Nhận lời mời của Bộ Ngoại giao Vương quốc Bỉ, từ ngày 3-4/11, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã sang thăm và tiến hành Tham vấn chính trị thường niên cấp Thứ trưởng Ngoại giao với Tổng Thư ký Bộ Ngoại giao Bỉ Dirk Achten.
Tại cuộc tham vấn, phía Bỉ đánh giá cao những thành tựu quan trọng mà Việt Nam đã đạt được trong phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế; coi trọng vai trò và vị thế ngày càng quan trọng của Việt Nam tại khu vực Đông Nam Á và trong ASEAN, đồng thời khẳng định mong muốn tăng cường hơn nữa mối quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với Việt Nam.
Hai bên hài lòng nhận thấy quan hệ hợp tác giữa hai nước trong những năm gần đây đã có những bước phát triển tích cực; nhất trí tiếp tục duy trì trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là cấp cao và tăng cường tiếp xúc, phối hợp chặt chẽ tại các tổ chức và diễn đàn quốc tế, nhất là tại Liên hợp quốc, Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM), trong khuôn khổ hợp tác ASEAN-Liên minh châu Âu (EU) và quan hệ Việt Nam-EU. Việt Nam cảm ơn Bỉ đã ủng hộ Việt Nam ứng cử thành công vào Hội đồng Kinh tế-Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC).
Bỉ khẳng định ủng hộ Việt Nam tăng cường quan hệ với EU, ủng hộ thúc đẩy việc sớm ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và cho rằng việc triển khai Hiệp định trong thời gian tới sẽ góp phần đẩy mạnh quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.
Trong những năm gần đây, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Bỉ đã không ngừng được mở rộng. Kim ngạch buôn bán hai chiều năm ngoái đạt 2,3 tỷ USD (tăng gần 28% so với năm 2013) và tính đến hết tháng Tám đã đạt 1,5 tỷ USD (trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt hơn 1 tỷ USD, nhập khẩu đạt 0,33 tỷ USD).
Về đầu tư, tính đến hết tháng Tám, Bỉ có 57 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký đạt 420 triệu USD, điển hình là Dự án Khu Công nghiệp Cảng quốc tế Đình Vũ-Cát Hải.
Hai bên tin tưởng Khóa họp lần thứ ba của Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác kinh tế Việt-Bỉ diễn ra ngày 23/11 sắp tới tại Brussels sẽ đề ra các biện pháp thiết thực, cụ thể nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác đầu tư giữa hai nước. Hai bên nhất trí cần tăng cường gặp gỡ, tiếp xúc giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước để kết nối đối tác, kể cả theo hình thức đối tác công-tư (PPP), tập trung vào các lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu và Bỉ có thế mạnh như dịch vụ hậu cần-cảng biển, khoa học-công nghệ, tăng trưởng xanh, vệ tinh, môi trường, y tế, giáo dục, du lịch…
Trên tinh thần hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, hai bên đã trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Về vấn đề Biển Đông, phía Bỉ chia sẻ quan điểm và ủng hộ cách tiếp cận của Việt Nam về việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực, tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 nhằm đảm bảo an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông./.
Theo VN+