Mục tiêu của Đề án là tăng cường xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học nhằm tạo chuyển biến căn bản về ứng xử văn hóa của cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên để phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách, lối sống văn hóa; xây dựng văn hóa trường học lành mạnh, thân thiện; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo; góp phần xây dựng con người Việt Nam: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo.
Đề án được chia làm hai giai đoạn 2018-2020 và 2021-2025, mỗi giai đoạn có mục tiêu cụ thể.
Mục tiêu của giai đoạn 2018-2020 là 100% trường học xây dựng và thực hiện bộ quy tắc ứng xử trong trường học theo quy định quy tắc ứng xử do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, phù hợp với điều kiện và đặc trưng vùng miền của mỗi nhà trường.
Hằn năm, có ít nhất 90% cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên được tuyền truyền, phổ biến, học tập các vấn đề liên quan đến văn hóa ứng xử, môi trường văn hóa trong gia đình, nhà trường và cộng đồng.
Có ít nhất 90% cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, cán bộ công đoàn giáo dục, đoàn thanh niên, hội sinh viên, đội thiếu niên trong nhà trường được bồi dưỡng nâng cao năng lực ứng xử văn hóa và có năng lực tốt trong tổ chức giáo dục văn hóa ứng xử trong trường học.
Có ít nhất 90% trường học đạt tiêu chuẩn xanh, sạch, đẹp, an toàn, lành mạnh, thân thiện, góp phần xây dựng môi trường văn hóa trong nhà trường.
Giai đoạn 2021-2025 đặt mục tiêu nâng các tỷ lệ trên lên đạt 95% đến 100%.
[1/3 trẻ em trên toàn thế giới bị dọa nạt dưới nhiều hình thức]
Để hiện thực hóa các mục tiêu này, Đề án đưa ra 5 giải pháp thực hiện.
Thứ nhất là tuyên truyền nâng cao nhận thức về xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học.
Thứ hai là xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong trường học. Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ban hành quy định quy tắc ứng xử trong trường học, trên cơ sở đó các cơ sở giáo dục xây dựng, thực hiện bộ quy tắc ứng xử với sự tham gia và cam kết của các bên liên quan (cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên, cha mẹ học sinh...).
Người đứng đầu nhà trường có trách nhiệm quán triệt đến toàn thể cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên và người học biết và thực hiện bộ quy tắc ứng xử.
Thứ ba là đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục văn hóa ứng xử trong trường học.
Thứ tư là nâng cao năng lực ứng xử văn hóa và năng lực giáo dục văn hóa ứng xử thông qua việc bôi dưỡng, tập huấn về năng lực ứng xử văn hóa cho học sinh, sinh viên, cán bộ quản lý, nhà giáo…
Thứ năm là tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong xây dựng văn hóa ứng xử.
Chính phủ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo là đơn vị thường trực, chủ trì, phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Bộ Lao động-thương binh và xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành tổ chức thực hiện./.
Theo TTXVN