Thứ Hai, 30/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Tư, 12/11/2008 11:39'(GMT+7)

Bộ trưởng Công Thương bị truy trách nhiệm về xuất khẩu gạo

Là người đăng đàn thứ tư, song Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng là thành viên Chính phủ nhận được nhiều câu hỏi nhất, với 50 chất vấn của đại biểu, xoay quanh ba nhóm vấn đề lớn: điều hành xuất nhập khẩu, gian lận thương mại và sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Điện lực.

Gần hết nửa buổi chất vấn sáng nay, Bộ trưởng Hoàng phải nhiều lần giải đáp thắc mắc của các đại biểu khu vực ĐBSCL về điều hành xuất khẩu gạo, cho dù những vấn đề này ông đã giải trình bằng văn bản gửi đại biểu. Ngay cả khi chủ tọa phiên họp đề nghị chuyển sang bàn về các vấn đề khác, vẫn có đại biểu đăng ký hỏi thêm.

Đại diện cho cử tri tỉnh An Giang, đại biểu Phạm thị Hòa tỏ ra không hài lòng với phần giải trình bằng văn bản của người đứng đầu ngành Công Thương, cơ quan tham mưu cho Chính phủ về điều hành xuất khẩu gạo. Theo bà Hòa, cần tách bạch giữa lúa vào gạo, giá gạo mới là yếu tố ảnh hưởng tới lạm phát, còn lúa thì không. Bà cho biết thêm, nông dân nơi bà trúng cử cũng không hài lòng khi Bộ trưởng cho rằng bà con gieo cấy lúa chất lượng kém, không phục vụ cho xuất khẩu, vì lâu nay bà con vẫn trồng chủng loại lúa đó để sản xuất gạo 25% tấm xuất sang thị trường truyền thống Philippines.

Đại biểu Lê Thị Dung cũng cho rằng phần trả lời của Bộ trưởng Hoàng không làm thỏa mãn cử tri khu vực ĐBSCL và tiếp tục truy trách nhiệm người tham mưu cho Chính phủ khi để giá rớt thê thảm từ 1.200 USD mỗi tấn xuống gần 300 USD và sản lượng dự báo tăng thêm 2 triệu tấn mới đề nghị cho ký hợp đồng trở lại. "Trễ một giờ cũng gây thiệt hại cho nông dân. Vậy mà Bộ trưởng chỉ nhận trách nhiệm một phần, vì cơ chế điều hành bất cập, chưa kịp thời. Nhận trách nhiệm như vậy là chưa thỏa đáng", đại biểu Dung nhấn mạnh.

Trước bức xúc của các đại biểu, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng điềm đạm nhắc lại việc mình đã nhận một phần trách nhiệm trước Quốc hội. Và theo ông, điều hành xuất khẩu gạo là vấn đề phức tạp, phạm vi rộng, có thể có nhiều quan điểm khác nhau nên phần trả lời bằng văn bản có thể chưa thỏa đáng với bà con nông dân, cho dù Bộ đã cố gắng giải thích kỹ.

Bộ trưởng nhắc lại bối cảnh đầu năm 2008, khi thiên tai kéo dài, nhiều diện tích lúa bị ảnh hưởng gây khó khăn cho dự báo tình hình mùa vụ xuân ở phía Bắc. Trước tình hình đó, vấn đề đảm bảo an ninh lương thực trở nên rất quan trọng và giá lương thực tăng cao đe dọa tới mục tiêu kiềm chế lạm phát. Với các hợp đồng đã ký hết tháng 6, lượng gạo theo đơn đặt hàng lên đến 2,4-2,6 triệu tấn, nhưng thực tế doanh nghiệp mới xuất được hơn 800.000 tấn. Vì thế, sau khi nghe ý kiến của Bộ Công Thương và Nông nghiệp, Chính phủ quyết định tạm ngừng ký hợp đồng mới cho tới quý III.

"Tôi xin nhấn mạnh chưa bao giờ Bộ tham mưu và Chính phủ quyết định ngừng xuất khẩu, mà là tạm ngừng ký hợp đồng mới", Bộ trưởng Hoàng tách bạch. Bộ trưởng dẫn chứng trong thời gian ngừng ký hợp đồng, các doanh nghiệp vẫn xuất khẩu. Vì thế, 10 tháng đầu năm đã xuất gần 4 triệu tấn, kim ngạch 2,5 tỷ USD, bình quân mỗi tháng xuất gần 400.000 tấn, không thấp hơn năm ngoái. Tháng 11-12 có thể xuất khẩu thêm, đến hết năm sẽ xuất được 4,5-4,7 triệu tấn, bằng hoặc lớn hơn năm ngoái.

Tình hình lương thực thế giới thay đổi nhanh kể từ tháng 7, căng thẳng về gạo của nhiều nước cũng giảm đi nhiều. Bộ đã kiến nghị điều chỉnh kế hoạch xuất khẩu gạo và Chính phủ đồng ý cho ký thêm các hợp đồng mới. Tuy nhiên, Bộ trưởng Hoàng thừa nhận khi đó giá đã không còn cao như trước, cho dù tất cả các biện pháp đã được triển khai. "Tất nhiên giá không cao như trước, song tất cả các biện pháp cần thiết đã được triển khai. Chính phủ chỉ đạo ứng vốn cho hai doanh nghiệp để mua gạo cho nông dân. Đây là nỗ lực lớn của chính phủ, với mục tiêu vừa đảm bảo thu nhập của bà con".
VnExpress

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất