Thứ Hai, 30/9/2024
Pháp luật
Thứ Sáu, 24/10/2008 16:27'(GMT+7)

Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường: Số án tồn đọng đã giảm đáng kể

Bộ trưởng Hà Hùng Cường

Bộ trưởng Hà Hùng Cường

Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, nguyên nhân án tồn đọng không phải do thiếu cán bộ mà chủ yếu do chưa có điều kiện thi hành án. Về nguyên tắc, bản án phải được thi hành sau khi tòa tuyên án. Tuy nhiên, nhiều trường hợp, đối tượng chịu án không có tiền nộp phạt, nhất là khoản án phí 50.000 đồng.

Vấn đề này cũng đã tồn tại khá lâu và tại phiên thảo luận tại hội trường hôm qua (23/10), Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã đề nghị Quốc hội xem xét, thông qua việc miễn các khoản thu đối với các bản án có giá trị dưới 500.000 đồng lâu ngày không thu được. Bộ trưởng cho rằng, nếu đề nghị này được chấp thuận, sẽ giảm được tới 100.000 vụ việc tồn đọng (chiếm 30%).

Theo Bộ Tư pháp, dù số án tồn đọng còn lớn, nhưng đã có xu hướng giảm dần, từ 327.658 vụ việc tồn đọng (chiếm 58,38%) năm 2005 còn 311.443 vụ việc tồn đọng (chiếm 48,04%) năm 2007.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng bày tỏ, các chấp hành viên cũng gặp nhiều khó khăn trong việc đốc thúc, triển khai công tác thi hành án. Cứ 3 tháng, các chấp hành viên phải kiểm tra điều kiện thi hành án và nhiều khi phải xuống tận địa bàn chỉ để thu khoản án phí 50.000 đồng.

Ngày 11/9/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 20/2001/CT-TTg về việc chuyển giao số việc thi hành án có giá trị không quá 500.000 đồng cho UBND cấp xã trực tiếp đôn đốc thi hành. Thực tế đã qua cho thấy việc chuyển giao án có giá trị không quá 500.000 đồng cho UBND cấp xã đôn đốc, thi hành kém hiệu quả, số vụ việc thi hành đạt tỷ lệ thấp, số còn lại phải thi hành chiếm trên 75%.

Do đó, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 21/2008/CT-TTg ngày 01/7/2008, các cơ quan thi hành án dân sự dừng chuyển giao việc thi hành án có giá trị không quá 500.000 đồng UBND xã, phường, thị trấn trực tiếp đôn đốc thi hành.

Đối với những vụ việc thi hành án đã chuyển giao, UBND cấp xã tiếp tục đôn đốc thi hành án dứt điểm, những địa phương đôn đốc thi hành án không hiệu quả thì thi hành án dân sự quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh rút hồ sơ để trực tiếp thi hành.

Hôm nay, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về các báo cáo về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Toà án nhân dân tối cao; công tác thi hành án.

Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, vấn đề chuyển giao việc thi hành án có giá trị không quá 500.000 đồng cũng sẽ được Quốc hội xem xét.

Để góp phần tháo gỡ khó khăn cho việc thi hành án, Bộ Tư pháp đã xây dựng và trình Quốc hội một đề án thí điểm về mô hình "thừa phát lại”, tức là Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện thực hiện việc xã hội hóa hoạt động thi hành án dân sự, trong đó cho phép cá nhân được phép hành nghề thi hành án theo quy định của Chính phủ.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, Đề án này đã được xây dựng khá hoàn chỉnh. Nếu Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc xã hội hóa hoạt động thi hành án dân sự, thì dự kiến ngày 1/7/2009 sẽ triển khai Đề án này.

Bộ trưởng cũng cho rằng, cần có cơ chế phối hợp hiệu quả giữa thi hành án dân sự với thi hành án phạt tù. Hiện nay, ở hầu hết các nước, công tác thi hành án phạt tù, quản lý trại giam do Bộ Tư pháp quản lý. “Nếu tập trung được việc thi hành án dân sự và hình sự thì tháo gỡ nhiều khó khăn cho thi hành án dân sự”, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh./.
 
(Cổng Thông tin điện tử Chính phủ)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất