Thứ Sáu, 29/11/2024
Giáo dục
Thứ Ba, 23/8/2011 21:31'(GMT+7)

Các cấp, ngành, tổ chức, doanh nghiệp cần tăng cường trách nhiệm trong xây dựng xã hội học tập

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về xây dựng xã hội học tập -Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Qua 5 năm thực hiện Đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005 - 2010, đã đạt được nhiều thành tích đáng kể. Tuy nhiên, tỷ lệ chung về người biết chữ từ 15 tuổi trở lên mới đạt 94% thấp hơn mục tiêu chung của đề án là 4%; tỉ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15 - 35 tuổi đạt 96,2% thấp hơn so với mục tiêu của đề án là 2,8%. Việc đào tạo bồi dưỡng cập nhật kiến thức về quản lý, pháp luật, kinh tế và xã hội, nâng cao hiểu biết, khả năng lao động và nâng cao chất lượng cuộc sống cho các đối tượng vẫn còn thấp hơn so với mục tiêu đề án. Việc phối hợp giữa các bộ ngành, các tổ chức, đoàn thể chưa được chặt chẽ dẫn đến còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình xây dựng xã hội học tập. Xây dựng xã hội học tập là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và của toàn dân, tất cả các tổ chức đều có trách nhiệm và tạo điều kiện thuận lợi để cung ứng giáo dục đào tạo, đáp ứng nhu cầu học tập của mọi người, xã hội.

Thời gian tới, Đề án xây dựng xã hội học tập sẽ tập trung chủ yếu vào việc đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời ở ngoài trường chính quy, tập trung ưu tiên các nhóm đối tượng, các khu vực ít được tiếp cận với các cơ hội giáo dục thông qua những đề án cụ thể. Để đạt được mục tiêu xây dựng xã hội học tập, việc tăng cường trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức, doanh nghiệp là một nhiệm vụ và cũng là giải pháp quan trọng cần triển khai.

Hội thảo chính là dịp để đại biểu các bộ ngành tìm hiểu, chia sẻ thông tin để khắc phục những tồn tại yếu kém và phát huy những kết quả đã đạt được trong quá trình xây dựng xã hội học tập.

Tại Hội thảo, một số chuyên gia trong và ngoài nước cũng chia sẻ về kinh nghiệm xây dựng xã hội học tập tại các quốc gia trên thế giới như Hàn, Nhật, Canada, Úc... TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến cho biết: Tại Hàn Quốc, kế hoạch quốc gia về học tập suốt đời được gắn với kế hoạch phát triển nguồn nhân lực. Cơ cấu thực hiện theo các cấp riêng từ trung ương tới các tỉnh và cuối cùng là các huyện. Tại Nhật Bản, kế hoạch thúc đẩy giáo dục suốt đời cũng được định hướng phải vật chất hóa cam kết của toàn xã hội, phát triển các sức mạnh cơ bản của dân tộc. Tiến sĩ Jin Yang - Chuyên gia cao cấp Viện Học tập suốt đời của UNESCO, Hamburg (Đức) chia sẻ: các chính sách xây dựng xã hội học tập cần sự hỗ trợ, đồng thuận của xã hội, các công cụ pháp lý và cơ chế phối hợp trợ giúp sự hợp tác giữa các đơn vị liên quan.

Đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2011 - 2020 đã đề ra cụ thể trách nhiệm của các bộ, ngành, đoàn thể và các địa phương. Trong đó Bộ Giáo dục và Đào tạo có vai trò chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện Đề án, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật liên quan, xây dựng Đề án xóa mù chữ, Đề án phát triển đào tạo từ xa. Đồng thời triển khai kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện Đề án. Các bộ ngành khác tùy theo đặc thù ngành nghề để tham gia xây dựng Đề án như Bộ Lao động, Thương binh xã hội tham gia xây dựng tiểu Đề án hỗ trợ cho đối tượng hết tuổi lao động, đối tượng thiệt thòi, khuyết tật... được học tập suốt đời. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn biên soạn tài liệu trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn. Bộ Nội vụ tham gia xây dựng các chính sách, chế độ và chương trình cho công chức, viên chức; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia xây dựng phần chương trình cho đối tượng công nhân... Các bộ, ngành, đoàn thể, tổ chức khác theo chức năng, nhiệm vụ của mình tổ chức, chỉ đạo thực hiện Đề án, có trách nhiệm biên soạn các tài liệu học tập suốt đời về các lĩnh vực theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình./.

PV

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất