Thứ Hai, 30/9/2024
Sức khỏe
Thứ Sáu, 24/9/2010 9:0'(GMT+7)

Bộ Y tế: Bọ xít hút máu không truyền bệnh

Ngày 23/9, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) chính thức lên tiếng về loại bọ xít hút máu khiến nhiều người dân lo lắng thời gian qua.

Cơ quan này cho biết, đến nay, chưa có thông tin, tài liệu và nghiên cứu nào thông báo có các loài bọ xít lây truyền bệnh ở Việt Nam. Kết quả xét nghiệm 19 mẫu máu của 19 người ở 19 hộ gia đình bị bọ xít đốt không phát hiện ký sinh trùng gây bệnh Chagas.

Sau khi thu thập được một số bọ xít ở các địa phương, các chuyên gia đã xác định loại bò xít này là loài Triatoma rubrofassiata. Loài này khác với loài bọ xít Triatoma dimidiata phổ biến ở Trung Mỹ và loài Triatoma infestans phổ biến ở vùng Nam Mỹ có thể gây truyền bệnh Chagas. Đến nay, chưa có tài liệu nào công bố loài bọ xít Triatoma tại Việt Nam có khả năng truyền bệnh Chagas.

Cục Y tế dự phòng cho biết, trên thế giới có khoảng 3.000 loài bọ xít khác nhau, trong đó có một số loài hút máu động vật, trong quá trình tồn tại và phát triển của loài này, người có thể là đối tượng ngẫu nhiên bị bọ xít đốt.

Loài bọ xít hút máu được phát hiện vừa qua khi đốt chỉ gây cảm giác khó chịu, đau rát và ngứa tại vết đốt, đặc biệt là đối với người có cơ địa dị ứng. Vì thế, khi bị bọ xít đốt, nên rửa ngay vết đốt bằng xà phòng, tránh không gãi tại chỗ vết đốt, nếu vết đốt sưng nề cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị chống dị ứng và nhiễm trùng.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng khuyến cáo người dân ở vùng đã phát hiện có bọ xít hút máu cần ngủ màn,  thường xuyên vệ sinh nơi ở, sinh hoạt. Khi phát hiện bọ xít nên tắt đèn và dùng đèn pin soi tìm và diệt bọ xít  bằng các sản phẩm hóa chất diệt côn trùng đã được Bộ Y tế cấp đăng ký lưu hành.

Chagas lây qua côn trùng, thường phổ biến ở Nam và Trung Mỹ. Bệnh có hai giai đoạn cấp tính và mạn tính.

Pha cấp tính có thể kéo dài vài tháng trong khi đó các bệnh nhân biểu hiện sốt, suy nhược, đau toàn thân và các triệu chứng khác. Pha mãn tính có thể kéo dài cả đời, nhưng các triệu chứng có thể hoặc không thể xảy ra và nhiều người nhiễm mạn tính không nhận ra là mình bị nhiễm đơn bào này. Trong một số trường hợp, bệnh mạn tính dẫn đến các biến chứng tiêu hóa và tim mạch.

Hiện nay không có vắc xin để phòng ngừa bệnh Chagas. Nhưng có thể phòng ngừa bằng việc kiểm soát sâu bệnh và côn trùng, cải thiện nhà ở và điều kiện vệ sinh và sử dụng lưới muỗi.


Theo Chinhphu.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất