(TG) Để ngăn ngừa không để dịch bệnh do vi rút Zika xâm nhập, lây lan cũng như dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh trong khi mùa mưa sắp tới, Bộ Y tế vừa có Chỉ thị về việc tổ chức chiến dịch diệt muối, lăng quăng và triển khai công tác phòng, chống bệnh do vi rút Zika, sốt xuất huyết.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo, triển khai tích cực một số hoạt động phòng, chống vi rút Zika và sốt xuất huyết
Sở Y tế tăng cường truyền thông vận động người dân tự diệt muỗi, lăng quăng để phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika, bệnh sốt xuất huyết; làm đầu mối tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh/thành phố tổ chức phát động chiến dịch "Người dân tự diệt muỗi, lăng quăng phòng, chống dịch bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết" trên địa bàn tỉnh, thành phố. Tiếp tục thực hiện tốt việc giám sát, xử lý ổ dịch, thu dung, điều trị bệnh nhân nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp mắc, tử vong.
Giao trách nhiệm cho công an, trưởng thôn, ấp, tổ trưởng tổ dân phố là người trực tiếp triển khai, đôn đốc, giám sát, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp diệt muỗi, diệt lăng quăng của các hộ gia đình trong khu vực phụ trách. Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tiến hành xử phạt hành chính các tổ chức, cá nhân cố tình không thực hiện các biện pháp phòng chống dịch của địa phương.
Bộ Y tế cũng đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Y tế thường xuyên đăng tải các thông tin liên quan về dịch bệnh, các khuyến cáo của Bộ Y tế trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm cung cấp kịp thời để người dân biết, chủ động phòng chống, không hoang mang, lo lắng và tự nguyện thực hiện việc diệt muỗi, lăng quăng đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh được bền vững.
Tình hình dịch bệnh do vi rút Zika vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Ngày 08/3/2016 Tổ chức Y tế thế giới đã triệu tập cuộc họp lần thứ hai của Ủy ban khẩn cấp thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế đánh giá ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy có mối liên quan giữa các trường hợp mắc chứng đầu nhỏ với vi rút Zika và nhận định dịch bệnh này vẫn tiếp tục là sự kiện y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế.
Đến nay, đã có 54 quốc gia và vùng lãnh thổ thông báo có sự lưu hành hoặc lây truyền vi rút Zika. Nguy cơ dịch bệnh do vi rút Zika xâm nhập và lan truyền đối với Việt Nam là rất lớn do có sự giao lưu đi lại, du lịch, người lao động trở về từ vùng có dịch. Đồng thời, muỗi truyền bệnh do vi rút Zika cũng chính là muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết hiện đang lưu hành phổ biến ở Việt Nam. T
Trong năm 2015 dịch sốt xuất huyết bùng phát và chưa có dấu hiệu giảm vào những tháng đầu năm 2016 tại một số tỉnh, thành phố. Một trong những nguyên nhân sốt xuất huyết khó khống chế là do bộ phận lớn người dân chưa có ý thức tự tiến hành diệt muỗi và lăng quăng (bọ gậy) để chủ động phòng chống dịch bệnh.
Để chủ động phòng chống bệnh do vi rút Zika xâm nhập và lây lan tại nước ta, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:
1. Phụ nữ có thai hoặc dự định có thai trong vòng 6 tháng tới không nên đến các quốc gia đang có dịch bệnh do vi rút Zika khi không cần thiết.
Danh sách các quốc gia lưu hành hoặc ghi nhận vi rút Zika được cập nhật trên Website của Cục Y tế dự phòng: http:www.vncdc.gov.vn
2. Người đi/đến/về từ quốc gia đang có dịch bệnh do vi rút Zika chủ động theo dõi sức khỏe trong vòng 12 ngày, nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe hãy đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị. Điện thoại đường dây nóng: 0989, 671. 115.
3. Người trở về từ quốc gia đang có dịch bệnh do vi rút Zika, cần sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục hoặc không quan hệ tình dục với vợ (bạn tình) đang trong quá trình mang thai hoặc dự định có thai để tránh những biến chứng có thể xảy ra đối với thai nhi.
4. Để phòng chống bệnh do vi rút Zika, người dân hãy áp dụng các biện pháp chống muỗi đốt, chủ động diệt muỗi và bọ gậy (loăng quăng). |
TG