Chủ Nhật, 24/11/2024
Khoa học, công nghệ
Thứ Bảy, 2/12/2017 9:0'(GMT+7)

Cách mạng công nghiệp lần thứ 4

1. Lịch sử loài người là lịch sử phát triển của các mối quan hệ giữa con người với thế giới tự nhiên và giữa con người với con người. Trên phương diện thứ nhất, con người từng bước hiểu biết, khám phá, chinh phục và cải tạo thế giới tự nhiên, tạo ra những tư liệu sản xuất và sinh hoạt đáp ứng ngày càng hiệu quả nhu cầu vật chất và tinh thần của chính con người. Đây cũng là nhân tố sâu xa nhất tạo nên những chuyển động tất yếu trên phương diện thứ hai: các mối quan hệ giữa con người với con người trong quá trình sản xuất vật chất được cấu trúc lại cho phù hợp với trình độ phát triển của các lực lượng sản xuất và vì vậy, toàn bộ các quan hệ xã hội cũng thay đổi, vận động, phát triển.

Trong quá trình nhận thức của con người đối với thế giới tự nhiên và đối với chính con người đã xuất hiện một số vận động, phát triển bước ngoặt, mở ra những trang sử mới, kỷ nguyên mới của lịch sử tri thức loài người và lịch sử toàn xã hội. Tiêu biểu nhất cho các bước vận động, phát triển đặc biệt này là những cuộc cách mạng công nghiệp (được định danh đầy đủ hơn bằng thuật ngữ các cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật) mà con người đã từng tạo ra trong vòng hơn 250 năm qua. Những cuộc cách mạng này đã chế tạo ra hàng loạt công cụ, tư liệu sản xuất thay thế lao động chân tay và sau đó, cả lao động trí óc của con người.

Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất diễn ra từ giữa thế kỷ XVIII đến giữa thế kỷ XIX bằng việc phát minh ra máy hơi nước, máy móc cơ khí, công nghiệp luyện kim, các tuyến đường sắt, hệ thống giao thông... Với hạt nhân là công nghiệp cơ khí - chế tạo, đây là những tiền đề vật chất cho nền sản xuất hàng hóa ra đời: con người sản xuất ra của cải vật chất với mục đích trao đổi, dẫn tới nhu cầu về một thị trường rộng lớn, liên hoàn, trong đó có thị trường hàng hóa sức lao động. Cùng thời gian này, trí tuệ của loài người liên tục vươn tới những đỉnh cao trên nhiều lĩnh vực: thiên văn, vật lý, hóa học, sinh học, y học, văn học, nghệ thuật, tư tưởng, chính trị... Những đòi hỏi bức thiết từ trong nội tại của đời sống vật chất, tinh thần của châu Âu ngày ấy đã làm bùng nổ cuộc cách mạng tư sản, xóa bỏ tình trạng cát cứ lãnh thổ - thị trường mà chế độ phong hầu kiến ấp áp đặt từ trên dưới 10 thế kỷ trước đó, mở đường cho kinh tế thị trường, xã hội công dân, nhà nước pháp quyền; dẫn đến sự thay đổi toàn diện bản đồ chính trị châu Âu và thế giới trong suốt gần 200 năm tiếp theo.

Cách mạng công nghiệp lần thứ hai diễn ra vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX bằng sự phát minh ra máy phát điện và các nguồn năng lượng mới (dầu lửa, khí đốt), dẫn đến sự ra đời của dây chuyền lắp ráp, điện khí hóa, công nghiệp hóa toàn bộ nền sản xuất vật chất và đời sống xã hội. Xuất hiện các phương tiện mới về giao thông vận tải (ô tô, máy bay) và thông tin liên lạc (đài bán dẫn, điện thoại), làm cho các không gian kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh - chiến lược trên toàn thế giới bị đặt vào các mối quan hệ liên kết (inter-relation) ngày càng phổ biến và phức tạp. Chính trong bối cảnh này, quá trình tích lũy và tập trung tư bản đã được triển khai cao độ, tạo điều kiện cho chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh chuyển thành chủ nghĩa tư bản độc quyền đòi phân chia lại thị trường thế giới để thỏa mãn nhu cầu xuất khẩu tư bản trên phạm vi toàn cầu. Đời sống địa kinh tế và địa chính trị thế giới bị các thế lực tư bản đế quốc cũ và mới “nhào nặn” lại theo lợi ích chiến lược của mỗi bên. Như hệ quả tất yếu, xâm chiếm thuộc địa và cách mạng giải phóng dân tộc, chiến tranh đế quốc và cách mạng vô sản đã nổ ra, không chỉ làm rung chuyển địa cầu, mà còn mở ra một thời đại mới trong lịch sử loài người gắn liền với sứ mệnh của giai cấp công nhân, các dân tộc bị áp bức và chủ nghĩa xã hội.

Cách mạng công nghiệp lần thứ ba là cuộc cách mạng không chỉ trên các lĩnh vực khoa học và kỹ thuật, mà chủ yếu là ở lĩnh vực công nghệ của nền sản xuất vật chất. Bởi vậy, nó được định danh bằng tên riêng: cuộc cách mạng khoa học công nghệ. Khởi đầu vào cuối thập kỷ 60, đầu thập kỷ 70 và cơ bản hoàn thành vào những năm cuối của thế kỷ XX, cách mạng khoa học công nghệ tạo ra những tiến bộ bước ngoặt về hạ tầng điện tử, tin học hóa, tự động hóa... nhờ sự ra đời của các tư liệu sản xuất mới như: chất bán dẫn, vật liệu tổng hợp, sợi cáp quang, nguồn năng lượng mới, công nghệ vi sinh, siêu máy tính, máy tính cá nhân, người máy, công nghệ nanô, mạng điện tử internet... Lần đầu tiên, con người sản xuất ra được những tư liệu sản xuất thông minh có khả năng thay thế không chỉ lao động cơ bắp, mà còn cả lao động trí tuệ của chính con người. Cũng trong kỷ nguyên của cuộc cách mạng khoa học công nghệ, loài người đã chế tạo ra các phương tiện giao thông, vận tải và thông tin, liên lạc, kết nối vô cùng hiện đại, tạo tiền đề cho quá trình rút ngắn, thậm chí san phẳng mọi khoảng cách về không gian và thời gian.

Trong điều kiện này, quá trình liên quốc gia hóa trước kia (internacionalisation) nhanh chóng phát triển thành quá trình toàn cầu hóa (globalisation) và nhất thể hóa (integration) mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị... trên phạm vi toàn thế giới. Nhờ mạng kết nối đa dạng, đa chiều, thế giới dường như thu nhỏ lại như một ngôi làng toàn cầu. Những chuyển động mang tính bước ngoặt vừa nêu thật sự đã làm thay đổi tận tầng sâu và trên tầm cao nhất đời sống của mọi cá nhân, cộng đồng, nhà nước, quốc gia dân tộc và cả xã hội loài người. Những lợi thế so sánh về an ninh và phát triển trước kia mất dần ý nghĩa thực, nhường chỗ cho các lợi thế mới. Cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa xã hội hiện thực và quá trình điều chỉnh, phát triển của chủ nghĩa tư bản hiện đại từ cuối thế kỷ XX được xem như những sự kiện lớn nhất trong lịch sử hiện đại - đều phải được lý giải tận gốc từ sự tiếp cận chậm trễ hay kịp thời đối với cuộc cách mạng khoa học công nghệ.

2. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư bắt đầu xuất hiện từ thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI. Sau nhiều bước đi ban đầu, tại Hội chợ Hannover (Đức) năm 2011, một số cuộc hội thảo đã được tổ chức để bàn đến khái niệm “nền công nghiệp 4.0” (industry 4.0), một nền công nghiệp của các nhà máy thông minh và của chuỗi giá trị toàn cầu trong sản xuất - dịch vụ - kinh doanh. Năm 2012, Chính phủ Đức thông qua bản Kế hoạch hành động chiến lược công nghệ cao, lần đầu tiên sử dụng thuật ngữ “cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Cuối năm 2015, Giáo sư Klaus Schwab, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới, xuất bản cuốn sách “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, diễn tả một cách hệ thống nội dung cuộc cách mạng này và làm gì để thích ứng với nó. Ngày 20-1-2016, Diễn đàn Kinh tế thế giới lần thứ 47 đươc khai mạc tại Davos (Thụy Sĩ) với chủ đề “Làm chủ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Tham dự có hơn 2500 đại biểu đến từ trên 100 nước, trong đó bao gồm 40 nguyên thủ quốc gia; các CEO nổi tiếng như Mary Barra (Tập đoàn General Motor), Bill Gates (Microsoft), Satya Nadella (Alibaba Jack Ma); Christine Lagarde (IMF); Tidjiane Thiam (Credit Suisse) và cả Robot HUBO đến từ Hàn Quốc... Kể từ thời điểm này, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hay cách mạng khoa học kỹ thuật lần thứ tư, hoặc nền công nghiệp 4.0 nhanh chóng trở thành vấn đề nóng hổi tính thời sự toàn thế giới.

Trong tác phẩm chuyên luận của mình, Giáo sư Klaus Schwab vạch rõ, khác với các cuộc cách mạng trước kia, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là sự gắn quện giữa các nền công nghệ làm xóa đi ranh giới giữa thế giới vật thể, thế giới số hóa và thế giới sinh học. Đó là các công nghệ internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, người máy, xe tự lái, in ba chiều, máy tính siêu thông minh, công xưởng thông minh, công nghệ nanô, công nghệ sinh học...

Internet vạn vật (Internet of Things - IoT) là hệ thống mạng điện tử mới dựa trên công nghệ thông tin và công nghệ truyền thông, không chỉ kết nối con người với vật thể, con người với con người, mà còn kết nối cả vật thể với vật thể, làm cho máy móc có thể giao tiếp với máy móc trong môi trường chung đa tầng nấc, đa chiều cạnh thông qua việc sử dụng các công cụ hiện đại: website, email, điện thoại thông minh, mạng truyền thông xã hội, thiết bị điện tử, thiết bị số hóa, thiết bị cảm biến siêu cao... Với internet vạn vật, không gian thực (real sphere) và không gian ảo (virtual sphere); hệ thống vật thể (physical system) và hệ thống số (digital system) giao hòa với nhau ngày càng hữu cơ, làm thay đổi căn bản phương thức tổ chức và vận hành đời sống xã hội cũng như nền sản xuất - dịch vụ - kinh doanh. 

Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI) là công nghệ mô phỏng các quá trình tư duy, nhận thức của con người, trong đó có các quá trình học tập, phân tích, xử lý, lập luận, dịch thuật, sáng tác, dự báo, tự điều chỉnh... Hơn nữa, trí tuệ nhân tạo còn mô phỏng được cả một số hành vi của con người, trong đó chứa đựng trạng thái tinh thần, cảm xúc, khả năng ứng xử phù hợp với từng cảnh huống. Năm 2016, trí tuệ AlphaGo đánh bại kiện tướng cờ vây thế giới; một hệ thống trí tuệ nhân tạo khác thắng các kiện tướng poker, hoặc dự đoán đúng kết quả đua ngựa; gần đây, robot siêu thông minh được đưa vào phác đồ điều trị trẻ tự kỷ, xe điện tự lái Tesla biết tự động cứu người khỏi tai nạn... Trên nền tảng của trí tuệ nhân tạo, các thiết bị tự động sẽ xuất hiện ngày càng nhiều trong quá trình sản xuất vật chất, hoạt động kinh doanh, tác chiến quân sự, an ninh và nhiều loại hình lao động khác cũng như trong đời sống thường nhật của con người. Theo báo cáo của nhiều cơ quan nghiên cứu, đến năm 2015 người máy và các thiết bị tự động đã làm giảm 45% chi phí lao động, tăng 35% năng suất lao động, riêng trong công nghiệp chế tạo đã đảm nhiệm 45% thao tác sản xuất. Các ngành chế tạo ô tô, công nghệ y học, sản xuất hàng tiêu dùng, công nghiệp năng lượng là những lĩnh vực hứa hẹn nhất cho trí tuệ nhân tạo. Theo Tổ chức Robot quốc tế (IFR), công nghiệp sản xuất robot tăng trưởng 13%/năm, đến năm 2019 toàn thế giới sẽ có gần 1,5 triệu robot mới được đưa vào hoạt động.

Công nghệ in 3 chiều (3D Printing) hay còn được gọi là chế tạo cộng (Additive Manufacturing), là công nghệ tạo ra một sản phẩm vật chất bằng cách bồi đắp dần các lớp vật liệu từ một bản vẽ hay một mô hình 3D có trước. Khác với công nghệ chế tạo truyền thống - chế tạo trừ (Reductive Manufacturing), đây là mô hình sản xuất mới, hết sức tùy biến sản xuất ra những sản phẩm theo “số đo” của từng người, theo nhu cầu của từng khách hàng; ngoài ra, quá trình sản xuất những phụ tùng thay thế sẽ rất tiện lợi: các yêu cầu và thông số kỹ thuật được chuyển cho các tổ chức mẹ, khâu chế tạo sản phẩm sẽ được các công ty con thực hiện tại chỗ nhờ hệ thống máy tính dữ liệu lớn (big data) kết nối đa chiều. Đây thật sự là điểm khởi đầu cho sự hình thành các công xưởng, nhà máy thông minh (Smart Factory) triển khai một nền sản xuất được cá tính hóa (individualized mass production) mà các nhà tư tưởng kinh tế xuất sắc của nhân loại đã dự báo cách đây gần 170 năm. Với mô hình sản xuất 3D ở các nhà máy thông minh, lợi thế cạnh tranh sẽ dịch chuyển từ chi phí, quy mô đầu tư... sang các yếu tố khác (ý tưởng, thiết kế, chức năng riêng biệt, chuỗi cung ứng, dịch vụ...). Khi nền sản xuất này trở thành phổ biến, chắc chắn các quy luật của kinh tế thị trường và sản xuất hàng hóa sẽ phải biểu hiện dưới hình thức mới, khác nhiều so với thời kỳ kinh điển từ trước tới nay.

Công nghệ sinh học hiện đại (modern biotechnology) với hạt nhân là công nghệ gen, hay công nghệ di truyền (genetic engineering) đã phát triển lên tầm cao của lực lượng sản xuất trực tiếp. Công nghệ gen bao gồm các kỹ thuật thực hiện trên axit nucleic nhằm nghiên cứu cấu trúc của gen; điều chỉnh và biến đổi gen; tách, tổng hợp và chuyển các gen mong muốn vào các tế bào sinh vật chủ mới tạo ra các cơ thể mới (thực vật, động vật, vi sinh vật) mang đặc tính mới. Ngoài ra, công nghệ sinh học hiện đại còn bao gồm công nghệ tế bào, công nghệ enzym và protein, công nghệ vi sinh vật, công nghệ lên men, công nghệ môi trường... Tháng 5-2006, một nhóm các nhà khoa học quốc tế đã hoàn tất việc giải mã toàn bộ gen con người. Trong những năm gần đây, Hãng Illumina (Mỹ) đã cho ra đời máy giải trình tự ADN thế hệ mới Miseq có khả năng giải trình tự tổng hợp bộ gen người và gen của các vi khuẩn, siêu vi gây bệnh trong thời gian chưa tới một ngày, với độ chính xác 99,9%, mỗi lần chạy phân tích đồng thời được 96 mẫu với chi phí vài nghìn USD, so với 2,7 tỷ USD vào cuối thế kỷ XX. Đây là những tiền đề cho hàng loạt chuyển biến bước ngoặt trong nông nghiệp, y tế, dược phẩm, chống tội phạm..., kéo theo những điều chỉnh lớn không tránh khỏi trong chính sách phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, an ninh của tất cả các quốc gia dân tộc.

3. Mỗi thời đại kinh tế được phân biệt với thời đại kinh tế khác không phải ở chỗ sản xuất ra cái gì, mà là sản xuất bằng cái gì và như thế nào ?. Luận điểm của C. Mác càng ngày càng được lịch sử chứng minh giá trị bền vững về mặt phương pháp luận. Với các tư liệu sản xuất mới và cách thức tổ chức, quản lý sản xuất mới do cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra, thế giới hiện đại từ thập kỷ thứ nhất của thế kỷ XXI đã có những bước đi đầu tiên vào một thời đại kinh tế mới: thời đại kinh tế tri thức, số hóa, tự động hóa và toàn cầu hóa cao độ. Mặc dù bản thân nó chưa là một thời đại lịch sử, nhưng mỗi thời đại kinh tế đều đặt dấu ấn của mình lên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, làm xuất hiện các xu hướng vận động mới, ban đầu ở phạm vi cục bộ, sau đó mở ra toàn thế giới. Là trí thức đi tiên phong trong phác họa về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Giáo sư Klaus Schwab sớm cảnh báo: “Chúng ta đang cận kề một cuộc cách mạng công nghệ sẽ làm thay đổi về cơ bản cách sống, lao động và giao tiếp giữa người với người. Trong chiều sâu, quy mô và tính phức tạp của nó, sự biến động sẽ là không có tiền lệ trong toàn bộ kinh nghiệm sống của loài người”(1).

Thật sự, cách mạng công nghiệp lần thứ tư hối thúc chúng ta phải trả lời lại các câu hỏi: phát triển là gì ? và làm gì để đạt mục tiêu phát triển ?. Gần 10 năm qua, cuộc khủng hoảng năm 2008 và quá trình suy thoái kinh tế, biến động địa chính trị và bùng nổ xã hội toàn cầu là thực tế phơi bày rõ rệt cuộc khủng hoảng toàn thế giới về tư duy và mô hình phát triển, khiến cho giới nghiên cứu có lý do xếp hạng cuộc khủng hoảng vừa qua lớn hơn cả đại khủng hoảng 1929 - 1933. Chưa bao giờ con người sản xuất ra nhiều của cải vật chất như bây giờ, nhưng đói nghèo lại ngày càng trầm trọng. Chưa bao giờ con người xứng đáng là con người thông minh (homo sapiens) như bây giờ, nhưng quy mô, cách thức con người hiện đại tàn sát nhau, vô tình hay có chủ ý, đều vượt qua mọi kỷ lục lịch sử! Từ thực tiễn đầy nghịch lý này, cộng đồng quốc tế đã thức tỉnh nhau rằng, phát triển không thuần túy là tăng trưởng kinh tế, mà còn bao hàm hàng loạt nội hàm văn hóa, xã hội, đạo đức, an ninh, sinh thái...; tuyệt đối hóa tăng trưởng kinh tế sẽ gây ra nhiều mô hình phản phát triển; làm tiêu tan cả phồn vinh vật chất và văn minh tinh thần. Giải pháp thay thế cấp bách và duy nhất đúng đắn là triển khai mô hình phát triển bền vững với 17 mục tiêu mà Chương trình Phát triển của Liên Hợp quốc (UNDP) vạch ra từ cuối năm 2015 cho toàn thế giới thực hiện đến năm 2030(2).

Các quốc gia phát triển và các nước lớn đang tận dụng lợi thế, khẩn trương triển khai nhiều giải pháp thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Năm 2011, chính quyền Mỹ công bố Chương trình Hợp tác sản xuất tiên tiến (Advanced Manufacturing Partnership - APP) với nội dung: tăng cường nghiên cứu công nghệ sản xuất hiện đại; đảm bảo chia sẻ thông tin về công nghệ sản xuất toàn liên bang; thành lập Mạng lưới quốc gia về đổi mới sản xuất gồm 25 viện thành viên; thiết lập các chương trình cụ thể về vật liệu gen, robot, công nghệ nanô, doanh nghiệp khởi nghiệp... Năm 2014, với nòng cốt là Công ty General Electric, Cộng đồng Công nghiệp Internet được thành lập gồm 170 tổ chức thành viên nhằm liên kết, tích hợp sức mạnh và tiềm lực toàn liên bang liên quan đến công nghệ nền tảng của nền công nghiệp 4.0.

Chính phủ Đức thông qua Kế hoạch hành động chiến lược công nghệ cao từ năm 2012. Hướng tới nền công nghiệp 4.0, chính quyền Đức ban hành nhiều chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao từ các nước trên thế giới; nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp mới hoạt động trên các lĩnh vực công nghệ tiên tiến; một số chương trình khuyến khích công dân Đức đến các trung tâm công nghệ hàng đầu thế giới, trước hết là Thung lũng Silicon (Mỹ) nghiên cứu, tiếp cận công nghệ mới...

Chính phủ Trung Quốc xác định công nghiệp 4.0 là một trong 7 vấn đề mới ngay từ Kế hoạch 5 năm lần thứ 12 (2011-2015). Năm 2015, Trung Quốc chính thức công bố Chiến lược quốc gia Made in China 2015, nhấn mạnh ưu tiên 10 lĩnh vực: công nghệ thông tin, điều khiển số và robot, hàng không vũ trụ, kỹ thuật biển và tàu công nghệ cao, thiết bị đường sắt tiên tiến, năng lượng mới, thiết bị điện, vật liệu mới, y sinh học và thiết bị y tế, máy móc nông nghiệp.

Ở nước ta, tình hình nghiên cứu và phát triển công nghệ đáp ứng đòi hỏi của nền công nghiệp 4.0, tuy được Đảng, Nhà nước quan tâm, nhưng những bước đi thực tế còn hết sức sơ khai. Khái niệm Internet vạn vật chỉ từ năm 2015 mới được nhắc đến trên các phương tiện thông tin đại chúng. Chế tạo và sử dụng robot chủ yếu chỉ trong hoạt động giảng dạy của một số trường đại học. Các máy in 3 chiều được 5 doanh nghiệp của cả nước sản xuất hiện nay đều phụ thuộc 100% linh kiện từ Trung Quốc, đều có mã nguồn mở tải miễn phí từ Internet nên hầu như không phát huy được tính ưu việt của công nghệ 3D. Nhà máy thông minh vẫn còn là điều xa vời trong chiến lược sản xuất - kinh doanh của hầu hết doanh nghiệp trong nước. Năng lượng tái tạo chiếm tỷ trọng không đáng kể so với các nguồn năng lượng hóa thạch. Nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao mới chỉ đang được triển khai thử nghiệm ở một số địa phương. Riêng ngành công nghệ thông tin là một điểm sáng cả về hạ tầng kỹ thuật, sản xuất phần cứng, doanh thu của công nghiệp phần mềm, doanh thu viễn thông và băng thông kết nối với Internet quốc tế.

Tháng 7-2016, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) công bố báo cáo, trong đó đánh giá 70% người lao động Việt Nam thuộc một số ngành nghề sẽ bị mất việc làm khi nền công nghiệp 4.0 được triển khai; riêng đối với ngành dệt may, con số này là 86%. Những con số cụ thể vừa nêu có thể chỉ là lý thuyết, nhưng chúng có giá trị cảnh báo rất nóng bỏng về những nhiệm vụ nặng nề phía trước đối với nền khoa học công nghệ và sản xuất - kinh doanh của nước nhà.

Nhìn lại bốn cuộc cách mạng công nghiệp, cách mạng khoa học kỹ thuật của thế giới, quốc gia dân tộc Việt Nam gần như đứng ngoài 2 cuộc đầu tiên và trong 2-3 thập kỷ vừa qua đã có bước hội nhập vào cuộc thứ ba. Bên cạnh một số kết quả và lợi thế, nhìn chung nước ta có ít kinh nghiệm, tiền đề và nguồn lực để đón nhận, tận dụng, phát triển các cuộc cách mạng công nghiệp, nếu so sánh với các nước trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, nhận thức đúng xuất phát điểm, cầu thị và tự cường, cộng với lợi thế của người đi sau - đó là cơ sở cho những niềm tin và thành công phía trước trên con đưởng đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam.

_____________________ 

(1) www.weforum.org

(2) Xem thêm: https://en.wikipedia.org

PGS,TS Nguyễn Viết Thảo

Phó Giám đốc

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Theo Tạp chí Lý luận Chính trị
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất