Thứ Hai, 30/9/2024
Pháp luật
Thứ Bảy, 25/10/2008 22:30'(GMT+7)

Các biện pháp đảm bảo thi hành án cần phải được quy định chặt chẽ

 Bên lề kỳ hợp thứ 4 Quốc hội khóa XII, bà Lê Thị Thu Ba, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội trao đổi với phóng viên báo chí về một số nội dung liên quan đến dự án Luật thi hành án (THA) dân sự được Quốc hội đưa ra xem xét, thông qua tại kỳ họp này.

PV: Bà có ý kiến gì về đề nghị nên giao thẩm quyền áp dụng và biện pháp đảm bảo THA cho Thủ trưởng cơ quan THA và cần quy định rõ hơn thời hạn, hiệu quả pháp lý của việc áp dụng các biện pháp THA?

Bà Lê Thị Thu Ba: Theo pháp luật hiện hành về THA, việc thực hiện các biện pháp đảm bảo THA được giao cho các thành viên, còn ý kiến đề nghị giao cho Thủ trưởng cơ quan THA thực ra cũng không tách bạch những vấn đề này. Chấp hành viên có quyền trình Thủ trưởng cơ quan THA quyết định các biện pháp cưỡng chế THA. Khi thực hiện biện pháp cưỡng chế hoặc biện pháp bảo đảm nào đó thì các thành viên đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người được THA. Theo tôi, việc giao thẩm quyền này cho Thủ trưởng cơ quan THA nhằm đảm bảo tính thận trọng trong công tác THA.

PV: Có ý kiến đề nghị cần bổ sung thêm quy định cơ quan THA dân sự được thực hiện các biện pháp cần thiết khác không trái với quy định của pháp luật để đảm bảo THA, quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?

Bà Lê Thị Thu Ba:
Các biện pháp đảm bảo THA phải quy định chặt chẽ, tức là được phép thực hiện biện pháp gì, chỉ áp dụng các biện pháp cưỡng chế khi cần thiết. Các biện pháp cưỡng chế đảm bảo THA phải được pháp luật quy định thì mới được quyền thực hiện. Ví dụ: Cưỡng chế để giao nhà, giao tài sản hoặc biện pháp khấu trừ tiền do kinh doanh thu lại thì đó là một biện pháp được quyền. Ngoài các biện pháp đảm bảo đó, chấp hành viên không được thực hiện biện pháp khác.

 PV: Một trong những vấn đề đáng quan tâm nhất hiện nay trong THA dân sự là án không có điều kiện thi hành quá lớn, theo bà, khi làm Luật xong liệu có giải quyết được tình trạng án tồn đọng?

Bà Lê Thị Thu Ba: Chúng ta phải phân biệt ra 2 loại án là án có điều kiện thi hành và án không có điều kiện thi hành. Án có điều kiện thi hành nhưng chấp hành viên chưa thi hành được mà còn tồn đọng, đó là lỗi của chấp hành viên. Quốc hội và Ủỷ ban Tư pháp đều phê bình các cơ quan THA để cho án có điều kiện thi hành còn tồn đọng và chưa thi hành xong. Còn án không có điều kiện thi hành thì ta tiếp tục theo dõi xem người có trách nhiệm thi hành ở thời điểm này họ không có điều kiện thi hành nhưng đến thời điểm khác họ có điều kiện thi hành. Nếu họ không có điều kiện thi hành thì ta cũng không có giải pháp nào được, bời vì người ta không đã không có điều kiện, ta không làm gì khác được.

PV: Trong số án có điều kiện thi hành, có trường hợp chấp hành viên hoặc cán bộ thi hành án có biểu hiện trục lợi, nhũng nhiễu người bị thi hành án, chậm trễ quá trình THA, vấn đề này xử lý như thế nào?

Bà Lê Thị Thu Ba: Trách nhiệm của Chính phủ phải xử lý. Phải tăng cường giáo dục, nâng cao trách nhiệm của chấp hành viên; phải kiểm tra, kiểm soát gắt gao thì mới phát hiện được trường hợp nào vì tư lợi và trường hợp nào vì những yếu tố khách quan mà họ chưa làm được để quản lý cho chặt chẽ.

Chính phủ và các cơ quan liên quan phải tăng cường trách nhiệm của mình. Viện Kiểm sát cũng phải tăng cường giám sát, kiểm soát hoạt động THA để phát hiện những trường hợp có yếu tố vi phạm pháp luật trong THA để xử lý hoặc kiến nghị xử lý.

 PV: Thưa bà, hiện tượng cán bộ THA gây khó khăn cho việc thi hành án đến thời điểm này đã đến mức trầm trọng chưa?

Bà Lê Thị Thu Ba: Nói trầm trọng hay chưa thì phải từ con số phát hiện, ta không thể chỉ nghe dư luận chung chung để rồi nói là trầm trọng hay không.

Vừa qua, chúng ta thấy, có 30 trường hợp chấp hành viên và cán bộ THA vi phạm bị phát hiện và xử lý. Theo tôi, con số này trên tổng số hơn 8.000 cán bộ THA của toàn quốc thì không phải là lớn. Trong báo cáo Uỷ ban Tư pháp nói rằng, tuy số lượng không lớn, nhưng vì đây là cán bộ pháp luật, cán bộ tư pháp cho nên đã tạo sự thiếu tin tưởng trong nhân dân, làm suy giảm uy tín của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Do vậy, dù ít nhưng phải có biện pháp tích cực để càng hạn chế vi phạm càng tốt.

PV: Thực tế ở nhiều địa phương hiện nay còn thiếu trưởng, phó cơ quan THA dân sự và tình trạng chấp hành viên bỏ việc nhiều, theo bà cần khắc phục vấn đề này như thế nào?

Bà Lê Thị Thu Ba: Đây là vấn đề tồn tại làm ảnh hưởng đến công tác THA. Không chỉ riêng THA, tình trạng thiếu cán bộ có chức danh tư pháp, thiếu lãnh đạo các cơ quan THA nhất là ở cấp huyện diễn ra đã nhiều năm.

Trước đây, Quốc hội các khoá X và XI đều giao trách nhiệm cho Chính phủ và các cơ quan tư pháp phải có biện pháp giải quyết dứt điểm, không để tình trạng này kéo dài. Tuy nhiên, từ đó cho đến nay vẫn còn tồn tại. Chúng tôi thấy rằng, đây là một việc ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến quyền và trách nhiệm của công dân. Một cơ quan thi hành án ở cấp huyện nào đó mà thiếu cán bộ, thì công tác giải quyết THA sẽ bị hạn chế. Thiếu cán bộ thì không thể có chất lượng trong THA của cơ quan đó. Đây là việc đáng báo động, cần phải khẩn trương khắc phục.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận một thực tế hiện nay là người học Luật xong, họ lại muốn vào các cơ quan tư pháp ở Trung ương hoặc ở các Trung tâm, các thành phố lớn chứ khi đưa về một huyện miền xa người ta lại không muốn đi. Khi còn ở Bộ Tư pháp, chúng tôi kiên quyết thực hiện biện pháp nơi nào không đủ chấp hành viên thì phải điều động, luân chuyển.

PV: Xin cảm ơn bà!/.

(TTXVN)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất