Thứ Hai, 30/9/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Hai, 10/10/2011 22:11'(GMT+7)

Cải tạo tập tục lạc hậu, thực hiện nếp sống văn minh góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lào Cai

Đám cưới người Dao (Tả Phìn).                   Ảnh: Ngọc Bằng

Đám cưới người Dao (Tả Phìn). Ảnh: Ngọc Bằng

Đến nay, nghi lễ cưới trong các dân tộc, các địa phương của tỉnh đã cơ bản thực hiện theo đúng quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình, nội dung lễ cưới của các dân tộc thiểu số đã gọn nhẹ, trang trọng, lịch sự, đồng thời phát huy được bản sắc văn hóa truyền thống. Đối với các dân tộc thiểu số vùng cao, vùng xa, hiện tượng thách cưới cao, ép gả, cưới chui, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống… đã giảm đáng kể. Qua kiểm tra và nắm tình hình tại các địa phương như: Sa Pa, Bắc Hà, Si Ma Cai, thành phố Lào Cai… cho thấy việc thực hiện văn minh trong việc cưới đã thu được nhiều kết quả. Hầu hết các địa phương đã thực hiện tốt hình thức trao giấy đăng ký kết hôn tại trụ sở UBND cấp xã cho các cặp vợ chồng đến đăng ký.

Trong tang lễ, nhìn chung đã được tổ chức chu đáo, trang nghiêm, tiết kiệm, vệ sinh, phù hợp đặc trưng văn hóa, hương ước của từng địa phương, từng vùng dân tộc và quy định của pháp luật. Chính quyền các địa phương đã thực hiện nhiều hình thức, mô hình tuyên truyền, vận động sáng tạo, phong phú nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang. Khi có người chết, gia đình đã kịp thời đến chính quyền xã khai tử. Việc tổ chức các nghi lễ trong tang ma cho người chết được tiến hành bảo đảm khẩn trương, đúng bản sắc văn hóa. Không còn tình trạng mổ trâu, bò để làm ma, hiến tế và tổ chức ăn uống linh đình. Hầu hết chính quyền các địa phương tại cơ sở đã thành lập được ban lễ tang với nhiệm vụ giúp đỡ, phối hợp cùng các gia đình trong địa bàn tổ chức tốt tang lễ cho người chết theo đúng quy ước, hương ước về thực hiện văn minh. Các huyện, thành phố đều quy hoạch nghĩa trang, riêng thành phố Lào Cai hiện nay đã quy hoạch được 3 nghĩa trang nhân dân. Trong tổ chức tang lễ đã vận động nhân dân lập quỹ áo quan nhằm kịp thời giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, tập huấn, tuyên truyền chủ trương của Đảng và Nhà nước về thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang cho đội ngũ thầy cúng, cải tiến việc xem ngày, chọn giờ chôn cất người chết theo hướng văn minh, vận động nhân dân hạn chế rắc tiền, vàng mã trên đường đưa tang, chỉ sử dụng tăng âm loa đài phục vụ công tác tổ chức, không sử dụng tăng âm đối với ban nhạc hiếu.

Lễ hội xuống đồng. Ảnh: Ngọc Luyến

Công tác quản lý và tổ chức lễ hội đã được các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh thực hiện đúng quy định của Nhà nước, với quy mô phù hợp, phong phú về nội dung và hình thức, mang bản sắc văn hóa truyền thống, được đông đảo các tầng lớp nhân dân đánh giá và hưởng ứng tham gia, góp phần phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, đẩy lùi các hủ tục. Các lễ hội đã thể hiện đậm nét bản sắc văn hóa truyền thống của từng dân tộc, từng địa phương. Công tác chỉ đạo, định hướng, quản lý, tổ chức lễ hội cơ bản đã có nhiều đổi mới và chặt chẽ hơn năm trước. Kịp thời chấn chỉnh các hiện tượng chèo kéo khách, dịch vụ đổi tiền lẻ, buôn bán sách bói toán, hàng quán và các dịch vụ vui chơi có thưởng tại các lễ hội. Các lễ hội mới gắn với văn hóa du lịch mang bản sắc riêng của Lào Cai được xây dựng kế hoạch tổ chức quy mô, chất lượng, có tác động tích cực cải thiện, nâng cao đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa của nhân dân như: Chương trình "Du lịch về cội nguồn", Lễ hội trên mây Sa Pa, Giải đua ngựa truyền thống Bắc Hà mở rộng, Chương trình du lịch khám phá chinh phục Phan Xi Păng... Qua tổ chức lễ hội, các cấp, các ngành đã lồng ghép tốt công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước, tinh thần đoàn kết các dân tộc đến các tầng lớp nhân dân, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số.

Thành công bước đầu đó đã khẳng định sự đúng đắn trong chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân và toàn xã hội. Việc thực hiện văn minh trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân các dân tộc tỉnh đang từng bước góp phần quan trọng vào thành công trong sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Phạm Xuân-Tỉnh ủy viên,
 Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lào Cai

Nguồn: Báo Lào Cai

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất