Chủ Nhật, 29/9/2024
Môi trường
Thứ Sáu, 6/11/2009 10:41'(GMT+7)

Biến đổi khí hậu liên quan đến nhiều căn bệnh mới

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu phát biểu tại Hội thảo

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu phát biểu tại Hội thảo

Đó là khẳng định được đưa ra trong Hội thảo Á - Âu về Chia sẻ kinh nghiệm ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu và các bệnh mới nổi diễn ra hai ngày 4 và 5-11, tại Hà Nội. Hội thảo do Việt Nam và Hungary đồng tổ chức với sự tham gia của gần 200 đại biểu là các nhà hoạch định chính sách, các nhà khoa học đến từ các nước thành viên Á - Âu (ASEM), các đại sứ quán, lãnh sự quán của các nước ASEM tại Việt Nam…

TS Nguyễn Thái Lai, Thứ trưởng Bộ tài nguyên và Môi trường cho biết, các đợt nắng nóng, nhiệt độ tăng sẽ gây nên những tác động tiêu cực đối với sức khỏe con người, dẫn đến gia tăng một số nguy cơ đối với tuổi già, người mắc bệnh tim mạch, bệnh thần kinh. BĐKH làm tăng khả năng xảy ra một số bệnh nhiệt đới như sốt rét, sốt xuất huyết, làm tăng tốc độ sinh trưởng và phát triển nhiều loại vi khuẩn và côn trùng, vật chủ mang bệnh và tăng số lượng người bị bệnh nhiễm khuẩn dễ lây lan. Nước biển danag gây ảnh hưởng lớn đến các hoạt động sản xuất, đời sống, sức khỏe dân cư vùng đồng bằng ven biển.

Tiêu biểu cho những tác động trực tiếp và gián tiếp của BĐKH đến sức khỏe cộng đồng chính là những thay đổi trong các hoạt động của thiên tai. Số người chết sẽ nhiều hơn do gia tăng cường độ, tần suất của các cơn bão, lốc xoáy, mưa lớn gây lũ quét, ngập lụt lớn và sạt lở đất. Hạn hán xảy ra mạnh hơn có thể gây thiếu lương thực, nước uống cho nhiều vùng…

GS Anthony J MCMichael, thành viên Hội đồng Y khoa và Y tế quốc gia Australia dự đoán, các tác động về sức khỏe của hiện tượng BĐKH còn tiếp tục gia tăng trong vài ba thập kỷ tới và xa hơn nữa, sẽ có tính chất khác nhau giữa các khu vực, quốc gia và nhóm dân cư.

Cục trưởng Cục Y tế Quốc gia Hungary Ferenc Falus nhấn mạnh, khả năng đáp ứng hiệu quả của hệ thống y tế đối với các ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp của BĐKH là một thách thức lớn trên toàn thế giới. Đối với nhiều quốc gia, đầu tư kinh phí và nhân lực cho hệ thống y tế là vấn đề cấp thiết.

Theo ông Lai, ở Việt Nam, các tác động của BĐKH đến sức khỏe cộng đồng đã và đang diễn ra khá phức tạp và đa dạng. Tuy đã có một số kết quả nghiên cứu song chỉ mới dừng ở mức độ ban đầu cần được tiếp tục mở rộng nghiên cứu trên cơ sở hợp tác chặt chẽ giữa những chuyên gia về khí hậu, môi trường, y tế trong và ngoài nước.

Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu, Bộ Y tế đang xây dựng kế hoạch tổng thể ngành y tế nhằm giảm nhẹ các hoạt động ảnh hưởng tới sức khỏe do BĐKH ở Việt Nam giai đoạn 2010-2015. Các hoạt động sẽ tập trung vào việc: xác định các khu vực dễ bị ảnh hưởng do BĐKH, thiết lập hệ thống cảnh báo sớm về giám sát BĐKH, trong đó có việc giám sát phát hiện và cảnh báo sớm các bệnh truyền nhiễm gây dịch, đặc biệt các bệnh tái xuất hiện và mới nổi; xây dựng và nhân rộng các mô hình cộng đồng ứng phó với BĐKH; tổ chức tuyên truyền và nâng cao nhận thức cho cả cộng đồng về các ảnh hưởng của BĐKH tới sức khỏe, các nguy cơ phát sinh, phát triển các bệnh mới nổi do khí hậu gây ra; triển khai nhiều biện pháp tích cực nhằm giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm gây ra.

Bộ trưởng khẳng định, với tư cách là thành viên của ASEM, Việt Nam xác định trách nhiệm và quyết tâm giải quyết các nguy cơ do BĐKH gây ra, đồng thời Việt Nam mong muốn hợp tác với các quốc gia, các tổ chức trong khu vực và trên thế giới về phòng chống bệnh dịch liên quan đến BĐKH.

Đây là lần đầu tiên các nước ASEM cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm và tìm ra các giải pháp ứng phó với BĐKH và các bệnh mới nổi. Hội thảo diễn ra trong thời điểm một số quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam vừa phải hứng chịu những thiên tai, thảm họa như bão, lũ lụt, động đất, sóng thần và đại dịch cúm A (H1N1).


 

9 căn bệnh truyền nhiễm ở Việt Nam liên quan đến biến đổi khí hậu

TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và Môi trường, Bộ Y tế cho biết, ở Việt Nam, thời gian qua đã phát sinh 9 bệnh truyền nhiễm liên qua đến BĐKH, đó là:

Bệnh cúm A (H1N1): Tính đến ngày 15-10, Việt Nam đã ghi nhận 10.156 trường hợp dương tính với cúm A (H1N1) và đã ghi nhận 23 trường hợp tử vong.

Bệnh cúm A (H5N1): Từ tháng 12-2003 đến 9-2008 có 106 trường hợp mắc bệnh, trong đó 52 trường hợp tử vong tại 36 tỉnh, TP. So với năm 2007 số ca mắc giảm đi 2, số ca chết tăng 1. Năm 2008, có 5 ca mắc bệnh đều tử vong.

Bệnh sốt xuất huyết: Năm 1998, tỷ lệ mắc sốt xuất huyết cao nhất trong vòng 10 năm qua. Tuy nhiên, từ khi có Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống sốt xuất huyết, tỷ lệ mắc và tử vong do sốt xuất huyết giảm đi rõ rệt. Các tỷ lệ này có tăng lên vào năm 2007, 2008. Riêng năm 2008, tổng số mắc sốt xuất huyết là 81.888 ca, tử vong là 89 ca.

Bệnh sốt rét: Năm 1998, số ca mắc sốt rét là 72.091. Tỷ lệ bệnh giảm dần qua các năm và đến năm 2008 số ca mắc bệnh là 50.307, số tử vong là 18 ca. Số ca mắc năm 2008 giảm 15% do Chương trình phòng chống sốt rét được đẩy mạnh, công tác tuyển truyền cho người dân trong vùng sốt rét lưu hành được tăng cường. Tuy nhiên số ca tử vong lại tăng lên 20% so với năm 2007, số ca mắc, chết do sốt rét tập trung ở các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Bệnh tả: Trong các năm từ 2001 đến 2008 chỉ có ba năm phát hiện dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm có dương tính với phẩy khuẩn tả là năm 2004, 2007 và 2008. Năm 2008, dịch xuất hiện từ ngày 5-3 và đến ngày 30-11 đã ghi nhận 853 trường hợp dương tính với phẩy khuẩn tả tại 22 tỉnh, TP.

Bệnh thương hàn: Số ca mắc thương hàn có xu hướng giảm dần qua các năm. Trong năm 2008 có tổng số 1.532 ca mắc và không có ca tử vong. So với năm 2007 số mắc giảm 20%.

Bệnh tiêu chảy: Mặc dù các bệnh tiêu chảy, trong đó có tiêu chảy cấp liên quan rất nhiều tới tình trạng an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân kém. Các yếu tố này thường gia tăng sau các trận lũ lụt hay thiên tai khác. Tuy nhiênm tỷ lệ mắc và chết do tiêu chảy có xu hướng giảm trong vòng 10 năm qua.

Bệnh viêm não do virus: cũng giảm từ tỷ lệ 4 ca mắc/100.000 dân vào năm 1998 xuống còn 0,5 ca mắc/100.000 dân năm 2008.

Bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do virus (SARS): Ngày 23-2-2003, tại Việt Nam đã xuất hiện ca bệnh SARS đầu tiên. Tổng số bệnh nhân SARS đã ghi nhận là 63 ca, trong đó 5 trường hợp tử vong, các trường hợp tử vong đều là nhân viên y tế.


(Theo Nhân Dân)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất