Đối với nước ta, nhờ tư tưởng Cách mạng Tháng Mười, Bác Hồ và những người cộng sản Việt Nam đã tìm ra con đường cứu dân, cứu nước, mà việc đầu tiên cực kỳ hệ trọng là chuẩn bị ra đời một đảng cách mạng chân chính theo chủ nghĩa Mác - Lênin trên cơ sở “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và dân tộc thuộc địa” của V.Lênin. Ngày 21-6-1925, Bác Hồ chỉ đạo và trực tiếp xuất bản tờ báo Thanh Niên, cơ quan của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên nhằm chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1927, trong tác phẩm “Đường Cách mệnh”, Người nêu rõ mục tiêu, nội dung, cách thức tiến hành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở nước ta. Đây là cơ sở quan trọng hình thành “Chính cương vắn tắt”,“Điều lệ vắn tắt” được thông qua tại Hội nghị hợp nhất ba tổ chức cộng sản ở ba miền thành Đảng Cộng sản Đông Dương vào ngày 3-2-1930.
Đánh giá tầm ảnh hưởng to lớn của Cách mạng Tháng Mười đối với sự kiện nói trên, Bác Hồ chỉ rõ: “Kinh nghiệm bản thân của Việt Nam chứng tỏ rằng chính là nhờ Đảng của những người bônsêvích và của cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười vĩ đại mà ở Việt Nam có một đảng mácxít lêninnít và Cách mạng Tháng Tám của chúng tôi đã giành được thắng lợi” (2); rằng “kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười, những thành tựu của Liên Xô là ngôi sao chỉ đường cho chúng tôi trong sự nghiệp xây dựng một cuộc đời hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam” (3).
15 năm sau ngày thành lập Đảng, với 5.000 đảng viên, những người cộng sản Việt Nam đã tuyên truyền, giáo dục, tập hợp quần chúng nhân dân làm cuộc Cách mạng Tháng Tám long trời lở đất, lật nhào ách thống trị gần 100 năm của bọn thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.
Vận dụng học thuyết cách mạng không ngừng của Mác - Lênin, Việt Nam đã đánh sập chủ nghĩa thực dân cũ bằng chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu ngày 7-5-1954. Hai mươi năm sau chiến thắng vĩ đại đó, dân tộc ta lại đánh sập chủ nghĩa thực dân mới do đế quốc Mỹ đứng đầu, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc vào ngày 30-4-1975. Không phải ngẫu nhiên các dân tộc bị áp bức trên thế giới ca ngợi Việt Nam là chiến sĩ tiên phong, vận dụng thắng lợi học thuyết Mác - Lênin vào thực tiễn Việt Nam, đánh thắng các thế lực thực dân, đế quốc sừng sỏ. Tấm gương chiến đấu kiên cường của Việt Nam, đã xây đắp niềm tin và tạo động lực cho các dân tộc áp bức làm nên cao trào cách mạng giải phóng dân tộc ở nhiều nước Á, Phi, Mỹ La tinh. Không phải ngẫu nhiên, nhân dân ở các nước này khi đón các đoàn đại biểu của nước ta sang thăm đều hô vang: “Việt Nam - Điện Biên Phủ - Hồ Chí Minh”!
Với việc triển khai thực hiện Cương lĩnh đổi mới đất nước được Đại hội VI của Đảng thông qua năm 1986, đất nước ta đã ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội diễn ra từ cuối thập niên 1970 và đầu thập niên 1980. Gần 30 năm qua, công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế đã thu được những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử, tạo nên những tiền đề vững chắc để dân tộc ta đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đến nay, chúng ta đã có quan hệ ngoại giao với 180 nước, quan hệ thương mại với hơn 200 nước và vùng lãnh thổ. Việt Nam đã xây dựng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hoặc đối tác chiến lược với tất cả các cường quốc trên thế giới. Việt Nam là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, vị thế ngày càng được nâng cao trên thế giới.
Sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu vào năm 1991 là sự sụp đổ của một mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực, mà đặc trưng nổi bật trong phát triển kinh tế là theo cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp kéo dài; chứ hoàn toàn không phải là sự sụp đổ của học thuyết về chủ nghĩa xã hội khoa học! Từ những bài học sai lầm ấy, Đảng ta ngày càng coi trọng việc tổng kết thực tiễn, bổ sung, hoàn thiện đường lối xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam với 8 đặc trưng được ghi rõ trong Cương lĩnh xây dựng đất nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (gọi tắt là Cương lĩnh năm 2011). Hiến pháp năm 2013, trên cơ sở cụ thể hóa Cương lĩnh đó và tiếp thu 6 triệu lượt ý kiến của nhân dân trong nước và nước ngoài, chúng ta một lần nữa khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo duy nhất đất nước và xã hội Việt Nam, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng của Đảng và nhân dân ta; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, quyết bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc trong bất cứ tình huống nào. Đó là sự biểu hiện trung thành và nhất quán với học thuyết Mác - Lênin và lý tưởng cao đẹp của Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại./.
------------
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia- Sự thật, H, 2011, t.15, tr.387-388.
- (3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.190, 180.