Bộ Y tế vừa có công văn số 1086/BYT-PC về việc góp ý đối với dự thảo Nghị định về kinh doanh rượu gửi Văn phòng Chính phủ.
Theo công văn, Bộ Y tế đề nghị cần quy hoạch, kiểm soát giảm mức độ gia tăng sản lượng rượu, bia, phù hợp với mức độ gia tăng của các nước, điều kiện thực tế của Việt Nam và yêu cầu phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Bộ Y tế cũng đề nghị bổ sung một chương riêng về quản lý đối với rượu thủ công. Trong đó có quy định cụ thể biện pháp quản lý đối với rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh (bán cho doanh nghiệp để sản xuất) và rượu thủ công sản xuất cho mục đích tiêu dùng trong hộ gia đình.
Đặc biệt, trong dự thảo nêu rõ cần quy định cụ thể về quản lý chất lượng rượu, đăng ký sản phẩm với chính quyền cấp xã, trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc quản lý, tuyên truyền và hướng dẫn người dân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu thủ công bảo đảm chất lượng.
Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc nghiêm trọng do uống rượu không rõ nguồn gốc và có chứa methanol tại các địa phương khác nhau khiến nhiều người tử vong và nhập viện.
Phó giáo sư Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam cho biết, từ sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu đến nay đã có 15 người tử vong và hàng trăm ca cấp cứu tại các bệnh viện do ngộ độc rượu, trong có có nhiều vụ ngộ độc tập thể như vụ xảy ra ở Phong Thổ (Lai Châu), vụ các sinh viên ở Cầu Giấy (Hà Nội).
Nguyên nhân của những vụ ngộ độc này đã được các cơ quan chuyên môn xác định là do các nạn nhân đã sử dụng các loại rượu tự pha chế, không rõ nguồn gốc, có chứa methanol vượt quá ngưỡng cho phép, thậm chí có trường hợp methanol vượt ngưỡng đến hàng ngàn lần, dẫn đến tử vong./.
TTX