Chủ Nhật, 29/9/2024
Cuộc sống số
Thứ Tư, 24/3/2010 15:6'(GMT+7)

Bộ Công Thương đạt giải Ứng dụng CNTT hiệu quả nhất

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng, Trưởng Ban Chỉ đạo Tổ chức Giải thưởng CNTT-TT Việt Nam năm 2009. Ảnh tư liệu

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng, Trưởng Ban Chỉ đạo Tổ chức Giải thưởng CNTT-TT Việt Nam năm 2009. Ảnh tư liệu

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng, Trưởng Ban Chỉ đạo Tổ chức Giải thưởng CNTT-TT Việt Nam năm 2009 cho biết, giải năm nay thu hút số hồ sơ tham dự tăng gấp 3 lần so với năm đầu tổ chức, có 200 hồ sơ hợp lệ và 7 hồ sơ của các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài. Lĩnh vực xét giải năm nay cũng được mở rộng hơn năm ngoái, gồm 5 lĩnh vực: viễn thông (di động, điện thoại cố định và Internet), công nghiệp CNTT (phần mềm, nội dung số, doanh nghiệp CNTT-TT trẻ có triển vọng), đào tạo CNTT, ứng dụng CNTT và doanh nghiệp nước ngoài có đóng góp tiêu biểu cho sự phát triển của ngành CNTT-TT.
Dẫn đầu khối các cơ quan Nhà nước cấp Bộ, ngành năm 2009, Bộ Công Thương vinh dự được đánh giá là đơn vị ứng dụng CNTT hiệu quả nhất trong số các cơ quan Nhà nước cấp Bộ, ngành. Kết quả này đã phản ánh những nỗ lực không ngừng của các cấp lãnh đạo và cán bộ công chức viên chức Ngành Công Thương trong lĩnh vực CNTT. Trong thời gian qua, Bộ Công Thương luôn chú trọng và đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác quản lý điều hành, như: ứng dụng thư điện tử trong công việc; hội nghị trực tuyến giữa các vùng, miền; quản lý văn bản trên môi trường mạng, v.v... Năm 2009, Bộ Công Thương đã cung cấp trực tuyến toàn bộ bộ thủ tục hành chính do Bộ quản lý trên Trang thông tin điện tử www.moit.gov.vn (hiện có 207/207 thủ tục hành chính đạt mức độ 2, trong đó có 07 thủ tục hành chính đạt mức độ 3).
Công ty Điện toán và truyền số liệu VDC ẵm trọn toàn bộ bốn giải thưởng trong lĩnh vực Internet: Doanh nghiệp Internet xuất sắc nhất; Doanh nghiệp Internet đưa băng rộng đến các hộ gia đình xuất sắc nhất; Doanh nghiệp Internet chăm sóc khách hàng tốt nhất và Doanh nghiệp Internet cung cấp dịch vụ mới xuất sắc nhất. So với các nhà cung cấp khác như: Viettel, FPT Telecom, EVN Telecom hay CMC Telecom…thì rõ ràng VDC có lợi thế hơn hẳn do được thừa hưởng hạ tầng mạng lưới của VNPT.
Trong lĩnh vực di động, ít ai ngờ rằng “ngôi vương” của MobiFone sẽ bị thay thế bởi một mạng di động khác, nhất là khi mạng này cũng vừa được Tạp chí eChip Mobile vinh danh là “mạng di động được ưa chuộng nhất trong năm”. Thế nhưng, kết quả cuối cùng giải “Doanh nghiệp viễn thông di động xuất sắc nhất” lại thuộc về Viettel, chỉ hơn sát nút MobiFone có 3 điểm. Theo lý giải của Ban tổ chức, sự vượt trội về doanh thu là yếu tố làm nên thắng lợi của Viettel trước MobiFone. Tuy thua Viettel, nhưng MobiFone cũng được ghi nhận là mạng di động có “chất lượng chăm sóc khách hàng xuất sắc nhất”.
