Ban tổ chức, Ban chỉ đạo các lễ hội cần đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn
cụ thể để người dân nâng cao ý thức, thực hiện nếp sống văn minh khi
tham gia lễ hội, nhất là trong việc đổi và sử dụng tiền lẻ tràn lan, đặt
tiền lễ, giọt đầu đúng nơi quy định, hạn chế đốt vàng mã, đồ mã, giữ
gìn vệ sinh chung trong không gian diễn ra lễ hội...
Các hiện tượng trong một số lễ hội dân gian như chém lợn, đâm trâu, treo đầu trâu, cướp lộc, đánh nhau… thời gian qua đã gây nhiều tranh luận, bức xúc trong dư luận xã hội. Những lễ hội còn cảnh bạo lực, phản cảm, không phù hợp với đời sống hiện đại ngày nay cần phải được loại bỏ và không nên tái diễn trong các lễ hội đầu xuân. Những cái hay, cái đẹp cần được giữ gìn và phát huy, còn hủ tục không phù hợp với phương châm hòa bình, thân thiện, mến khách của đất nước Việt Nam trong xu thế hội nhập quốc tế thì không nên giữ lại. Đây là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh.
Không buông lỏng tổ chức, quản lí lễ hội
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết: Việc tổ chức các lễ hội phải đảm bảo dựa trên các nguyên tắc nhất định, đầu tiên là phải dựa trên ý nguyện của người dân, thứ 2 là tôn trọng pháp luật, thứ 3 là đảm bảo những nét văn hóa truyền thống của dân tộc, tính nhân văn của lễ hội, thứ 4 là phải phù hợp với thông lệ quốc tế và văn minh của quốc gia đó.
Những hình ảnh bất cập và phản cảm trong một số lễ hội mà báo chí phản ánh thời gian qua, đã làm méo mó, xấu đi nét văn hóa truyền thống trong các lễ hội đầu xuân, nhất là hiện tượng bạo lực, đánh nhau. Đây là điều rất đáng tiếc đã xảy ra ở một số lễ hội khiến dư luận xã hội bức xúc. Trước tình hình này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng cần phải có sự điều chỉnh để việc tổ chức các lễ hội phù hợp với các nguyên tắc nêu trên.
Lễ hội là một phần đời sống văn hóa của người dân nhưng hoạt động của lễ hội đều có sự chi phối bởi quy định của pháp luật. Do đó, nhà nước không bao giờ buông lỏng việc tổ chức, quản lí lễ hội, luôn phải đảm bảo cho người dân tham gia lễ hội một cách thực sự văn minh, an toàn, tiết kiệm. Do đó, những điều ảnh hưởng chung đến đời sống của người dân, các hiện tượng phản cảm, không có tác dụng giáo dục, không đề cao tính nhân văn cần phải được loại bỏ.
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cũng nhấn mạnh rằng: Những lễ hội còn cảnh bạo lực, phản cảm, không phù hợp cần phải được loại bỏ, không nên tái diễn, phải xem xét những cái hay, cái đẹp thì giữ lại, còn những cái tạo ra xung đột không cần thiết nên loại bỏ, có thể giữ một phần hoặc thay thế cho phù hợp. Chúng ta tôn trọng các lễ hội dân gian truyền thống, gìn giữ và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống của lễ hội, nhưng những hủ tục không phù hợp với phương châm hòa bình, thân thiện, mến khách của đất nước Việt Nam trong xu thế hội nhập quốc tế thì không nên giữ lại.
Trước nhiều luồng ý kiến, dư luận xung quanh các lễ hội có những tập tục gây tranh cãi như “chém lợn”, “đâm trâu”, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tham vấn ý kiến cộng đồng, tổ chức điều tra xã hội học, rà soát các lễ hội, đặc biệt là lễ hội còn duy trì các tập tục gây phản cảm. Trên cơ sở tham vấn ý kiến các nhà nghiên cứu khoa học, ý kiến của cộng đồng, tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh thay đổi hình thức tổ chức phù hợp, đảm bảo việc tổ chức lễ hội đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đảm bảo phù hợp với Công ước quốc tế về bảo vệ sự đa dạng văn hóa của UNESCO mà Việt Nam tham gia.
Tích cực tạo chuyển biến
Theo thống kê cho thấy, Việt Nam hiện có khoảng 8.000 lễ hội, trong đó phần lớn là các lễ hội dân gian gắn với cộng đồng làng xã và do người dân tự tổ chức hàng năm. Các lễ hội diễn ra hàng năm đều tương đối quy củ, đúng pháp luật. Công tác tổ chức, quản lí lễ hội cũng đã có nhiều chuyển biến theo hướng tiến bộ hơn, nhưng thời gian qua vẫn còn nhiều bất cập. Qua kiểm tra thực tế của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho thấy nhiều lễ hội diễn ra trong không gian hết sức chật chội, lượng người hành hương, đến với lễ hội ngày càng đông; quy mô, tần suất diễn ra các lễ hội hơi cao, hơi dầy. Cũng có nơi diễn ra tình trạng thương mại hóa lễ hội, vài nơi dùng lễ hội làm thương mại, làm kinh tế. Dù đã cố gắng song ở nhiều nơi các cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự chú trọng, quan tâm đến vai trò, vị trí của lễ hội trong đời sống người dân; còn buông lỏng, thiếu kiểm tra, giám sát việc thực hiện tổ chức và quản lí lễ hội…
Ngay từ đầu mùa lễ hội 2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng một số cơ quan chức năng khác đã tham mưu cho Ban Bí thư ra Chỉ thị 41CT-TWvà Thủ tướng Chính phủ ra Công điện 229 CĐ-TTg về tăng cường công tác tổ chức, quản lí lễ hội. Trong 2 văn bản này đều nêu rõ: Cần giảm tần suất, thời gian tổ chức, nhất là những lễ hội có quy mô lớn; hạn chế sử dụng ngân sách nhà nước, đẩy mạnh các hoạt động xã hội hóa nguồn lực tổ chức lễ hội. Các cán bộ, đảng viên phải gương mẫu chấp hành các quy định về quản lí, tổ chức lễ hội; phê bình và xử lí nghiêm đối với các cán bộ, đảng viên vi phạm. Cán bộ lãnh đạo, quản lí các cấp, nhất là cấp trung ương không tham gia lễ hội với danh nghĩa tổ chức, cơ quan, đơn vị nếu không được cấp có thẩm quyền phân công. Bên cạnh đó, các địa phương nơi tổ chức lễ hội cần tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, phong tục, tập quán của từng địa phương; ngăn chặn tình trạng lợi dụng di tích, nơi thờ tự, lễ hội nhằm trục lợi, tuyên truyền mê tín dị đoan và tổ chức các hoạt động trái pháp luật… Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các địa phương đang nỗ lực thực hiện nghiêm túc 2 văn bản nêu trên, không để xảy ra tình trạng “đánh trống bỏ dùi”…
Ban tổ chức, Ban chỉ đạo các lễ hội cần đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn cụ thể để người dân nâng cao ý thức, thực hiện nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội, nhất là trong việc đổi và sử dụng tiền lẻ tràn lan, đặt tiền lễ, giọt đầu đúng nơi quy định, hạn chế đốt vàng mã, đồ mã, giữ gìn vệ sinh chung trong không gian diễn ra lễ hội...
Một vấn đề tồn tại qua nhiều năm qua, luôn được nhắc tới trong các kì tổng kết, kiểm tra, gặp gỡ báo chí, đó là vấn đề liên quan đến tiền công đức của người dân ở các di tích, cơ sở thờ tự, lễ hội. Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết: Việc đặt hòm công đức thể hiện thiện chí của người dân, người dân muốn đóng góp, gửi gắm chút lòng thành để trùng tu, tôn tạo các di tích, nơi thờ tự… Ở nhiều nơi, tiền công đức, giọt dầu, đóng góp của người dân được quản lí hết sức chặt chẽ, công khai. Số tiền này đã trở thành nguồn lực quan trọng, góp phần đáng kể vào việc trùng tu, tôn tạo di tích. Tuy nhiên ở một số nơi, việc quản lí, sử dụng nguồn lực này vẫn cần được tiếp tục chấn chỉnh. Chính vì lẽ đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng một số cơ quan chức năng khác đã ra thông tư hướng dẫn để việc quản lí, sử dụng tiền công đức sao cho văn minh, lịch sự. Bộ đề nghị các địa phương phải nhập cuộc mạnh mẽ, yêu cầu các ban quản lí, thủ nhang, thủ đền cần phải kiểm tra việc này, công bố công khai cho người dân biết về số tiền đóng góp./.
Theo TTXVN