũa, kiểm nghiệm. Cũng qua đó, họ trở thành các cán bộ xuất sắc vì được học ở đồng đội, ở nhân dân, học qua công việc được giao trên cơ sở nền tảng lý luận cơ bản. Thế nhưng đáng buồn là hiện nay vẫn còn những cán bộ tài năng, đức độ, được đồng đội, đồng nghiệp nể phục, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tổ chức đoàn thể giao phó, nhưng vì nhiều lý do khác nhau lại không có điều kiện bảo đảm các tiêu chuẩn, tiêu chí về bằng cấp, chứng chỉ nên buộc phải “an phận” với những vị trí công tác không hề tương xứng. Bấy giờ, không ít ý kiến thẳng thắn, bày tỏ tiếc nuối: Đáng ra đồng chí ấy phải phát triển cao hơn; đáng ra tổ chức phải trọng dụng anh ấy. Đó là một sự lãng phí về nguồn lực con người.

Nói đến đây, chúng ta có thể liên tưởng về việc áp đặt tiêu chí bằng cấp chẳng khác gì một “chiếc còng”, vô tình trói buộc chính đội ngũ cán bộ. Thế nhưng trong thực tế, nhiều cán bộ chỉ dám rỉ tai nhau, chứ chưa dám thể hiện chính kiến, đề xuất với cấp có thẩm quyền về việc phải sớm nghiên cứu, tiếp thu, điều chỉnh các quy định một cách phù hợp. Thậm chí, nhiều cán bộ còn "mũ ni che tai", chấp nhận hiện tượng sính bằng cấp một cách đầy nghịch lý.

Việc trọng bằng cấp là một trong những nguyên nhân khiến hiện tượng dùng bằng giả và "chạy bằng cấp" đã và đang nở rộ; trở thành biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống được Ban Chấp hành Trung ương xác định trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII. Không ít câu chuyện về bằng cấp của cán bộ gây nhức nhối dư luận và tạo ra gam màu tối trong xã hội. Từ nguồn tin của quần chúng và qua thanh tra, kiểm tra, các cơ quan, tổ chức đã phát hiện nhiều người sử dụng bằng giả để được tuyển dụng vào cơ quan nhà nước, được thăng quan tiến chức, “leo cao, chui sâu” vào hệ thống chính trị. Với vi phạm này, nhiều cán bộ đã bị cách chức, giáng chức, buộc chuyển công tác và bị xử lý kỷ luật một cách nghiêm khắc; nhưng xem ra việc giải quyết thực trạng này mới ở phần ngọn. Vì vậy, việc chống tư duy sính bằng cấp, hành vi "chạy bằng", làm bằng giả cần phải có biện pháp có tính toàn diện, giải quyết vấn đề từ gốc rễ; mà trước hết phải bắt đầu từ việc sớm thay đổi tư duy, cung cách ứng xử của con người đối với bằng cấp.

Phải làm theo lời dạy của Bác Hồ


Chuẩn hóa tiêu chí bằng cấp đối với các chức danh cán bộ là việc phải làm, đây cũng là giải pháp quan trọng nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp và đáp ứng yêu cầu cao về trình độ, năng lực. Thế nhưng, nếu cứ xơ cứng áp đặt, mặc định bằng cấp, chứng chỉ là tiêu chí duy nhất bất biến thì vô hình trung, chúng ta đang tự tạo ra những hệ lụy, đi ngược lại với tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc trọng dụng, sử dụng cán bộ.

Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cố nhiên không coi nhẹ bằng cấp, Người chỉ phê bình thói chuộng bằng cấp, học “chỉ thích đỗ đạt bằng cấp” để “thăng quan tiến chức” mà không phải “học để làm việc, làm người, làm cán bộ”, “học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”. Hồ Chí Minh cũng từng nhiều lần răn dạy đại ý: nên bỏ tư tưởng không đúng, khinh lao động chân tay, chỉ trọng lao động trí óc, nên bỏ tư tưởng học văn hóa để tìm bằng cấp.

Theo Bác, chạy theo bằng cấp là một trong những tàn dư của chính sách giáo dục thực dân phản động. Trong thư gửi giáo viên, học sinh, cán bộ thanh niên và nhi đồng Hà Nội, ngày 31-10-1955, Bác căn dặn: Trước hết phải ra sức tẩy sạch ảnh hưởng giáo dục nô dịch của thực dân còn sót lại, như: Thái độ thờ ơ đối với xã hội, xa rời đời sống lao động và đấu tranh của nhân dân; học để lấy bằng cấp, dạy theo lối nhồi sọ.

Trong thực tiễn, việc đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ của Bác chưa bao giờ lấy bằng cấp làm tiêu chí căn bản; thậm chí nguyên tắc lựa chọn và sử dụng cán bộ của Hồ Chí Minh không hề có yếu tố “bằng cấp”. Điển hình nhất trong cách dùng cán bộ của Bác là trường hợp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong cuộc trả lời phỏng vấn nhà báo Pháp Daniel Roussel (năm 1992), Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại: “... Tôi được gặp Hồ Chủ tịch lần đầu tiên ở Trung Quốc năm 1940. Chính ở đó, một hôm Người đã đề nghị tôi nghiên cứu vấn đề quân sự. Tôi đã trả lời Bác là tôi quen cầm bút hơn cầm kiếm. Tôi đã nói nguyên văn như vậy... Hồ Chủ tịch trao cho tôi nhiệm vụ phát triển phong trào Việt Minh ở vùng Cao Bằng. Và Người nhắc lại, tôi phải chịu trách nhiệm về vấn đề tổ chức quân sự”. Cũng từ đó, một cán bộ từng là giáo viên dạy lịch sử, một nhà báo, không có bằng cấp cao về quân sự, đã từng bước trở thành vị tướng lừng danh của dân tộc và thế giới.

Quán triệt sâu sắc tư tưởng và noi theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phải chăng đã đến lúc chúng ta cần có tư duy, nhận thức đúng về vị trí, vai trò của bằng cấp, chứng chỉ. Quả đúng là bằng cấp phần nào thể hiện trình độ kiến thức, tư duy, trí tuệ, năng lực của mỗi người và đó là một trong những tiêu chí quan trọng để cơ quan có thẩm quyền thêm căn cứ đánh giá, tuyển dụng, bố trí, bổ nhiệm cán bộ. Tuy vậy, bằng cấp chỉ có giá trị khi người sử dụng phải được học hành, đào tạo nghiêm túc với một lượng kiến thức, trình độ, kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ đã được quy chuẩn và luật hóa theo quy định. 

Để phòng ngừa, trị bệnh "chạy bằng", sính bằng cấp, trong quá trình tuyển dụng, bố trí, bổ nhiệm cán bộ, nên xác định tiêu chí bằng cấp là điều kiện cần, chứ không phải là tiêu chí quan trọng nhất. Tuyển dụng, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ phải thông qua công tác sát hạch, kiểm tra một cách nghiêm túc, thực chất, khách quan, công bằng, minh bạch để tìm kiếm, lựa chọn những cán bộ, công chức có phẩm chất đạo đức trong sáng, có năng lực toàn diện để bố trí vào cương vị tương xứng. Trên thực tế, rất nhiều cán bộ dù không có nhiều bằng cấp, thậm chí là bằng cấp không cao nhưng vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, họ trở thành những điển hình tiêu biểu trong sự nghiệp cách mạng, được quần chúng yêu mến, kính trọng; được tổ chức ghi nhận, tín nhiệm bầu, đề cử lên các chức vụ chủ trì, chủ chốt trong hệ thống chính trị của Đảng, Nhà nước.

Vì thế, các cơ quan, tổ chức, cán bộ cần sớm nghiên cứu, xây dựng bộ tiêu chí khoa học để đánh giá thực chất trình độ, trí tuệ, năng lực thực tế của đội ngũ cán bộ, công chức, làm cơ sở để tuyển dụng, bổ nhiệm. Trong đó, việc xác định bằng cấp là một tiêu chí không thể thiếu, nhưng không vì thế mà xơ cứng, áp đặt theo lối: Nếu không có bằng cấp thì không thể cân nhắc bổ nhiệm, sử dụng, trọng dụng cán bộ./.

Theo qdnd.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất