Thứ Hai, 30/9/2024
Đời sống
Thứ Hai, 26/12/2011 14:37'(GMT+7)

Các địa phương kỷ niệm Ngày Dân số Việt Nam 26/12

 Trong nhiều thập niên qua, công tác Dân số - KHHGĐ của Thủ đô đã đạt được nhiều thành tựu, từng bước ổn định về quy mô, giảm tỷ suất sinh và tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tuổi thọ trung bình, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng. Đặc biệt, cải thiện cơ cấu tuổi của dân số, làm cho dân số trong độ tuổi lao động chiếm đa số trong tổng số dân cư. Theo cơ cấu tuổi dân số hiện tại của Hà Nội đang bước vào thời kỳ “ Dân số vàng” tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Trong giai đoạn 2001- 2010, thành phố đã có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học được triển khai như chất lượng dân số, chăm sóc sức khỏe sinh vị thành niên; mô hình can thiệp truyền thông chăm sóc sức khỏe sinh sản - KHHGĐ tới các khu vực dân cư, nhất là các vùng dân cư đặc thù; mô hình phụ nữ mãn kinh; mô hình người cao tuổi; sức khỏe sinh sản; tiền hôn nhân; chiến dịch truyền thông lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ tới vùng đông dân và những vùng khó khăn. Các chương trình sàng lọc trước sinh, sơ sinh, sàng lọc khiếm thính cho 4 quận nội thành và mở rộng tuyên truyền và khám sàng lọc cho trẻ mẫu giáo, mầm non của 4 quận, huyện Hà Đông, Thạch Thất, Gia Lâm, Ứng Hòa và khám sàng lọc cho nhóm trẻ sơ sinh tại bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Tuy nhiên, giai đoạn hiện nay, công tác dân số của Thủ đô đang đứng trước những thách thức mới như mức sinh và sinh con thứ ba trở lên sau thời kỳ giảm liên tục đã tăng đột biến trở lại cho thấy những khó khăn, phức tạp và không bền vững của việc vận động KHHGĐ. Tổng tỷ suất sinh đã đạt mức sinh thay thế toàn thành phố, quy mô dân số dự kiến mỗi năm tăng thêm xấp xỉ dân số một huyện lớn, tức 220.000 người ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, tỷ lệ nạo phá thai, đặc biệt ở lứa tuổi vị thành niên chiếm tỷ trọng lớn... Vấn đề nóng nhất mà dư luận quan tâm hiện nay là chênh lệch giới tính khi sinh và sinh con thứ ba ở mức cao, nhất là các huyện ngoại thành. Hiện chênh lệch giới tính khi sinh của thành phố là 115 nam/100 nữ, cao hơn mức cho phép là 103-107 nam/100 nữ. Kết quả mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ phức tạp nếu không can thiệp kịp thời. Do vậy, công tác này cần có sự tham gia tích cực triển khai các giải pháp đồng bộ, với sự chung tay của toàn xã hội, trước hết là nâng cao nhận thức của mỗi gia đình làm thay đổi nhận thức, hành vi của người dân trong công tác Dân số - KHHGĐ để tâm lý muốn sinh con trai không còn là ý muốn hay quyền lợi của mỗi gia đình mà đã trở thành vấn đề liên quan đến cơ cấu Dân số của đất nước.


Phát biểu tại lễ mít tinh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đã đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo với công tác Dân số - KHHGĐ, phải coi đây là nhiệm vụ quan trọng, chỉ tiêu hàng đầu của địa phương, là tiêu chuẩn đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị, phải có cơ chế chính sách cụ thể để khen thưởng các tập thể, cá nhân thực hiện tốt và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm chính sách Dân số - KHHGĐ theo quy định. Nhân dịp này, Chi cục Dân số - KHHGĐ Hà Nội đã tổ chức giao lưu gặp mặt cán bộ làm công tác dân số Thủ đô qua các thời kỳ và trao bằng khen của Bộ Y tế cho 313 tập thể cá nhân và tặng kỷ niệm chương vì sự nghiệp dân số cho 1.417 cá nhân của thành phố Hà Nội đã có nhiều đóng góp cho công tác Dân số - KHHGĐ.


* Lễ kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống công tác Dân số tại Nam Định tổ chức ngày 26/12. Nhân dịp này, ông Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) cho rằng, để làm giảm bớt sức "nóng" của tỷ số giới tính khi sinh, trước hết Nam Định cần thay đổi "cái đầu" trong công tác dân số. Cùng với việc thực hiện nghiêm Pháp lệnh dân số, tỉnh cũng cần tăng cường truyền thông và nghiêm cấm việc lựa chọn giới tính khi sinh; xây dựng, nhân rộng các mô hình tôn giáo tham gia vào hoạt động giảm mất cân bằng giới tính khi sinh....


Theo bà Đặng Thị Minh, Giám đốc Sở Y tế Nam Định, bên cạnh vấn đề tỷ số giới tính, Nam Định cũng đang phải đối mặt với mức giảm sinh cao, chất lượng dân số còn hạn chế, dân số có dấu hiệu già hóa... Trong năm 2012, tỉnh tập trung mọi nỗ lực để giảm tỷ lệ sinh, phấn đấu giảm nhanh tỷ lệ sinh con thức 3 trở lên; tiếp tục triển khai các giải pháp can thiệp về kỹ thuật, kinh tế, xã hội, giảm nhanh mất cân bằng giới tính khi sinh và nâng cao chất lượng dân số... Đặc biệt, để thực hiện chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản, Nam Định cũng đã xây dựng kế hoạch hành động giai đoạn 2011-2015 và cụ thể hóa thông qua 10 nhóm mục tiêu cụ thể gồm: nâng cao sức khỏe, giảm bệnh tật, tử vong ở bà mẹ, trẻ em; giảm nhanh tốc độ chênh lệch giới tính khi sinh; duy trì mức sinh hợp lý, cơ bản loại trừ hoạt động phá thai không an toàn...


