“Theo những nghiên cứu gần đây, Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu do có bờ biển dài, lưu vực sông rộng lớn. Đến cuối thế kỷ 21, dự báo chỉ ra 40% diện tích vùng Đồng bằng sông Cửu Long, 11% diện tích vùng Đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các địa phương ven biển khác sẽ bị ngập nước. Thêm vào đó, 20% diện tích của Thành phố Hồ Chí Minh cũng có nguy cơ bị ngập. Theo đó, biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới 10% - 12% dân số cả nước đồng thời gây tổn thất 10% GDP.”
Thông tin trên được đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đưa ra tại Hội thảo chuyên đề "Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và củng cố an ninh năng lượng đảm bảo phát triển bền vững” và Triển lãm “Công nghệ năng lượng mới” diễn ra ngày 17/1, tại Hà Nội.
Đây là sự kiện quốc tế có quy mô lớn và nằm trong chuỗi sự kiện Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 3, do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với các tổ chức USAID, IFC, Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ, các tập đoàn công nghiệp ABB và GE… cùng một số bộ, ban, ngành trung ương và địa phương tổ chức.
Nguy cơ đến từ hai phía
Ông Nguyễn Văn Bình cũng nhấn mạnh: “Thực trạng biến đổi khí hậu hiện nay đang diễn biến phức tạp và nhanh hơn so với dự báo của các nhà khoa học.”
Theo Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương, những tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu sẽ càng ngày càng lớn và khó lường trong nhiều lĩnh các địa phương. Điều này làm gia tăng mức độ cạn kiệt tài nguyên và suy thoái môi trường.
Đây là một trong những nguy cơ gây chậm quá trình phát triển kinh tế - xã hội, làm mất đi nhiều thành quả đã đạt được. Bên cạnh những tác động tiêu cực trực tiếp, biến đổi khí hậu còn đe dọa đến an ninh lương thực.
Tại Việt Nam, biến đổi khí hậu đang làm gia tăng mức độ phụ thuộc năng lượng. Ở chiều hướng ngược lại, việc phát triển các nguồn năng lượng truyền thống lại đang là nguyên nhân gây ra hiệu ứng khí nhà kính. Và, đây cũng là tác nhân trực tiếp gây biến đổi khí hậu.
“Vì vậy, việc nghiên cứu, đánh giá mối tác động kép này để chủ động phòng chống biến đổi khí hậu và đưa ra các giải pháp củng cố an ninh năng lượng quốc gia đảm bảo phát triển bền vững là việc làm hết sức cần thiết,” đồng chí Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khẳng định.
Hội thảo chuyên đề "Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và củng cố an ninh năng lượng đảm bảo phát triển bền vững” và Triển lãm “Công nghệ năng lượng mới,” tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2019. (Ảnh: Vietnam+)
Thúc giục chuyển dịch nguồn năng lượng mới
Đóng góp ý kiện tại Hội thảo, ông John Kerry, cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Chủ tịch danh dự Quỹ Carnegie vì Hoà bình Quốc tế một lần nữa nhấn mạnh: “Thách thức biến đổi khí hậu là vấn đề rất lớn của thế giới, không riêng đối với Việt Nam. Hơn thế, biến đổi khí hậu luôn có mối quan hệ chặt chẽ với ngành năng lượng.”
Do đó, ông John Kerry cảnh báo, với tốc độ tăng trưởng năng lượng khá cao như hiện nay, Việt Nam sẽ cần phải quan tâm nhiều hơn đến việc thực thi những giải pháp hữu hiệu để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ngài cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ chia sẻ thêm: “Trên thế giới, nhiều quốc gia đã dần chuyển từ nguồn năng lượng truyền thống sang năng lượng mới và tái tạo. Đây xu thế chung để giải quyết vần đề phát triển năng lượng bền vững, giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu.”
Ông Micheal Greene, Giám đốc Quốc gia của Tổ chức USAID Việt Nam cũng đề xuất, Việt Nam cần định hình cụ thể một chiến lược an ninh năng lượng trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Cụ thể, Chính phủ cần thiết có cơ chế mạnh hơn nữa để thúc đẩy vai trò của năng lượng tái tạo.
Thêm vào đó, “việc thực thi chính sách về sử dụng năng lượng hiệu quả cần phải nghiêm túc nhằm giải quyết bài toán đảm bảo an ninh năng lượng cho Việt Nam trong dài hạn,” ông Micheal Greene thúc giục.
Tham gia sự kiện, các chuyên gia trong nước và quốc tế khác đã đóng góp nhiều ý kiến phân tích sâu sắc về tình trạng biến đổi khí hậu ở Việt Nam, trong đó tập trung vào những tác động tiêu cực đã xảy ra trong thời gian vừa qua tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và các giải pháp ứng phó.
Ngài John Kerry, cựu Ngoại trưởng Hoa kỳ, Chủ tịch danh dự Quỹ Carnegie vì Hoà bình Quốc tế phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2019, ngày 17/1. (Ảnh: Vientnam+)
Cùng với những ý kiến đóng góp, đại diện của Phái đoàn Liên minh châu Âu, ông Bruno Angelet đưa ra một số cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc thực thi các chính sách liên quan.
Ngoài ra, đại diện của Chương trình Aus4Reform (Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam) với tư cách là một trong những nhà tài trợ chính của Diễn đàn cũng cho hay, “sau hai kỳ tổ chức vào các năm 2017 - 2018, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm tổ chức cũng như xác định rõ các mục tiêu trọng điểm, bức thiết về kinh tế đang diễn ra, qua đó từng bước củng cố nền tảng tăng trưởng bền vững. Và, đây cũng là những nội dung chính được thảo luận tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019.” Đại diện từ Aus4Reform cũng đưa ra cam kết tiếp tục đồng hành cùng Diễn đàn Kinh tế Việt Nam.
Thay mặt Ban tổ chức, đồng chí Cao Đức Phát, Phó trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương đánh giá cao những nội dung đã được các đại biểu đề cập và thảo luận đồng thời ghi nhận đây là những ý kiến đóng góp có giá trị và cần thiết cho Ban Kinh tế Trung ương, để có thêm cơ sở để tham mưu cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về vấn đề về biến đổi khí hậu và an ninh năng lượng.
“Đặc biệt là trong năm nay, Ban Kinh tế Trung ương đang chủ trì sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Trung ương về ‘Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường’ và tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2007 của Bộ Chính trị về ‘Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050’,” đồng chí Cao Đức Phát chia sẻ./.
TTX