Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Sở TT&TT tỉnh Vĩnh Phúc vừa diễn ra sáng nay, ngày 7/8/2014 ở thị xã Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc.
Ông Trần Văn Long, Giám đốc Sở TT&TT Vĩnh Phúc cho biết, Sở Bưu chính Viễn thông (nay là Sở TT&TT) tỉnh Vĩnh Phúc đã được thành lập ngày 9/8/2004. Đây là Sở Bưu chính Viễn thông ra đời sớm nhất cả nước. 10 năm qua, Sở đã tham mưu, giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trên địa bàn tỉnh về bưu chính, viễn thông, CNTT, điện tử, Internet, truyền dẫn phát sóng, tần số vô tuyến điện và cơ sở hạ tầng thông tin; quản lý các dịch vụ công về bưu chính, viễn thông và CNTT. Năm 2013, Sở được bổ sung 2 chức năng, nhiệm vụ mới là quản lý Nhà nước về thông tin đối ngoại và quản lý các thuê bao chứng thư số thuộc thẩm quyền quản lý của Chủ tịch UBND tỉnh.
Đánh giá cao những kết quả đạt được của Sở TT&TT Vĩnh Phúc, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son nói: “10 năm qua, chúng ta chứng kiến sự trưởng thành, phát triển của Sở TT&TT Vĩnh Phúc trong sự phát triển của ngành TT&TT nước nhà. Tới nay, cơ sở hạ tầng viễn thông, CNTT tại Vĩnh Phúc đã được đầu tư khá đồng bộ, ứng dụng CNTT được thúc đẩy mạnh mẽ. Vĩnh Phúc luôn đứng ở tốp đầu cả nước về phát triển ứng dụng CNTT-TT. Lĩnh vực báo chí xuất bản hoạt động đúng tôn chỉ mục đích và có bước phát triển đột phá. Tổng doanh thu của ngành TT&TT ở địa phương đóng góp cho ngân sách Nhà nước hàng năm liên tục tăng. Tốc độ phát triển của ngành TT&TT cao hơn tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, không năm nào tăng trưởng dưới 2 con số. So với 10 năm trước, tổng doanh thu ngành TT&TT trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã tăng hơn 10 lần, nộp ngân sách Nhà nước tăng hơn 8 lần, mật độ điện thoại tăng 12 lần, thuê bao Internet tăng 400 lần”.
|
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son (ngoài cùng bên phải) biểu dương thành tích của Sở TT&TT Vĩnh Phúc. Ảnh: X.B.
|
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh: “Sự phát triển vượt bậc của ngành TT&TT tỉnh Vĩnh Phúc có được là nhờ sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh, sự phối hợp của các cơ quan ban ngành, sự phấn đấu vươn lên của đội ngũ cán bộ công chức của Sở. Đến nay, Sở TT&TT Vĩnh Phúc đã tham mưu cho lãnh đạo tỉnh ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật phù hợp thực tế của địa phương, đồng thời phù hợp quy định chung của Trung ương, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”.
Để ngành TT&TT tiếp tục phát huy vai trò động lực quan trọng góp phần thực hiện thành công công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đề nghị thời gian tới, Sở TT&TT Vĩnh Phúc tập trung triển khai một số công việc. Đáng chú ý là đẩy mạnh hoạt động quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực còn nhiều bức xúc như thông tin điện tử, game online, thuê bao di động trả trước, bảo đảm tăng cường chất lượng và nâng cao hiệu quả dịch vụ, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng các dịch vụ TT&TT. Tăng cường hoạt động quản lý báo chí xuất bản, in, phát hành và thông tin điện tử. Quản lý và khai thác tốt hạ tầng CNTT hiện có, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong cơ quan Đảng, Nhà nước, nhất là những ứng dụng có tính nền tảng cốt lõi để tiến tới xây dựng chính quyền điện tử. Thu hút thêm nhiều doanh nghiệp CNTT hàng đầu thế giới và khu vực đầu tư vào Vĩnh Phúc.
Tại Vĩnh Phúc, khoảng 95% cán bộ, công chức cấp tỉnh, 85% cán bộ, công chức cấp huyện, 35% cán bộ, công chức cấp xã được trang bị máy tính. Trung bình gần 10% lượng văn bản đi/đến được chuyển hoàn toàn trên môi trường mạng, gần 30% văn bản đi/đến được chuyển song song trên môi trường mạng và qua đường công văn truyền thống. Hệ thống thư điện tử công vụ với hơn 6.000 địa chỉ đã được khởi tạo và đưa vào hoạt động. Khoảng 85% cán bộ công chức viên chức thường xuyên sử dụng thư điện tử trong công việc. Ngày 1/1/2013, Đài Truyền hình Vĩnh Phúc chính thức phát sóng trên vệ tinh, đang chuẩn bị đưa sóng truyền hình vào hệ thống truyền hình cáp cả nước.
Theo ICTnews