Những năm qua, nhờ kiên trì, nỗ lực, công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình của tỉnh Nam Định đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận: số con trung bình của một bà mẹ tính đến hết tuổi sinh đẻ còn 2,1 con, tỷ số phát triển dân số là 1% vào năm 2010 giảm tương ứng 4 con và 2,96% so với năm 1960. Nam Định đã tránh sinh được 10 vạn trường hợp, giảm tỷ lệ trẻ 5 tuổi suy dinh dưỡng cân nặng còn 15,69%. Tuy nhiên; đến hết năm 2010, tỷ số giới tính khi sinh trên địa bàn vẫn ở mức rất cao 120 bé trai/100 bé gái; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên còn 13,73%


* Kỷ niệm 50 năm truyền thống công tác Dân số và ngày Dân số Việt Nam, tỉnh Vĩnh Long tổ chức họp mặt biểu dương 150 cán bộ Dân số - KHHGĐ tiêu biểu các thời kỳ.Trong buổi họp mặt, UBND tỉnh Vĩnh Long đánh giá cao những đóng góp của đội ngũ cán bộ chuyên trách, công tác viên DS-KHHGD. Trong giai đoạn 2011 – 2015, tỉnh Vĩnh Long tập trung triển khai chương trình hành động thực hiện chiến lược Dân số, kiện toàn đội ngũ chuyên trách, công tác viên thực hiện mục tiêu duy trì mức sinh thấp, hợp lý để ổn định quy mô, nâng cao chất lượng dân số, thực hiện các giải pháp can thiệp, chủ động điều chỉnh tốc độ tăng dân số, kiểm soát tỷ số giới tính khi sinh và cải thiện sức khỏe bà mẹ, trẻ em, sức khỏe sinh sản ở các xã vùng sâu, vùng dân tộc.


Với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, tỉnh Vĩnh Long đã xây dựng mạng lưới 107 cán bộ chuyên trách xã và 1.629 cộng tác viên dân số đưa chính sách DS-KHHGĐ đến từng hộ gia đình, đến tận người dân. Thông qua mạng lưới cộng tác viên, Chi cục DS- KHHGĐ tỉnh đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục chuyển đổi hành vi cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ, của Tổng cục dân số và của tỉnh về lĩnh vực dân số, sức khỏe sinh sản - KHHGĐ. Trong các buổi truyền thông, tư vấn cộng đồng tỉnh tập trung chuyên đề “nâng cao chất lượng dân số”, truyền thông, tư vấn theo mô hình tư vấn 2 chiều, khai thác tối đa tính tích cực của những người tham dự, lồng ghép các vấn đề dân số, sức khỏe sinh sản, giới tính vào chương trình phối hợp tuyên truyền của các huyện, thị xã, đẩy mạnh việc giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên trong nhà trường...Nhờ những nỗ lực của đội ngũ cán bộ chuyên trách và cộng tác viên, tại Vĩnh Long hiện nay, số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ giảm từ 6,3% xuống còn 2 con, từ một tỉnh có mức sinh cao, đến nay Vĩnh Long được xếp vào nhóm 23 tỉnh, thành có mức sinh thấp và ổn định, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên từ 1,21% vào năm 2001 được duy trì ở mức 0,94% vào năm 2011, tỉ lệ con thứ 3 duy trì ở mức 5%, tỷ suất sinh 1,63 con/bà mẹ.


* Năm 2012 và những năm tới, ngành Y tế Cà Mau triển khai đồng bộ các giải pháp truyền thông chuyển đổi hành vi; nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ; đẩy mạnh xã hội hóa công tác dân số; can thiệp tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, hướng chỉ số này về mức bình thường vào năm 2020; phấn đấu giảm tỷ lệ tăng dân số dưới mức 1,2% và quy mô dân số 1,3 triệu người vào năm 2015 mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIV đề ra.


Dân số Cà Mau hiện là 1.232.000 người. Giai đoạn "Cơ cấu dân số vàng" với tỷ trọng và số người trong độ tuổi lao động tăng nhanh, đòi hỏi phải được đào tạo nghề và giải quyết công ăn việc làm. Bên cạnh đó, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng và trẻ dị tật bẩm sinh vẫn còn ở mức cao, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đã bước vào mức báo động 112 bé trai/100 bé gái, chất lượng dân số còn thấp; mức sinh ở Cà Mau giảm nhưng chưa vững chắc, còn sự chênh lệch lớn giữa các vùng, các địa phương. Theo thống kê, bình quân mỗi năm dân số Cà Mau tăng khoảng 1.500 người, mật độ dân số 231 người/km2 cao hơn so với mật độ dân số bình quân của cả nước. Mặc dù năm 2011, số con bình quân của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ giảm còn 2 con (2001 tỷ lệ này là 2,3 con) ./.

PV (tổng hợp)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất