“Cách cửa này khép lại, cánh cửa khác sẽ mở ra”, cũng tựa như kết thúc để bắt đầu. ĐT Việt Nam
vừa chia tay 2 công thần, sớm đã được liệt vào hàng lão tướng, dù một
mới mấp mé tuổi 30 (Phạm Thành Lương), người còn lại vừa kỷ niệm sinh
nhật 32 tuổi (Lê Công Vinh), nhưng đồng thời hứa hẹn sẽ mở ra một chương
rất mới cho những người trẻ hơn.
Thành Lương tiếp tục chơi
bóng cho CLB, nhưng có thể người ta sẽ chỉ còn nhắc đến rất ít cầu thủ
nhỏ con từng đoạt 3 Quả bóng vàng này, nhưng Công Vinh thì khác, anh vẫn
buộc truyền thông phải tốn giấy mực, buộc người hâm mộ phải dõi theo.
Từ người mở lối Lê Công Vinh…
Những
con số không vô tri, khi Vinh đã và đang được biết đến là chân sút số 1
trong lịch sử V-Legaue, cũng như ĐTQG; từng giành đủ vinh quang ở nhiều
cấp độ đội bóng khác nhau và bản thân cựu tiền đạo đội trưởng ĐT Việt Nam
cũng đã tích luỹ được 3 Quả bóng vàng (một kỷ lục), trong suốt sự
nghiệp 13 năm chơi bóng đỉnh cao… Có thể nói, Công Vinh là con người của
lịch sử, là cầu thủ sinh ra để trở thành huyền thoại, dù về tài năng,
Vinh chưa đạt đến đẳng cấp ấy. Tại sao?
Khi Hà Nội T&T giành
chức vô địch V-League lần đầu tiên năm 2010, Công Vinh chịu kỷ luật và
chấn thương sau đó, trước khi ra nước ngoài chữa trị, rồi thi đấu một
thời gian ngắn. Trong màu áo B.Bình Dương mùa thứ 2 liên tiếp vô địch
V-League 2015, vai trò của Công Vinh cũng không nổi bật, ít nhất so với
kỳ vọng. Trước đó, AFF Suzuki Cup 2008, nếu BTC áp dụng luật bàn thắng
trên sân đối phương, Công Vinh đã không là người hùng với cái đầu nhô
lên phút bù giờ.
Sự tiến bộ của những cầu thủ trẻ như Văn Thanh mở ra tương lai hứa hẹn cho bóng đá Việt Nam.Ảnh: Phương Nam
Phải
chắc như thế, bởi phải đợi đến trận chung kết lượt đi với Thái Lan ở
Rajamangala, Công Vinh mới có bàn thắng đầu tiên tại giải năm đó, sau cú
đệm bóng cận thành từ đường chuyền dọn cỗ của Việt Thắng. Chúng ta
thắng 2 – 1 và lượt về, Thái Lan đã toan kéo trận đấu thêm 2 hiệp phụ,
với lợi dẫn 1 – 0 cho đến phút đấu bù cuối cùng của hiệp nhì, thì Vinh
đã xuất hiện, với cú lắc đầu có thể nói là khó lặp lại. Công Vinh đã đi
vào lịch sử theo cách ấy: Không quá xuất sắc, nhưng son.
Vinh khởi
nghiệp với xuất phát điểm khá thấp tại đội bóng thừa mứa các tài năng
như SLNA, nhưng bằng với nỗ lực không mệt mỏi, anh đã tiến lên đẳng cấp
ngôi sao. Tất nhiên, có hay thì mới có may và thành công sẽ không mỉm
cười với những ai thiếu khát vọng và lười biếng. Việc Vinh giữ được mình
trong môi trường phức tạp, nhiều thị phi, trong và ngoài bóng đá, cũng
là rất bản lĩnh. Tất nhiên, đã có vài tình huống – thời điểm, Vinh bồng
bột, ví như việc mặc cả sẽ giải nghệ nếu VFF…
Nhưng, tất cả những
điều đó đã qua rồi và cái mà người ta nhắc đến Vinh, thần tượng Vinh,
thậm chí là đố kỵ Vinh, đấy là nếp nghĩ và cách làm. Công Vinh “có điều
kiện” hơn người, đấy là do tích luỹ mà ra, song việc anh quyết định học
Đại học để tiếp tục tiến thân, thực sự rất đáng ngưỡng mộ, so với bao
cầu thủ nhà giàu khác. Người trẻ nói chung và cầu thủ trẻ nói riêng, nếu
chịu khó nhìn vào Công Vinh mà học hỏi, họ sẽ có tương lai. Nói Vinh là
người mở lối là rất đúng bản chất.
Công Vinh từng gặp nhiều khó
khăn vì thiếu người tư vấn, nhưng anh đã và sẽ là người tư vấn cho tất
cả (nếu được nhờ cậy), trong vai trò một nhà quản lý – môi giới bóng đá.
Trước Công Vinh có “siêu cò” Trần Tiến Đại, nhưng vì nhiều lý do,
nghiệp bóng đá với ông Đại khá đoạn mệnh, chỉ kéo dài được khoảng 10
năm; nhưng sau Công Vinh, có thể rất nhiều những đồng nghiệp trẻ tuổi
khác sẽ học hỏi và noi theo. Đơn giản, Công Vinh là tấm gương, là mẫu
người đàn ông khá chuẩn mực.
Đến kỳ vọng gì mùa giải mới?
Các
trọng tài (bất kể là ai, với ngay cả những người đã gắn mác FIFA) mắc
sai sót nghiêm trọng ở V-League 2016 sẽ bị điều chuyển xuống giải hạng
Nhất, hoặc các giải bóng đá ngoài chuyên nghiệp; Ban kỷ luật sẽ xử rất
nặng với các trường hợp bạo lực sân cỏ, xâm phạm thân thể người khác và
đặc biệt là những cầu thủ tái phát (như Đình Đồng, Quế Hải…)… Đấy là
những thông báo mới nhất, sau cuộc họp chuẩn bị mùa giải mới. Nhưng,
liệu mùa bóng 2017 có là cuộc cách mạng?
E rằng khó, bởi bóng đá
Việt Nam đã lên chuyên ở tuổi 17, song đã và vẫn đang phải sống chung
với những tồn tại gần như không thể giải quyết, mà bạo lực sân cỏ và vấn
nạn trọng tài, chỉ là 2 trong số rất nhiều rào cản. Chất lượng giải đấu
khó thể được nâng tầm, khi nhà tổ chức vẫn giới hạn các suất đăng ký
ngoại binh, trong khi đào tạo trẻ, cung chưa đủ cầu. Việc lò SLNA gần
như trở thành vùng trắng tại hệ thống các giải đấu trẻ 2 – 3 năm qua,
không khỏi khiến tất cả phải giật mình.
V-League, giải đấu cao
nhất xứ sở, cũng khó thể phát triển nên một tầm cao mới ở thì tương lai,
khi chân đế của nó chỉ có 7 CLB tham dự giải hạng Nhất, còn giải hạng
Nhì chơi bóng theo khu vực, rất èo uột; giải hạng 3 với nhiều địa phương
chỉ tham gia có lệ. Đấy là một nghịch lý khi bóng đá phong trào ở Việt
Nam rất phát triển và từng được xem là mô hình kiểu mẫu, được đề cử nhận
giải của AFC đôi ba năm qua (dù chưa thắng giải). Tài chính rất cần,
nhưng cách làm quan trọng hơn.
Trở lại
với những kỳ vọng ở mùa bóng 2017. Sau các suất tham dự World Cup của
ĐT futsal Việt Nam và U20 Việt Nam, việc các đội bóng như Hà Nội FC và
Than Quảng Ninh đang tuyển mộ rầm rộ trên thị trường chuyển nhượng, hòng
bơi ra đấu trường châu lục là AFC Champions League và AFC Cup, thực sự
là tín hiệu đáng mừng, có thể tăng thêm tiếng nói cho nền bóng đá. Năm
2009, B.Bình Dương từng làm được điều này, nhưng lại không thể duy trì
được thành tích ổn định.
Lộ trình phát triển của CLB, tác động
và ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển giải đấu, hay xa hơn là nền bóng
đá. Nếu ngày đó đội bóng đất Thủ dấn tiếp, đầu tư bài bản từ quân đến
tướng, để khẳng định được vị thế của mình trên đấu trường châu lục, bóng
đá Việt Nam hẳn được hưởng lợi. Không dễ gì để được chứng kiến các ngôi
sao hàng đầu thế giới đến Việt nam thi đấu, chí ít là trong màu áo của
các đối thủ của đại diện Việt Nam. Hà Nội FC và Than Quảng Ninh đang làm
lại, hãy cổ vũ họ.
Bóng
đá, hết thịnh đến suy, cũng là chuyện bình thường. Nhưng nếu nhìn vào
J-League, giải bóng đá hàng đầu của Nhật Bản và châu Á, để học hỏi,
chúng ta sẽ thấy sự phát triển bền vững là hoàn toàn có thể. Chỉ 6 năm
sau khi J-League ra đời (1992), Nhật Bản lần đầu tiên giành quyền dự
World Cup (France 98). Từ chục năm nay, người Thái bắt đầu học hỏi và áp
dụng mô hình này, với sự ra đời của Thai Premmier League. Cùng với việc
rất nhiều các tỷ phú Thái Lan, đã và đang sở hữu các CLB lớn ở nước
ngoài (điều xa xỉ với Việt Nam), đào tạo trẻ và đầu ra của bóng đá Thái
Lan là rất hanh thông.
|
Tùy Phong - Thể thao & Văn hóa cuối tuần