(TG)-Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai nhiều giải pháp để thực hiện nhiệm vụ được giao, kết quả công tác thu và phát triển đối tượng tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đều tăng và vượt kế hoạch được giao.
Vê giải quyết chế độ BHXH, BHYT, BHTN
Trong 9 tháng đầu năm 2017, toàn ngành BHXH đã giải quyết cho 7,16 triệu lượt người hưởng các chế độ BHXH, tăng 1,08 triệu lượt người (17,8%) so với cùng kỳ năm 2016; trong đó, 98.672 người hưởng BHXH hàng tháng, 536.864 lượt người hưởng trợ cấp 1 lần; 6,52 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe. Thanh toán chi phí khám chữa bệnh (KCB) BHYT cho 124,11 triệu lượt người, tăng 19,3 triệu lượt người (18,5%) so với cùng kỳ năm 2016. Ngành BHXH cũng phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội giải quyết cho 538.843 lượt người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp, tăng 19.069 lượt (3,6%) so với cùng kỳ năm 2016.
Đến hết tháng 9-2017, số chi BHXH, BHYT, BHTN toàn ngành là 199.450 tỷ đồng (tăng 15,15% so với cùng kỳ năm 2016); trong đó, chi BHXH từ nguồn ngân sách 33.252 tỷ đồng, chi BHXH từ Quỹ BHXH 97.163 tỷ đồng, chi Quỹ BHTN 5.323 tỷ đồng và chi KCB BHYT 64.200 tỷ đồng.
Từ đầu năm đến nay, BHXH Việt Nam đã tập trung hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ của ngành phù hợp với các quy định của Luật BHXH, Luật BHYT, Luật An toàn, vệ sinh lao động, trong đó có một số văn bản quan trọng như sau: Quy trình quản lý thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT; quy trình giao dịch điện tử; thủ tục, quy trình giải quyết các chế độ BHXH, BHYT, BHTN; quy trình thanh tra, kiểm tra; quy trình kiểm toán nội bộ… Đồng thời, đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ về: Xây dựng dự toán giao cho các địa phương; chỉ đạo BHXH các tỉnh tập trung thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ được giao; kế hoạch bàn giao sổ BHXH cho người lao động; triển khai hệ thống thông tin Giám định BHYT… Các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ được BHXH Việt Nam ban hành kịp thời, đúng thẩm quyền. Những văn bản liên quan đến các nội dung, vấn đề phức tạp trước khi ban hành đều gửi xin ý kiến các bộ, ngành liên quan đảm bảo tính khả thi, phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và đáp ứng được yêu cầu quản lý.
Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam đã tham gia đóng góp ý kiến nhiều dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ và các bộ, ngành gửi đến. Trong đó có các văn bản liên quan trực tiếp đến chính sách BHXH, BHYT như: dự thảo Chỉ thị về tăng cường thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH; dự thảo Thông tư hướng dẫn về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc; dự thảo Tờ trình và Nghị định quy định mức đóng vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN; dự thảo Hướng dẫn thực hiện một số quy định của pháp luật về BHXH; dự thảo Thông tư ban hành Danh mục vật tư y tế thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT; dự thảo Nghị định về quản lý thu nợ BHXH, BHYT, BHTN và bảo đảm quyền lợi của người lao động; dự thảo Thông tư của Bộ Y tế quy định gói dịch vụ y tế cơ bản do quỹ BHYT chi trả, v.v…
Tuy nhiên, từ ngày 1-1-2018, có hai vấn đề đang được người lao động và người sử dụng lao động quan tâm: một là, vấn đề cách xác định tiền lương để đóng BHXH; hai là, vấn đề thay đổi cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu từ 1-1-2018 trở đi.
Về đóng BHXH bắt buộc theo chế độ tiền lương và cách tính lương hưu mới
Từ ngày 1-1-2018, đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc vẫn là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm (hệ số) và các khoản phụ cấp chức vụ (hệ số), phụ cấp thâm niên vượt khung (%), phụ cấp thâm niên nghề (nếu có) (%) trên cơ sở mức mức lương cơ sở do Nhà nước quy định từng thời kỳ. Trong khi đó, đối tượng đóng BHXH bắt buộc theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định sẽ được căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều 89 Luật BHXH năm 2014; Khoản 2 Điều 17 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11-11-2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc; Khoản 2 Điều 30 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29-12-2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc; Điều 4 Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH ngày 16-11-2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều về hợp đồng, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12-01-2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ Luật Lao động; Điều 3 Thông tư số 23/2015/TT-BLĐTBXH ngày 23-6-2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều về tiền lương của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP, từ 1-1-2018 tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
Trong đó, việc đóng BHXH trên tiền lương thực tế dựa trên các nguyên tắc đảm bảo quyền lợi cho người lao động, khi hưởng chế độ ốm đau, thai sản, nghỉ hưu… mức hưởng sẽ cao hơn. Tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc thấp nhất bằng mức lương tối thiểu vùng; cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở theo quy định của Chính phủ. Tiền lương tháng đóng BHXH đối với người làm công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng; công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề) phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng; công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 5%; công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường.
Cơ sở để xác định mức đóng BHXH theo mức lương trong doanh nghiệp sẽ được dựa trên các yếu tố sau:
Một là, mức lương làm căn cứ đóng BHXH theo thang lương, bảng lương do doanh nghiệp tự xây dựng. Hai là, phụ cấp lương là khoản tiền bù đắp các yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ trong mức lương theo công việc hoặc chức danh của thang lương, bảng lương như: phụ cấp chức vụ, chức danh; phụ cấp trách nhiệm; phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thâm niên; phụ cấp khu vực; phụ cấp lưu động; phụ cấp thu hút và các phụ cấp có tính chất tương tự. Ba là, các khoản bổ sung khác là khoản tiền ngoài mức lương, phụ cấp lương và có liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động. Các khoản bổ sung khác không bao gồm: Tiền thưởng theo quy định tại Điều 103 của Bộ luật Lao động; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác không liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động.
Về vấn đề xung quanh việc thay đổi các tính tỷ lệ hưởng lương hưu từ ngày 1-1-2018 trở đi, cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu theo quy định tại khoản 2 Điều 56 Luật BHXH năm 2014, từ ngày 1-1-2018 sẽ bắt đầu áp dụng lộ trình thay đổi cách tính tỷ lệ % hưởng lương hưu. Cụ thể như sau:
Một là, lao động nam được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng hoặc thu nhập tháng đóng BHXH khi có thời gian đóng BHXH đủ 16 năm và nghỉ hưu năm 2018, đủ 17 năm và nghỉ hưu năm 2019, đủ 18 năm và nghỉ hưu năm 2020, đủ 19 năm và nghỉ hưu năm 2021, đủ 20 năm và nghỉ hưu từ năm 2022 trở đi.
Hai là, lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi thì 15 năm đóng BHXH được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH, nội dung này thay đổi đối với lao động nam vì trước năm 2018 lao động nam chỉ cần đủ 15 năm đóng BHXH đã được tính bằng 45%. Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng BHXH, người lao động (cả nam và nữ) được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.
Như vậy, lao động nữ đủ 55 tuổi, nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi phải có đủ 30 năm đóng BHXH mới được hưởng tối đa 75%, so với trước năm 2018 chỉ cần có đủ 25 năm đóng BHXH là được hưởng tỷ lệ tối đa 75%; lao động nam nghỉ hưu năm 2018 phải đủ 31 năm đóng BHXH, nghỉ năm 2019 phải có đủ 32 năm, nghỉ năm 2020 phải có đủ 33 năm, nghỉ năm 2021 phải đủ 34 năm và nghỉ từ năm 2022 trở đi phải đủ 35 năm đóng BHXH mới được hưởng tỷ lệ tối đa là 75%, so với trước năm 2018 thì chỉ cần có đủ 30 năm đóng BHXH là được hưởng tỷ lệ tối đa 75%.
Với cách tính tỷ lệ lương hưu mới này, sẽ có một số tác động đối với người lao động. Đối với lao động nam thì cách tính trên tác động đến những người chưa đạt đủ số năm cần thiết để đạt tỷ lệ hưởng tối đa là 75% và ảnh hưởng đến mức trợ cấp một lần khi nghỉ hưu. Còn đối với lao động nữ thì cách tính như trên từ năm 2018 trở đi không phải là mới, đã thực hiện từ năm 1995 theo Điều lệ BHXH ban hành kèm theo Nghị định số 12/CP. Việc thay đổi cách tính lương hưu mà không có lộ trình ảnh hưởng đến lao động nữ nhiều hơn, nhất là đối với lao động nữ có dưới 30 năm đóng BHXH, số năm đóng BHXH càng ít thì tác động càng lớn.
Theo số thống kê của BHXH Việt Nam, thì có khoảng 68% số người nghỉ hưu được hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu. Như vậy, cách tính này ảnh hưởng nhiều hơn đến 32% số người nghỉ hưu (chủ yếu là nghỉ hưu sớm). Cũng theo số thống kê, thời gian đóng BHXH bình quân của người nghỉ hưu trong 4 năm trở lại đây thì lao động nam có thời gian đóng BHXH bình quân là trên 32 năm, còn lao động nữ là 29 năm. Như vậy, tác động tổng thể là không lớn. Mức hưởng lương hưu phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: tuổi đời, thời gian đóng BHXH, mức lương đóng BHXH, điều kiện làm việc… tỷ lệ hưởng lương hưu sẽ thấp khi nghỉ hưu sớm và càng thấp hơn nếu thời gian đóng BHXH không nhiều. Vì vậy khi người lao động còn trẻ, khỏe, có công việc tốt thì nên tiếp tục đóng BHXH cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu để được nhận mức lương hưu tốt nhất giúp đảm bảo tốt hơn cuộc sống của mình khi về hưu.
Qua số liệu tổng hợp từ các địa phương, thì số người nghỉ hưu trong 6 tháng đầu năm 2017 giảm 2% so với cùng kỳ năm 2016. Vì vậy, có thể đánh giá chưa xảy ra tình trạng nghỉ hưu sớm ồ ạt để tránh sự thay đổi về cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu.
Nỗ lực đạt các chỉ tiêu của ngành trong năm 2017
Để đạt được các mục tiêu của ngành và được Thủ tướng Chính phủ giao trong năm 2017, từ đầu năm đến nay ngành BHXH đã nỗ lực cải cách các thủ tục hành chính, công tác cải cách được triển khai quyết liệt, đồng bộ theo đúng yêu cầu của Chính phủ. Trong 9 tháng đầu năm 2017, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan xây dựng Chương trình, Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 6-2-2017 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020 và Nghị định số 166/2016/NĐ-CP ngày 24-12-2016 quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN. Đồng thời tiếp tục tập trung chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố phục vụ tốt người dân, doanh nghiệp; thực hiện cải cách hồ sơ, quy trình, giảm bớt thủ tục kê khai thu nộp, giải quyết, chi trả chế độ BHXH, BHYT cho đơn vị, cá nhân có giao dịch với cơ quan BHXH; hạn chế tình trạng chậm, muộn, tồn đọng hồ sơ...
Về phương hướng, nhiệm vụ những tháng cuối năm 2017, ngành BHXH tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, tổng hợp, báo cáo Bộ Chính trị và Ban Bí thư về kết quả 5 năm triển khai Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22-11-2012 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, Bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2012 – 2020”; Tổ chức thực hiện tốt các Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Việc làm, Luật An toàn, vệ sinh lao động, Luật Dược và kịp thời đánh giá, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, đề xuất các giải pháp triển khai hiệu quả chính sách BHXH, BHYT, BHTN.
Hai là, chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, phối hợp với các ngành chức năng trên địa bàn triển khai thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh phát triển đối tượng; thu đúng, đủ, kịp thời, chống tồn đọng; giải quyết đầy đủ, kịp thời các quyền lợi về BHXH, BHYT cho người lao động; ngăn ngừa hành vi trục lợi; đảm bảo cân đối quỹ BHYT.
Ba là, tiếp tục triển khai Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 26-12-2016 của Thủ tướng Chính phủ; chỉ đạo BHXH các địa phương giải quyết, chi trả đầy đủ, kịp thời các quyền lợi về BHXH, BHYT cho người lao động và người dân; thực hiện tốt công tác rà soát, bàn giao sổ BHXH cho người lao động theo quy định của Luật BHXH năm 2014.
Bốn là, đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền theo hướng chuyên nghiệp hóa cả về nội dung và phương thức tiếp cận; phát huy vai trò của các cơ quan truyền thông, báo chí… nhằm giúp người dân, doanh nghiệp hiểu được quyền và nghĩa vụ về BHXH, BHYT và tự giác tham gia.
Năm là, tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành tại các đơn vị vi phạm pháp luật BHXH, BHYT; Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị chức năng trong việc phát triển đối tượng và thu nợ BHXH, BHYT, BHTN
Sáu là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý; hoàn thiện bộ công cụ hỗ trợ tập trung dữ liệu thu, sổ thẻ, tài chính kế toán và phân tích dữ liệu tập trung của ngành BHXH./.
Nguyễn Trí Đại
Trưởng ban Thu -Bảo hiểm xã hội Việt Nam