Bên cạnh đó, việc VinaPhone giành giải “Mạng di động cung cấp dịch vụ trả sau xuất sắc nhất” cũng là thay đổi ít ai nghĩ tới. Tuy nhiên, nếu biết rằng số thuê bao trả sau của mạng này phát triển được trong năm 2009 bằng 10 năm trước cộng lại và là mạng có số thuê bao trả sau nhiều hơn gấp rưỡi (1,6 triệu thuê bao) Viettel và MobiFone thì kết quả này không phải là bất ngờ. Ngoài ra, VinaPhone còn giành thêm Giải thưởng Doanh nghiệp viễn thông di động cung cấp dịch vụ mới xuất sắc nhất.
Ở giải doanh nghiệp làm phần mềm nội địa xuất sắc, việc Công ty cổ phần MISA vượt lên các tên tuổi lớn như FPT hay CMC để về nhất cũng là bất ngờ lớn. Nếu xét trên doanh thu và nhân lực, MISA với trên 89 tỷ đồng năm ngoái và trên 340 nhân viên không thể cạnh tranh được với các công ty lớn. Nhưng giải thưởng này còn có nhiều tiêu chí khác và MISA được đánh giá cao ở chất lượng và số lượng trên 40.000 khách hàng trong nước đang sử dụng sản phẩm.
Một sự đổi ngôi khá bất ngờ trong lĩnh vực công nghiệp CNTT là sự vươn lên của Elead. Trước năm 2009, ít ai nghĩ rằng Elead có thể thay thế ngôi vị máy tính thương hiệu Việt số một của Công ty máy tính CMS, nhất là khi công ty này chuyển sang lắp ráp máy tính cho các thương hiệu nước ngoài tại Việt Nam như HP và NEC. Tuy nhiên, với 70.000 máy tính bán ra và 50% thị phần máy tính thương hiệu Việt trong năm 2009, Elead đã thay thế CMS giành giải “Doanh nghiệp máy tính thương hiệu Việt Nam xuất sắc nhất năm 2009”.
Ở mảng nội dung số, VNG (tên mới của Công ty cổ phần tập đoàn Vina - VinaGame) với doanh thu gần 1.000 tỷ đồng năm ngoái đã vượt qua các đối thủ sừng sỏ trong lĩnh vực này để giành giải “Doanh nghiệp nội dung số xuất sắc nhất năm 2009”. Với quy mô (nhân lực và doanh thu) không có đối thủ, VNG còn giành thêm giải doanh nghiệp CNTT-TT trẻ có tiềm năng nhất và giải “Doanh nghiệp có sản phẩm nội dung số thương hiệu Việt thành công nhất” với sản phẩm cổng thông tin Zing, được đánh giá cao hơn báo điện tử VnExpress.
Trong lĩnh vực ứng dụng CNTT, nét mới của giải năm nay là cuộc đua tranh giữa các tỉnh. Ở khối UBND tỉnh, Lào Cai lâu nay được báo chí ca ngợi là “ngôi sao” tỉnh lẻ ứng dụng CNTT hiệu quả. Tuy nhiên, kết quả cuối cùng tỉnh này lại đứng sau Trà Vinh, địa phương có tỷ lệ cán bộ có máy tính, kết nối Internet và sử dụng phần mềm một cửa trội hơn. Ở khối các sở, ban ngành, giải nhất cũng thuộc về một đơn vị tỉnh lẻ là Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng cho biết, giải thưởng CNTT-TT năm tới có thể sẽ có những đổi mới về tiêu chí xét giải và mở rộng thêm các lĩnh vực khác. Bên cạnh đó, một số thành viên tham gia các hội đồng sơ khảo, chung khảo giải năm nay cũng đã gợi ý một số đổi mới cho giải. Trong một số lĩnh vực như di động và Internet, ông Mai Liêm Trực (nguyên Thứ trưởng Bộ BCVT, nay là TT&TT), thành viên Hội đồng Chung khảo Giải thưởng CNTT-TT năm 2009 cho rằng năm tới Bộ TT&TT nên mở rộng xét giải cả những đơn vị không gửi hồ sơ tham gia dự giải./.

Theo VEN
 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất