Thứ Hai, 30/9/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 11/5/2012 18:59'(GMT+7)

Cần có thêm những “cú hích” thiết thực cho khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa

(Hình minh hoạ)

(Hình minh hoạ)

Thực tiễn sinh động

Những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, khi nền kinh tế đang ở giai đoạn đầu chuyển đổi để phát triển theo cơ chế thị trường thì số lượng doanh nghiệp ra đời và hoạt động vẫn còn rất ít. Tuy nhiên, kể từ năm 1999 khi Luật Doanh nghiệp được ban hành thay thế cho Luật Doanh nghiệp tư nhân năm 1990 mọi chuyện đã khác, lực lượng doanh nghiệp Việt Nam từ đó đã phát triển nhanh chóng. Nếu như năm 2000 Việt Nam mới có khoảng trên 42.000 doanh nghiệp thành lập và hoạt động, thì đến năm 2009 con số này đã là 205.689, và đến nay theo số liệu thống kê chưa chính thức của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thì cả nước đã có khoảng 630.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập, trong đó hơn 90% là DNNVV, chủ yếu thuộc thành phần kinh tế tư nhân. Bình quân trong vòng 11 năm kể từ khi Luật Doanh nghiệp 1999 có hiệu lực (năm 2000), trung bình mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 53.000 DNNVV đăng ký thành lập mới.

Không chỉ phát triển nhanh chóng về số lượng, hoạt động của DNNVV khu vực tư nhân trong những năm qua được đánh giá có hiệu quả cao hơn các khu vực kinh tế khác. Năm 2010, tỷ trọng giá trị đóng góp của các DNNVV vào tổng GDP của nền kinh tế đất nước chiếm khoảng trên 40% (nếu tính cả loại hình hợp tác xã và hộ kinh doanh cá thể thì tỷ trọng lên đến khoảng 60%). Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, để tạo ra 1 đơn vị giá trị GDP, các DNNVV khu vực kinh tế tư nhân chỉ cần 3,74 đơn vị đầu tư, trong khi doanh nghiệp khu vực kinh tế Nhà nước phải cần tới 8,28 đơn vị đầu tư, doanh nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài cần 4,99 đơn vị đầu tư. Doanh thu trên tổng số tài sản DNNVV khu vực tư nhân cũng cao hơn các khu vực khác; trung bình cứ 01 tỷ đồng tài sản các doanh nghiệp khu vực tư nhân có thể tạo ra được 1,18 tỷ đồng doanh thu, còn khu vực doanh nghiệp Nhà nước chỉ tạo ra được khoảng 0,80 tỷ đồng, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tạo ra được 0,89 tỷ đồng. Thực tế trên cho thấy, DNNVV khu vực tư nhân có khả năng tạo ra doanh thu tốt hơn các loại hình doanh nghiệp khác và mặc nhiên sẽ là khu vực có khả năng thích ứng phát triển cao hơn.

Những số liệu thống kê mới nhất của các cơ quan chức năng cũng cho thấy, số lao động khu vực DNNVV sử dụng chiếm hơn 50% tổng số lao động thuộc tất cả các loại hình doanh nghiệp; mỗi năm khu vực DNNVV tạo ra khoảng hơn 1 triệu việc làm mới chủ yếu cho lao động phổ thông góp phần quan trọng giải quyết việc làm, thu nhập cho người dân, góp phần giải quyết các vấn đề an sinh xã hội.

Trong các văn bản chính thống về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước gần đây đề cập đến phát triển doanh nghiệp đều thừa nhận DNNVV có vai trò rất quan trọng tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển và đóng góp vào ngân sách Nhà nước. Các DNNVV có vốn đầu tư ban đầu tuy không lớn, song được hình thành và phát triển rộng khắp ở khu vực thành thị lẫn nông thôn, tham gia hoạt động ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực kinh tế; là khu vực khai thác và huy động các nguồn lực, tiềm năng, tạo cơ hội cho đông đảo dân cư có cơ hội tham gia đầu tư và tạo ra một thị trường lành mạnh hơn.

Cần “tiếp sức”

Sự phát triển của các DNNVV đã góp phần cơ bản tạo việc làm mới, giảm tỷ lệ thất nghiệp, góp phần ổn định tình hình kinh tế, chính trị, an sinh xã hội. Song để cạnh tranh, phát triển trong bối cảnh hội nhập, DNNVV Việt Nam vẫn đang gặp phải những thách thức rất lớn. Khó khăn, hạn chế mang tính lâu dài ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh và phát triển của các DNNVV Việt Nam hiện nay vẫn là quy mô còn nhỏ, tiềm lực tài chính yếu, trình độ công nghệ lạc hậu, khả năng quản trị doanh nghiệp chưa cao, việc tiếp cận các nguồn vốn tín dụng và mặt bằng sản xuất vẫn gặp không ít khó khăn, mối liên kết với các doanh nghiệp lớn và tham gia vào các chuỗi giá trị còn hạn chế.

Để khuyến khích DNNVV phát triển đáp ứng được các yêu cầu của quá trình hội nhập, ngày 30/6/2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định 56/2009/NĐ/NĐ-CP về trợ giúp phát triển DNNVV. Ngày 5/5/2010 Chính phủ đã ra Nghị quyết 22/NQ-CP chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan triển khai tích cực, đồng bộ các nhóm giải pháp hiện thực hóa Nghị định 65/2009/NĐ-CP vào thực tiễn, trong đó có việc thực hiện các nhóm giải pháp như: Tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn vốn tín dụng và huy động các nguồn lực hỗ trợ tài chính; giúp tháo gỡ khó khăn về mặt bằng sản xuất; hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh; đẩy mạnh thực hiện một số giải pháp cải cách thủ tục hành chính; xây dựng và củng cố hệ thống trợ giúp phát triển… nhằm giúp các DNNVV phát huy mọi năng lực và nguồn lực để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Trong năm 2011, Chính phủ cũng đã gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cho các DNNVV có đủ điều kiện nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 09-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Điều này cho thấy, quyết tâm chính trị rất cao của Đảng trong việc khuyến khích, thúc đẩy phát doanh nghiệp. Vấn đề quan trọng là việc cụ thể hóa chủ trương này của Đảng vào thực tiễn.

Theo ý kiến của nhiều doanh nhân thì các chính sách trợ giúp DNNVV hiện vẫn còn khiêm tốn. Kinh nghiệm ở một số nước có nền kinh tế phát triển cho thấy, DNNVV được coi có vai trò là động lực quan trọng thúc đẩy nền kinh tế. Trong bối cảnh tái cơ cấu gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế giai đoạn hiện nay và sắp tới, nhiều chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần hướng mạnh đến khu vực kinh tế tư nhân cũng như DNNVV để tận dụng những lợi thế sẵn có của khu vực này phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững. Khu vực tư nhân cũng như DNNVV phát triển lớn mạnh sẽ tạo đà tốt cho tăng trưởng và củng cố thêm nền tảng cho nền kinh tế. Chình vì vậy, cần xác định rõ hơn vị trí, quy mô của kinh tế tư nhân cũng như DNNVV trong nền kinh tế, qua đó khuyến khích khu vực này phát triển mạnh hơn, có những chính sách hiệu quả hơn thu hút khu vực tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực trọng yếu của đất nước như hạ tầng cơ sở, giáo dục…/.

Lan Ngọc

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất