Theo một nghiên cứu mới do Đại học Exeter (Anh) công bố ngày 2/4, nhiều nước trên thế giới có thể đứng trước viễn cảnh gia tăng nguy cơ thiếu lương thực do tình trạng biến đổi khí hậu sẽ gây ra các hình thái thời tiết cực đoạn nhiều hơn.
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát đối với 122 nước đang phát triển và kém phát triển, phần lớn ở châu Á, châu Phi và Nam Mỹ. Kết quả cho thấy các nước đều có nguy cơ mất an ninh lương thực nếu nhiệt độ toàn cầu tăng 1,5 độ C và 2 độ C so với nhiệt độ thời kỳ tiền công nghiệp. Tác động sẽ còn trở nên nghiêm trọng hơn đối với phần lớn các nước nếu nhiệt độ Trái Đất tăng 2 độ C.
Theo Giáo sư Richard Betts, Chủ nhiệm Khoa Tác động của khí hậu Đại học Exeter, biến đổi khí hậu sẽ dẫn tới hình thái thời tiết cực đoan hơn như mưa nhiều và hạn hán, gây tác động khác nhau ở nhiều nơi của thế giới. Ông nhấn mạnh các hình thái thời tiết cực đoan như vậy có thể làm tăng nguy cơ mất an ninh lương thực. Nghiên cứu cho thấy tình trạng ấm lên của Trái Đất sẽ dẫn tới tình trạng mưa nhiều hơn, gây lụt ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất lương thực. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp cũng có thể bị ảnh hưởng bởi nạn hạn hán xảy ra thường xuyên và kéo dài hơn tại một số khu vực.
Theo nghiên cứu, tình hình mưa nhiều hơn sẽ ảnh hưởng lớn nhất ở khu vực Nam Á và Đông Á với dự báo mực nước sông Hằng có thể tăng hơn gấp đôi nếu nhiệt độ toàn cầu ấm thêm 2 độ C. Giáo sư Betts cho rằng nếu nhiệt độ Trái Đất kiềm chế ở mức 1,5 độ C thì nguy cơ được cho là ít hơn so với mức 2 độ C tại gần 76% số nước đang phát triển./.
Theo TTXVN